Năm 1976 giữa lúc tỉnh nhà còn bộn bề khó khăn, lãnh đạo tỉnh lúc ấy đã quyết tâm thành lập Thư viện tỉnh để phục vụ nhu cầu đọc, tra cứu của người dân. Sau 35 năm, hệ thống thư viện công cộng hiện đã phủ kín từ tỉnh đến tất cả các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa.
Năm 1976 giữa lúc tỉnh nhà còn bộn bề khó khăn, lãnh đạo tỉnh lúc ấy đã quyết tâm thành lập Thư viện tỉnh để phục vụ nhu cầu đọc, tra cứu của người dân. Sau 35 năm, hệ thống thư viện công cộng hiện đã phủ kín từ tỉnh đến tất cả các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa.
Phòng đọc sách thư viện Trảng Bom. |
TỪ NHỮNG QUYỂN SÁCH NGHĨA TÌNH
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó giám đốc Thư viện tỉnh, một trong số 7 cán bộ đầu tiên có mặt vào thời điểm thư viện ra đời kể, lúc ấy lãnh đạo tỉnh ưu ái giao hẳn ngôi biệt thự rất đẹp ở cạnh bờ sông Đồng Nai - vốn là nhà riêng của một vị tướng chế độ cũ, để làm thư viện. Vốn liếng thư viện chỉ có 11.105 bản sách do Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) - tỉnh kết nghĩa với Đồng Nai trao tặng. Sách thì thuộc đủ các thể loại từ chính trị - xã hội, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật cho đến sách thiếu nhi, trong đó đa số là sách văn học với nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển nổi tiếng, như: Lênin toàn tập, Muối của đất, Anna Karenina, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ, Vỡ đê, Mẫn và tôi…
Có sách, nhưng không có giá để sách, mấy chị em trong thư viện rủ nhau đi bộ vào Nhà máy giấy Tân Mai để xin gỗ đóng giá rồi khệ nệ khuân lên xe đẩy về. Đời sống khó khăn nhưng người dân lúc ấy rất thích đọc sách. Mỗi ngày có khoảng 150 bạn đọc đến thư viện mượn sách, trong đó có khoảng một nửa là bạn đọc thân thiết: hầu như ngày nào cũng “ăn dầm nằm dề” ở thư viện.
Từ 7 cán bộ ban đầu chỉ có trình độ sơ cấp, đến nay Thư viện tỉnh đã có 32 cán bộ công chức, trong đó 78% trình độ đại học. Là đơn vị hành chính sự nghiệp, thu nhập không có gì khác ngoài lương, thế nhưng cán bộ Thư viện tỉnh rất gắn bó với nghề. Bí quyết để “giữ chân” nhân viên, theo Giám đốc Trần Tất Thành, đó là các thế hệ lãnh đạo Thư viện tỉnh luôn chú trọng xây dựng văn hóa cơ quan, bồi đắp nơi này trở thành một đại gia đình đoàn kết, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Một người bị bệnh, cả cơ quan thay phiên nhau chăm sóc, làm choàng việc, đưa đón con cái. Gia đình ai gặp khó khăn, cả cơ quan chung tay tương trợ. “35 năm gắn bó với ngành Thư viện, tôi thấy mình được rất nhiều: được kiến thức tổng hợp trong nhiều lĩnh vực thông qua sách báo, được môi trường an toàn để nuôi dạy con cái nên người, được là người lưu giữ và đưa tri thức đến với mọi người. Nếu ai hỏi vì sao tôi yêu ngành Thư viện, tôi sẽ trả lời: Đơn giản vì thư viện là cuộc sống của tôi!” - bà Nguyễn Thị Hồng tâm sự. |
ĐẾN THƯ VIỆN THỜI @
Từ những ngày đầu vất vả ấy, đến nay toàn tỉnh đã có 927 thư viện trong hệ thống, trong đó có 1 thư viện tỉnh, 11 thư viện cấp huyện, 103 thư viện - phòng đọc sách, 486 thư viện trường học và 119 tủ sách thôn, ấp. Tất cả tạo thành mạng lưới phủ kín từ tỉnh xuống cơ sở với trên 6,6 triệu bản sách. Hàng năm, chỉ riêng Thư viện tỉnh đã được bổ sung bình quân trên 10 ngàn bản sách các loại, trở thành đầu mối luân chuyển sách xuống các thư viện cấp huyện, thư viện trường học, trạm sách ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Vào năm 2000, Thư viện tỉnh đã được đầu tư xây mới trong khuôn viên Quảng trường tỉnh (nay là Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh). Đây là một trong những thiết kế văn hóa đẹp, khang trang, hiện đại nhất của tỉnh lúc đó. Không riêng gì Thư viện tỉnh, lần lượt sau đó, các thư viện cấp huyện đều được đầu tư xây trụ sở mới với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại và nằm ở các vị trí đẹp. Tính ra, đã có 8 thư viện huyện được xây mới với kinh phí từ 3-12 tỷ đồng/thư viện, trong đó có những thư viện có cảnh quan đẹp, thu hút sự chú ý của người dân, như: Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom, Long Khánh, còn lại 3 thư viện đang lập dự án đầu tư là Biên Hòa, Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch. Hầu hết các thư viện đều hoạt động tốt, ổn định, duy trì được các hoạt động thường xuyên. Có một thời, mô hình kết hợp đưa sách báo về phục vụ tại các điểm Bưu điện văn hóa xã đã triển khai có hiệu quả, góp phần đưa tri thức đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa bớt khoảng cách trong đời sống tinh thần giữa thành thị và nông thôn. Mô hình này đã được các địa phương trong cả nước tìm hiểu và học tập.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Trần Tất Thành, một trong những tự hào của ngành Thư viện tỉnh, đó là sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và phục vụ bạn đọc. Ngay từ năm 2006, đề án đầu tư xây dựng thư viện điện tử đã được triển khai, và đến nay toàn bộ các thư viện tỉnh, huyện, thành phố, thị xã, thư viện Tổng công ty cao su Đồng Nai đều đã được kết nối liên thông.
Thư viện tỉnh hiện có 62 máy vi tính và 4 máy chủ công suất lớn, nối mạng nội bộ và internet, có trang web và đường truyền riêng đảm bảo truy cập nhanh. Toàn bộ quy trình quản lý nghiệp vụ thư viện từ công tác bổ sung, xử lý kỹ thuật đến phục vụ, thông tin, báo cáo đều được thực hiện qua hệ thống. Với thư viện điện tử, bạn đọc ở đâu cũng có thể kết nối với tài nguyên dữ liệu của thư viện, mang lại sự tiện ích lớn cho người đọc, mở rộng phạm vi tra cứu, sưu tầm tài liệu cho người dân vùng sâu, vùng xa. “Sắp tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục số hóa toàn bộ dữ liệu sách, tài liệu địa chí để mang lại tiện ích hơn nữa cho nhu cầu của bạn đọc, bắt kịp đà phát triển của tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - ông Trần Tất Thành khẳng định.