Báo Đồng Nai điện tử
En

Công tác phòng, chống tham nhũng: Đấu tranh phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa cao

09:11, 14/11/2011

Nhân hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với đồng chí NGUYỄN VĂN VÀNG, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng chống, tham nhũng, lãng phí xung quanh tình hình và những kết quả thực hiện công tác này.

Đồng chí Nguyễn Văn Vàng
Đồng chí Nguyễn Văn Vàng

Nhân hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với đồng chí NGUYỄN VĂN VÀNG, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng chống, tham nhũng, lãng phí xung quanh tình hình và những kết quả thực hiện công tác này.
Đồng chí cho biết: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương đã kịp thời triển khai, quán triệt Nghị quyết. Trong đó, việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện nghiêm túc; việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định; các chế độ định mức, tiêu chuẩn thường xuyên được thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn chỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng chống tham nhũng được tăng cường và có tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, như: xây dựng cơ bản; thu chi ngân sách; bồi thường, giải tỏa, quản lý đất đai, bảo hiểm xã hội…Qua đó, các vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng trong tỉnh được kiện toàn, trong đó có Ban chỉ đạo và văn phòng Ban chỉ đạo của tỉnh. Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đạt được kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng, góp phần hạn chế và từng bước đẩy lùi tệ nạn này. Kết quả nổi bật nhất trong việc thực hiện Nghị quyết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống tham nhũng bằng nhiều hình thức, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cải cách thủ tục hành chánh là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến, kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều những hạn chế, yếu kém…
* Cụ thể, đó là những hạn chế, yếu kém gì, thưa đồng chí?
- Trong việc tổ chức quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình hành động, một số địa phương, đơn vị thực hiện chậm; có nơi còn mang tính hình thức, chưa xem đây là công tác hết sức quan trọng như Nghị quyết của Đảng đã xác định. Sự phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị chưa cao nên việc phát hiện tham nhũng còn hạn chế. Việc tự phát hiện tham nhũng, lãng phí tại các đơn vị, địa phương gần như không có. Kết quả của các vụ việc đã phát hiện trong thời gian qua đều thông qua đơn thư tố cáo, trong đó có đơn tố cáo nặc danh; kết quả thanh tra, điều tra, phát hiện của báo chí... Trong xử lý một số vụ việc, có thể nói là còn chậm, nhất là những vụ nghiêm trọng phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Vai trò lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đi vào chiều sâu trên cả hai mặt công tác phòng ngừa và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí…Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên, ngoài lý do khách quan, như: cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện; do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn ra trên phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực…, thì yếu tố chủ quan, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được đề cao, thiếu chủ động; việc đấu tranh tự phê bình và phê bình của một số tổ chức cơ sở Đảng và nội bộ cơ quan còn hạn chế, chưa đủ sức để tự phát hiện tham nhũng. Việc thực hiện quy trình điều tra, truy tố, xét xử trong một số vụ việc có hạn chế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng và kéo dài thời gian điều tra, xử lý…
* Là cơ quan chuyên trách công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh, xin đồng chí cho biết về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trong công tác này?
- Nêu cao hơn nữa quyết tâm đấu tranh bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu quả quản lý của Nhà nước và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lấy nhiệm vụ, mục tiêu phòng ngừa là chính. Ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát. Xử lý nghiêm minh, kịp thời công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể phải thực sự coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
* Xin cảm ơn đồng chí.

Duy Nguyễn (thực hiện)

 

Tin xem nhiều