Báo Đồng Nai điện tử
En

Trần Văn Giàu - Tấm gương tận hiến cho đời

09:09, 05/09/2011

Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình điền chủ giàu có. Bằng tấm lòng yêu nước, yêu dân cháy bỏng, ông đã đánh đổi tất cả để đi cùng, chịu cùng nỗi đau với nhân dân của mình.

Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình điền chủ giàu có. Bằng tấm lòng yêu nước, yêu dân cháy bỏng, ông đã đánh đổi tất cả để đi cùng, chịu cùng nỗi đau với nhân dân của mình.

Năm 17 tuổi, Trần Văn Giàu tốt nghiệp tú tài và được gia đình cho sang Pháp du học đại học. Sau khi đọc “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, Trần Văn Giàu gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1929. Sau đó, ông bị bắt giam và bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước vì là “phần tử nguy hiểm đối với chế độ” do tham gia biểu tình trước dinh tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

* Dấn thân cho sự nghiệp cách mạng

Cuối năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và năm 1931 được Đảng cử sang học tại Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trần Văn Giàu tốt nghiệp xuất sắc với luận văn “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”. Khi về nước hoạt động, ông bị thực dân Pháp bắt năm 1934. Sau đó, ông bị kết án tù giam ở Khám lớn Sài Gòn và các nhà tù khác với 4 lần vào tù ra khám, 8 lần bị đày ải trong các nhà lao khét tiếng man rợ của kẻ thù. Trong tù, bọn cai ngục đã rất nể phục ông và gọi ông là “vị giáo sư đỏ”. Năm 1941, ông vượt ngục Tà Lài và đi gầy dựng lại các tổ chức cơ sở Đảng. Năm 1943, Trần Văn Giàu được bầu là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Ông đã tiến hành biên soạn rất nhiều tài liệu tuyên truyền về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa cộng sản. Trong Cách mạng tháng Tám, Trần Văn Giàu được bầu là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa và chọn Tân An quê ông là nơi thí điểm giành chính quyền.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu là những người bạn đồng niên cùng chí hướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu là những người bạn đồng niên cùng chí hướng.

Ngày 2-9-1945, tại Sài Gòn, đông đảo nhân dân tập trung để nghe tiếp âm Tuyên ngôn độc lập từ Hà Nội truyền vào. Song vì thời tiết xấu, đồng bào Nam bộ không nghe được lời nói của Bác Hồ. Được sự phân công của Ban tổ chức, Trần Văn Giàu đã ứng khẩu bài diễn văn chào mừng ngày độc lập trước hàng triệu đồng bào Nam bộ. Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta ngày 23-9-1945, Trần Văn Giàu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Trên cương vị này, ông đã cùng các đồng chí của mình đề ra các chủ trương, biện pháp chống Pháp xâm lược. Năm 1947, ông được Trung ương điều ra Việt Bắc để đảm nhận Tổng giám đốc Tổng nha Thông tin.

* Trên con đường trở thành nhà khoa học lớn

Kể từ năm 1951, khi được phân công xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp, Trần Văn Giàu đã dùng tất cả tài năng và tâm huyết của mình trong việc biên soạn và giảng dạy các môn khoa học, chính trị, lịch sử v.v…Cả cuộc đời sau này, ông đã dành hết cho giáo dục, cho khoa học. Rất nhiều học giả, nhà khoa học của Việt Nam tự hào là học trò của ông. Từ một nhà cách mạng lẫy lừng, ông trở về làm một người thầy dạy sử và đã làm rất tốt sứ mệnh mới của mình. Chính nhân cách sáng ngời của một trí thức chân chính dấn thân cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân đã giúp ông vững vàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dẫu có lúc quanh co, khúc khuỷu. Từ chính cuộc đời mình, ông đã tỏa sáng một nhân cách trí thức vô cùng lớn. Bằng trí tuệ của mình, với tinh thần làm việc cẩn trọng, nghiêm túc của một nhà khoa học chân chính, Trần Văn Giàu đã để lại cho đời rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

Không chỉ là một nhà cách mạng, một nhà khoa học lớn, Trần Văn Giàu còn là nhân cách cao đẹp với cuộc sống riêng tư vô cùng trong sáng, đặc biệt là tình cảm của ông dành cho người vợ yêu quý của mình. Cuối đời, ông đã bán căn nhà mà Nhà nước cấp để lấy 1.000 lượng vàng làm quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu - một giải thưởng trên lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng.

Trân trọng công lao đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.                                                                              

Kiên Trung

 

 

 

Tin xem nhiều