Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh, kỳ tuyển quân đợt 2-2011 này, toàn tỉnh có trên 95% thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự làm đơn tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Trong số này có khá nhiều thanh niên là đảng viên, sinh viên vừa tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng. Trước ngày tòng quân, phóng viên Báo Đồng Nai đã có dịp gặp gỡ và nghe những “tân binh” bày tỏ nguyện vọng của mình.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh, kỳ tuyển quân đợt 2-2011 này, toàn tỉnh có trên 95% thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự làm đơn tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Trong số này có khá nhiều thanh niên là đảng viên, sinh viên vừa tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng. Trước ngày tòng quân, phóng viên Báo Đồng Nai đã có dịp gặp gỡ và nghe những “tân binh” bày tỏ nguyện vọng của mình.
Trần Văn Vĩ.
* Trần Văn Vĩ: “Muốn cống hiến sức mình”
Khi cầm trên tay quyết định gọi nhập ngũ, Trần Văn Vĩ, người đảng viên trẻ ở khu 1, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc mới thực sự tin rằng nguyện vọng tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc của mình đã được Hội đồng NVQS địa phương chấp nhận. Là bí thư chi đoàn khu phố, từng nhiều lần phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đi vận động thanh niên tòng quân, bản thân Vĩ có điều kiện học tập, tìm hiểu Luật NVQS và từ đây, Vĩ xác định được rằng quân đội chính là một trường học lớn rèn luyện người thanh niên mới Xã hội chủ nghĩa. Tham gia quân đội chính là để đóng góp sức mình cho Tổ quốc và trải nghiệm cuộc sống đầy sôi nổi của những người lính, nên Vĩ quyết định làm đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Trao đổi với chúng tôi trước ngày lên đường, Vĩ cho biết “ Khi trở thành người lính, Vĩ sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà quân đội giao phó.
* Trần Văn Tám: Ưu tiên cho nhiệm vụ thiêng liêng
Trần Văn Tám .
Rời ghế trường cao đẳng chưa lâu, Trần Văn Tám (ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) nhận được giấy báo nghĩa vụ quân sự. Không phân vân, cả gia đình đều ủng hộ Tám tham gia quân ngũ. Tám tâm sự: Là một công dân nên như bao thanh niên khác, khi đã trưởng thành, phải có nghĩa vụ đối với đất nước và nhân dân. Vì thế mặc dù đã học xong cao đẳng, nhưng tôi vẫn ưu tiên cho nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.
Nói về quá trình rèn luyện gian khổ trong môi trường quân đội không như những tháng ngày học tập của một sinh viên, Tám cho biết: “Khi mình đã xác định được lý tưởng và mục đích thì những khó khăn, gian khổ tự bản thân mình phải phấn đấu để vượt qua”. Theo Tám, môi trường quân đội sẽ giúp Tám rèn luyện bản thân để trưởng thành hơn trong cuộc sống.
* Hai anh em sinh đôi Lê Tự Thanh Bình và Lê Tự Thanh Minh: Tình nguyện nhập ngũ
Lê Tự Thanh Bình và Lê Tự Thanh Minh.
Lê Tự Thanh Bình và Lê Tự Thanh Minh là anh em sinh đôi ở ấp Ruộng Hời, xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh. Trong đợt tuyển quân lần này, cả hai cùng vào lính.
Mặc dù mới 19 tuổi nhưng cả hai đã có việc làm ổn định với thu nhập khá cao. Bình làm thợ hàn ở TP.Hồ Chí Minh với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Còn Minh thì làm công nhân trong một khu công nghiệp ở Quảng Ngãi, lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Vậy mà, khi nghe có đợt tuyển quân ở địa phương, hai anh em Bình - Minh đã trở về nhà để cùng vào lính. Bình nói: “Mỗi người, ai cũng có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là thanh niên, chúng em phải làm tròn nghĩa vụ của mình”.
Theo quy định, trong mỗi đợt tuyển quân, mỗi hộ gia đình chỉ được tuyển một người, vì vậy để được cùng vào lính, cặp song sinh Bình- Minh phải làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Ông Lê Tự Chung, cha của hai em Bình và Minh tâm sự: “Từng là người lính, tôi thấy môi trường quân đội là nơi rèn luyện rất tốt cho thanh niên. Các con tôi đang ở cái tuổi còn nhiều bồng bột nên tôi muốn chúng vào quân đội để học tập tác phong quân đội, qua đó giúp chúng trưởng thành hơn trong cuộc sống sau này”.
* Trần Thế Cương: Tự hào khi là quân nhân
Tân binh Trần Thế Cương trước giờ lên đường nhập ngũ.
Tân binh Trần Thế Cương, ngụ tại tổ 6, ấp 5, xã La Ngà (huyện Định Quán) bộc bạch, được lệnh nhập ngũ lòng Cương khấp khởi lắm. Cương nói: “Được chính thức khoác áo quân nhân em rất tự hào khi góp sức trẻ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc. Em nguyện phấn đấu trở thành quân nhân chuyên nghiệp”.
Năm 2010, Cương hơi buồn vì không được lệnh gọi ngập ngũ khi bạn đã gửi đơn tình nguyện. Bù lại, Cương được mời tham gia vào Dân quân thường trực của Ban chỉ huy quân sự xã La Ngà. Tại đây, Cương được đơn vị kết nạp Đảng và nay chính thức được bổ sung vào Sư đoàn bộ binh 302. Trước giờ xuất quân, Cương bày tỏ, đây mới là bước ngoặt mà Cương mơ ước, vì được nối tiếp truyền thống bộ đội Cụ Hồ của gia đình (ông nội là bộ đội thời kỳ chống Pháp, bố là bộ đội thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc). “Màu xanh áo lính luôn là khát khao của em khi còn ngồi trên ghế nhà trường và nay đã trở thành hiện thực” - Cương tâm sự.
* Đào Hoàng Việt: Muốn gắn bó lâu dài với công việc nhà binh
Việt chẳng nề hà những công việc bưng bê, rửa chén để giúp đỡ bố mẹ.
Sinh ra trong một gia đình có nếp sinh hoạt như quân ngũ, từ bé, Đào Hoàng Việt (SN 1987, ở tổ 39A, KP11, phường Tân Phong TP.Biên Hòa) đã được ba mẹ và anh trai uốn nắn để trở thành một người sĩ quan quân đội. Chính vì vậy, khi hay tin mình có tên trong danh sách nhập ngũ đợt 2-2011 này, cả gia đình Việt đều rất tự hào. Việt tâm sự: “Ba tôi bảo, sống trong môi trường rèn luyện khắc nghiệt thì những thanh niên như tôi sẽ chững chạc và sống có lý tưởng hơn”. Hiểu rõ những mong đợi của ba mẹ, nên sau khi nhận giấy báo nhập ngũ, Việt hăng hái đi khám sức khỏe và hoàn tất hồ sơ để ngày 7-9 lên đường. Nói về những ước muốn cho tương lai, Việt cười hiền lành: “Mình muốn sẽ gắn bó lâu dài với công việc nhà binh”.
Nhóm PV và CTV