Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Quyền hạn nhiều, trách nhiệm lớn

10:07, 18/07/2011

Toàn tỉnh hiện có 20 xã và 1 thị trấn được chọn thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Qua hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình này, kết quả bước đầu ra sao?

Toàn tỉnh hiện có 20 xã và 1 thị trấn được chọn thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Qua hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình này, kết quả bước đầu ra sao?

Xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) là một trong những địa phương triển khai thí điểm mô hình này từ tháng 5-2010. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Với mô hình nhất thể hóa, tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu được phát huy”.

* Một vai, hai nhiệm vụ

Theo ông Thanh Hoàng, qua thực hiện mô hình này, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nâng cao. Điều đó thể hiện rõ nét khi quyền lực tập trung ở người đứng đầu, giúp họ thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo điều hành.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (giữa) thường dự các cuộc họp của ban, ngành, đoàn thể xã để kịp thời nắm bắt tình hình.     Ảnh: P.Hằng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (giữa) thường dự các cuộc họp của ban, ngành, đoàn thể xã để kịp thời nắm bắt tình hình. Ảnh: P.Hằng

“Công việc vào một đầu mối nên khi có vấn đề cần thiết, bí thư đồng thời là chủ tịch có thể quyết định và giải quyết một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa còn tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động. Mọi sự chỉ đạo của cấp trên; các ý kiến của nhân dân gửi đến Đảng cũng là đến chính quyền và ngược lại. Điều đó tác động tích cực đến quá trình thực hiện cải cách hành chính, giảm các khâu không cần thiết và các thủ tục rườm rà” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thạnh cho biết.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), cho hay: “Thời gian qua, trong lúc đi cơ sở tại ấp An Bình, tôi nghe người dân phản ánh có một đoạn đường của ấp bị sình lầy và một cái cống bị sập, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân. Sau khi khảo sát thực địa, tôi đã chỉ đạo cán bộ xã, ấp triển khai ngay. Đến nay, không chỉ có đường trong ấp An Bình mà 100% tuyến đường trong khu dân cư của xã đã được bê tông nhựa nóng và đèn điện thắp sáng, tạo bộ mặt văn minh ở vùng nông thôn. Trước đây gặp những việc như thế này thì thường phải về xin ý kiến bí thư”.

Cũng theo ông Thành Đồng, khi triển khai mô hình nhất thể hóa, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn cũng nhanh hơn. “Bây giờ khi nhận được đơn thư là tôi triệu tập ngay cuộc họp giữa các bên để giải quyết kịp thời, không để đơn thư tồn đọng kéo dài. Đáng chú ý là việc họp hành tại xã đã giảm, vì nay một vai hai nhiệm vụ, tự thân bí thư đồng thời là chủ tịch phải biết lồng ghép nhiều nội dung vào một cuộc họp. Chất lượng cuộc họp nhờ đó cũng được cải thiện” - ông Thành Đồng cho biết thêm.

* Tác động tích cực từ mô hình nhất thể hóa

Ông Đinh Tấn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), khẳng định: “Một người đảm nhiệm hai nhiệm vụ quan trọng cùng lúc thì hiểu vấn đề sâu sắc, thấu đáo và thực tiễn hơn nên có thể đề ra những quyết định nhanh, hợp lý. Do vậy, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước được thực hiện có hiệu quả hơn”. Kết quả là sau hơn một năm triển khai thí điểm mô hình, công tác Đảng, chính quyền ở Bình Hòa đều đạt cao.  Trong năm 2010, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết; chăn nuôi tăng 110%; thu ngân sách đạt 107% dự toán năm; không có đảng viên vi phạm tư cách. Hiện trên địa bàn xã đã giải quyết được một số vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài, tâm trạng nhân dân ổn định…Với những kết quả đạt được, năm 2010 Đảng bộ xã Bình Hòa là tổ chức cơ sở Đảng duy nhất của huyện Vĩnh Cửu đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. UBND xã cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen tập thể lao động xuất sắc. Đây là các danh hiệu mà lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng đất nước, Bình Hòa đạt được.

Đối với xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), trong năm đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình cũng đem lại kết quả tích cực. Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào theo đạo (trong đó gần 87% là đạo Công giáo), các nghị quyết của Đảng ủy đề ra được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Trong đó, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, MTTQ và các đoàn thể đã vận động các vị chức sắc, chức việc và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, hiến đất mở đường. Những tuyến đường bị lầy lội trước kia gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển nông sản thì nay đã được bê-tông. Hiện xã đang thực hiện mô hình cánh đồng mía chuyên canh, với 645 hécta, trong đó 85% diện tích này được nhân dân trồng bằng giống mới với năng suất, chất lượng cao, đem lại thu nhập khá. Với những kết quả đạt được, năm qua Đảng bộ xã Trung Hòa đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu; UBND xã được tặng bằng khen của UBND tỉnh. Bản thân bí thư đồng thời là chủ tịch xã được công nhận là điển hình “Dân vận khéo” của tỉnh...

Một số đảng bộ cơ sở được chọn để thực hiện thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã: Bình Hòa, Thạnh Phú, Tân An (huyện Vĩnh Cửu); La Ngà (huyện Định Quán); Trung Hòa, Thanh Bình (huyện Trảng Bom); Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ); Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất); Xuân Trường và thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc)...

Phương Hằng


 

 

 

 

 

Tin xem nhiều