Báo Đồng Nai điện tử
En

San sẻ nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam

Kim Nguyên - Sông Thao
09:04, 10/08/2023

Năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) đã ở tuổi 70. Thay vì được con cháu phụng dưỡng, hàng ngày một tay bà Thanh lo toan cho 2 con cùng chồng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Do toàn thời gian lo cho người thân nên bà Thanh không có công việc gì kiếm ra tiền. Từ đó, cuộc sống cả nhà hoàn toàn phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước, tình thương của cộng đồng.

Các nạn nhân chất độc da cam trong gia đình ông Nguyễn Quang Lịch (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) được tập thể Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đến thăm, trò chuyện, tặng quà, động viên gia đình. Ảnh: S.Thao
Các nạn nhân chất độc da cam trong gia đình ông Nguyễn Quang Lịch (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) được tập thể Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đến thăm, trò chuyện, tặng quà, động viên gia đình. Ảnh: S.Thao

Đây cũng là hoàn cảnh chung của hơn 5,5 ngàn gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong số này có hơn 3,3 ngàn gia đình có từ 2-5 nạn nhân chất độc da cam.

* Những hoàn cảnh thương tâm

Cách đây 2 năm, ông Nguyễn Quang Lịch (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) qua đời. Từ đó, 3 người con của ông là nạn nhân chất độc da cam chịu thêm nỗi đau mất người thân, mất sự chăm sóc của cha. 

Theo bà Kim Nguyên, Phó chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, khi ông Lịch còn sống dù đã gần 100 tuổi song vẫn phải lo cho 3 người con đều đã ngoài 50 tuổi chậm phát triển trí tuệ. Dù cuộc sống khó khăn nhưng gia đình 4 người vẫn ấm tình thương. Khi ông Lịch qua đời, đứa cháu nhỏ thay ông lo cho 3 nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, sự chăm sóc, lo lắng và tình yêu thương chắc chắn không bằng trước đây khi các con ông còn cha.

Bà Kim Nguyên cho biết thêm: “Thương hoàn cảnh gia đình những nạn nhân này nên mỗi quý, lãnh đạo, Công đoàn Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đều dành thời gian đến thăm, trò chuyện, tặng quà, động viên tinh thần các thành viên trong gia đình. Nhiều năm qua, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã vận động từ người lao động của đơn vị duy trì trợ giúp hàng tháng cho gia đình ông Lịch” - bà Kim Nguyên nói. 

Gia đình ông Đào Văn Phố (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) có 5 thành viên thì cả 5 đều là nạn nhân da cam. Ông Phố từng tham gia kháng chiến và được xác định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động 61%. Cả 4 đứa con của ông sau khi sinh ra đều bị khuyết tật và được xác nhận là nạn nhân chất độc da cam.

Tháng 8-1961, quân đội Mỹ sử dụng hóa chất diệt cỏ, khai quang phun rải trên lãnh thổ Việt Nam mà sau này hóa chất đó được gọi là chất độc hóa học da cam/dioxin. Qua 62 năm, chất độc hóa học này đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3, thứ 4 của người Việt.

Sau khi vợ qua đời, một mình ông phải gồng gánh vừa đi làm công việc chăm sóc cây xanh vừa chăm sóc các con. Ngày nào ông cũng phải tranh thủ thời gian để sau khi rời tay khỏi công việc là về nhà lo ăn uống cho các con. Ông cũng không dám đi đâu xa nhà vì các con còn chờ mình về chăm lo.

Tuy chỉ có 1 người con là nạn nhân chất độc da cam, song gia đình ông Nguyễn Trai (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) cũng rất khó khăn trong cuộc sống. Ông Trai cho hay: “Tôi là công nhân cao su đã nghỉ hưu. Con gái tôi sinh năm 1994 nhưng khuyết tật, không thể tự chủ trong sinh hoạt. Ngoài ra, do rất sợ tiếp xúc với người xung quanh nên nếu không có người thân bên cạnh con bé hay hoảng sợ”.

Vậy nên, con ông Trai phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của cha mẹ. Vì “vướng” con nên gần 20 năm qua, một trong 2 lao động của gia đình phải ở không để lo cho con. Từ đó thu nhập thấp, cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng khó khăn. 

* Chung tay chăm lo

Ngoài chịu nỗi đau tinh thần, thể xác, những gia đình này hầu hết đều gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Do vậy mà các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh cùng chính quyền địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm cho họ.

Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, toàn tỉnh có 147/170 xã, phường, thị trấn thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 10 xã xây dựng được Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Riêng các xã, phường còn lại do ít nạn nhân hoặc không có nạn nhân da cam nên không thành lập tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các hội cấp xã, chi hội đã tích cực quan tâm công tác thu hút hội viên, gắn với nâng chất lượng hoạt động của tổ chức hội. Từ đó, công tác chăm lo cho hội viên ngày càng được nâng cao.

Cụ thể, trong tổng số người bị hậu quả chất độc da cam/dioxin ở tỉnh có 1,9 ngàn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 613 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, nạn nhân chất độc da cam còn được hưởng chính sách chăm sóc y tế của nhà nước.

Ngoài ra, người trực tiếp chăm sóc nạn nhân cũng được Nhà nước trợ cấp tiền hàng tháng. Theo bà Đào Nguyên, việc thực hiện chi trả trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam được tỉnh thực hiện đầy đủ. Số tiền trợ cấp cùng những chính sách trong chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục đã góp phần hỗ trợ cuộc sống của nạn nhân trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Kiều Loan (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) cho hay, mỗi tháng chị nhận trợ cấp 800 ngàn đồng. Riêng người nuôi dưỡng chị được Nhà nước trợ cấp 300 ngàn đồng. Hàng tháng, Hội Chữ thập đỏ xã còn giúp gạo, đồ gia vị cho gia đình.

Cùng với trợ cấp của Nhà nước, những năm qua bằng nỗ lực trong công tác vận động, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh còn kết nối mạnh thường quân để chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam. Hiện có hơn 100 cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cũng như ngoài nước tham gia trợ cấp hàng tháng cho 356 nạn nhân chất độc da cam. Số tiền mà mỗi trường hợp nhận được hàng tháng dao động từ 300-500 ngàn đồng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân chất độc da cam phát huy năng khiếu, khả năng lao động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố còn huy động nhiều nguồn lực để tặng dụng cụ hỗ trợ vận động, vốn vay cho từng trường hợp cụ thể. Trong đó, vào tháng 7 vừa qua, Sở LĐ-TBXH, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật đã trao vốn cho 81 gia đình có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam với tổng số vốn hơn 1,2 tỷ đồng. Thời gian qua, số vốn đã được nạn nhân chất độc da cam sử dụng có hiệu quả và hoàn trả đúng thời hạn cho đơn vị quản lý.

Kim Nguyên - Sông Thao

 

Tin xem nhiều