Báo Đồng Nai điện tử
En

Mai này, chiến khu Đ…

09:10, 09/10/2011

Là một trong những căn cứ địa của cách mạng miền Nam suốt thời kỳ kháng chiến, từ lâu chiến khu Đ không còn đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, mà đã trở thành một biệt ngữ biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến trong lòng mọi người.

Là một trong những căn cứ địa của cách mạng miền Nam suốt thời kỳ kháng chiến, từ lâu chiến khu Đ không còn đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, mà đã trở thành một biệt ngữ biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến trong lòng mọi người.

Ngày nay, chiến khu Đ còn là một địa danh về du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái. Trên các trang web về du lịch, và đặc biệt là trên các blog cá nhân, được một lần đặt chân đến chiến khu Đ đã trở thành niềm tự hào của giới trẻ. Trần Thụy, cựu học sinh Trường THPT Long Khánh trong lần đầu được tham quan di tích Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961-1962) tại chiến khu Đ đã bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào về truyền thống lịch sử chiến khu Đ trên blog của mình. Và bài viết ấy cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, cổ vũ của bạn bè.

 * Phát huy giá trị lịch sử, sinh thái, văn hóa

Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khu di tích chiến khu Đ đã được định hướng sẽ trở thành điểm về nguồn và giáo dục truyền thống của thế hệ trẻ. Với 3 di tích lịch sử cấp quốc gia trong khu vực, gồm: căn cứ Khu ủy miền Đông, căn cứ Trung ương Cục miền Nam và địa đạo Suối Linh, năm 1996 UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để trùng tu, tôn tạo các di tích trên, đồng thời xây dựng Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử chiến khu Đ để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích.

             Về thăm chiến khu xưa.
Về thăm chiến khu xưa.

Thời điểm đó, việc trùng tu tôn tạo, phục dựng lại các di tích rất gian nan, bởi ngoài yếu tố địa lý hiểm trở, khó vận chuyển vật tư thì việc thu thập tư liệu từ các nhân chứng lịch sử, những người đã từng sống và chiến đấu ở chiến khu Đ cũng phải rất công phu. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí (lúc đó công tác ở ngành văn hóa - thông tin) kể, có những chuyến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi ấy đã nghỉ hưu) về đi thực địa để xác định lại địa điểm đóng chân của các cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam, nhưng đường rừng quá hiểm trở phải đu dây mà vượt suối. Với quyết tâm của địa phương, đến nay các di tích căn cứ Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục đã hoàn chỉnh với các công trình, như: Nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà trưng bày - phục dựng nơi làm việc và bia truyền thống của các cơ quan đóng chân ở căn cứ, một đoạn địa đạo, giao thông hào… và được đưa vào phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử chiến khu Đ (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết, từ khi hoàn thành đến nay, các di tích đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách đến tham quan và số lượng du khách ngày càng tăng. Chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, đã có khoảng 13 ngàn lượt khách đến tìm hiểu về truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Hiện khu bảo tồn đang tiếp tục lập hồ sơ, dự án trùng tu, tôn tạo di tích địa đạo Suối Linh để trở thành một quần thể di tích lịch sử kháng chiến Đông Nam bộ.

* Ngay từ đầu cuộc kháng chiến Nam bộ chống thực dân Pháp, Chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 25-12-1945 đã đặt ra vấn đề xây dựng căn cứ địa cho cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II cũng xác định: công tác xây dựng căn cứ địa là vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu, ngang hàng và không thể tách rời với vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang. Chấp hành chỉ đạo của Trung ương Đảng, năm 1946, chiến khu Đ ra đời, ban đầu là căn cứ kháng chiến đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, sau đó được củng cố và phát triển, trở thành một trong hệ thống căn cứ địa của cách mạng miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến.

 * Chính tại đây, ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ I Trung ương Cục miền Nam - một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã họp bàn việc chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam. Việc thành lập Trung ương Cục miền Nam và tổ chức Hội nghị lần thứ I Trung ương Cục đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách về chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng.

Nhưng không chỉ có các di tích lịch sử, vùng chiến khu Đ còn có thể trở thành điểm đến về sinh thái với thế mạnh từ hơn 140 ngàn hécta rừng tự nhiên trên một vùng sinh cảnh rộng lớn và liền mạch, 32 ngàn hécta mặt nước hồ Trị An cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên như: thác Ràng, công viên đá, hệ thống các đảo trên hồ... Về văn hóa, chiến khu Đ có di chỉ khảo cổ ở xã Hiếu Liêm với niên đại từ 2.500-3.000 năm, có cộng đồng dân tộc Chơro giàu truyền thống cách mạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2008, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng Nhà dài truyền thống dân tộc Chơro ở xã Phú Lý, không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào có địa điểm sinh hoạt cộng đồng, góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, mà còn tạo ra một mối liên kết văn hóa đặc trưng gắn liền với quần thể di tích chiến khu Đ, hiện cũng trở thành điểm đến trong tour du lịch.

 * Nhiều triển vọng cất cánh trong tương lai

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, để phát huy hết tiềm năng, giá trị của vùng chiến khu Đ thì cần phải kết hợp nhiều loại hình du lịch, xây dựng được một tổ hợp du lịch với các sản phẩm đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của du khách. “Ngoài tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, sinh thái, du khách còn phải có chỗ ăn, chỗ chơi, có như vậy thì du lịch mới trở thành nguồn lợi cho người dân và địa phương. Mà nhu cầu của du khách thì luôn đòi hỏi cái mới, cái lạ, vì vậy sản phẩm du lịch của chiến khu Đ cần phải tận dụng thế mạnh riêng của mình mà nơi khác không có được, như: vừa có rừng, vừa có hồ để phát triển du lịch sinh thái, vừa có truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc… để tạo thành sản phẩm du lịch mang tính đặc thù” - ông Mùi phân tích.

Chính vì thế, điểm nhấn đặc biệt hiện nay của du lịch chiến khu Đ chính là dự án xây dựng tháp biểu trưng chiến khu Đ. Theo thiết kế, tháp có hình dạng trái dầu ba cánh, cao đến 120m với nhiều công năng phục vụ du lịch, như: ngắm cảnh, nhà hàng, khu dịch vụ, phòng chiếu phim công nghệ cao, bảo tàng, triển lãm, sân khấu biểu diễn... Sau dự án này, nhiều ý tưởng xây dựng các loại hình vui chơi, giải trí sẽ được tiếp tục xem xét thực hiện, như thám hiểm rừng nguyên sinh, cáp treo vượt hồ Trị An, mô tô nước, dù lượn trên hồ, các trò chơi cảm giác mạnh... Hiện khu bảo tồn cũng đang tiến hành dự án sản xuất các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Chơro như: chiếu lùng, võng mây, ná, xà gạc, thuốc nam, thực phẩm đặc sản và sản xuất hàng lưu niệm từ lâm sản ngoài gỗ... để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Mới đây, việc khu bảo tồn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới là cơ hội mở ra nhiều hướng hợp tác đầu tư về bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái hơn nữa...

Hà Lam

                         

 


 

 

 

Tin xem nhiều