Hơn 36 năm sống trong cảnh đất nước hòa bình, nhưng những thành viên trong ban liên lạc T7 thuộc Khu ủy miền Đông Nam bộ vẫn canh cánh bên lòng sự thương cảm vô hạn đối với đồng đội đã hy sinh nhưng vẫn còn nằm lại nơi chiến trường lạnh giá. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã thôi thúc họ quyết tâm đi tìm lại hài cốt đồng đội.
Hơn 36 năm sống trong cảnh đất nước hòa bình, nhưng những thành viên trong ban liên lạc T7 thuộc Khu ủy miền Đông Nam bộ vẫn canh cánh bên lòng sự thương cảm vô hạn đối với đồng đội đã hy sinh nhưng vẫn còn nằm lại nơi chiến trường lạnh giá. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã thôi thúc họ quyết tâm đi tìm lại hài cốt đồng đội.
Quy tập hài cốt liệt sĩ Lê Văn Phăng. Ảnh: H. ĐÌNH |
Theo chân đoàn quy tập liệt sĩ T7, rạng sáng sớm chúng tôi đã có mặt tại khu vực cầu Bốn Thước thuộc địa bàn ấp Suối Đục (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) để tìm hài cốt liệt sĩ Lê Văn Phăng. Sau gần hơn 40 năm trở lại chiến trường xưa, mọi địa hình - địa vật đã có nhiều đổi thay, khiến cho việc tìm kiếm gặp không ít khó khăn. Mọi thông tin chỉ sót lại trong trí nhớ mơ hồ của một số đồng đội khi tham gia chôn cất.
Phải vất vả lắm cho đến khoảng giữa trưa thì đoàn cũng xác định chính xác vị trí yên nghỉ của liệt sĩ Lê Văn Phăng. Nơi ấy là một thảm cỏ dày ẩn dưới tán phủ của một đồi tràm. Theo lời kể của ông Trương Thanh Tâm, cựu quân nhân Ban liên lạc T7, nguyên Giám đốc Công ty cung ứng vật tư và dịch vụ bưu điện Đồng Nai: Vào khoảng giữa tháng 4-1969, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày một ác liệt, Mỹ quyết định tăng cường máy bay B52 rải bom càn quét toàn bộ khu vực này. Toàn bộ chiến sĩ trong Ban thông tin T7 được lệnh di chuyển sang cánh rừng lá để tránh nạn. Trên đường hành quân, tại trạm dừng chân thuộc khu vực cầu Bốn Thước thì bị pháo đài Gia Ray của địch phát hiện, dùng hỏa lực bắn phá ác liệt.
Đoàn quy tập tiến tới khu vực cầu Bốn Thước. |
Trong trận ấy, đồng chí Lê Văn Phăng bị pháo địch bắn đứt lìa một cánh tay trái. Do mất máu quá nhiều nên đã hy sinh ở tuổi 21... Trải qua 42 năm yên nghỉ dưới lòng đất, theo thời gian mọi di vật hầu như không còn, hài cốt tìm được chỉ là những mẩu xương đã bị phân rã. Trong ngày, đoàn lại tiếp tục đi tìm hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Láy (trinh sát viên thuộc Tỉnh đội Long Khánh), đã hy sinh năm 1971 trong một trận bị địch tập kích tại khu vực suối Gia Măng thuộc địa bàn xã Xuân Hiệp.
Ông Nguyễn Minh Tân, cựu quân nhân T7, nguyên Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Đồng Nai, cho biết: “Vì tình thương và trách nhiệm của những người còn sống đối với những người đã khuất, Ban liên lạc T7 đã thống nhất thành lập Ban quy tập hài cốt đồng đội với gần 10 thành viên. Qua gần 2 tháng tích cực tìm kiếm, đến nay chúng tôi đã đưa 22 bộ hài cốt đồng đội về chôn cất tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm được 13 bộ hài cốt liệt sĩ thuộc các đơn vị bạn. Đơn vị T7 vẫn còn 2 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Do vậy, các anh em trong đoàn nguyện ngày nào còn sống thì ngày ấy vẫn tiếp tục đi tìm hài cốt đồng đội”.
Hải Đình