Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để các thế lực thù địch kích động liên quan đến vấn đề dân tộc

Lâm Viên
08:08, 16/08/2023

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khẳng định, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11-6 là hoạt động khủng bố có tổ chức.

Một số video clip do các thế lực thù địch thực hiện sau vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk. Ảnh cắt từ màn hình
Một số video clip do các thế lực thù địch thực hiện sau vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk. Ảnh cắt từ màn hình

Sau vụ việc, trong khi các cơ quan chức năng ráo riết điều tra, truy bắt để các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc đứng sau sự việc phải được xử lý tương ứng với hành vi vi phạm, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình yên, an toàn, thì các thế lực thù địch liên tiếp đưa các video clip chống phá, lấy nội dung của sự việc này làm tâm điểm để “phân tích”, “mổ xẻ và bàn luận”, gắn với xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo… Từ đó kích động sự thù hận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

* Những lời lẽ không có căn cứ, bịa đặt trắng trợn về chủ trương, chính sách của Việt Nam

Chẳng hạn, chỉ với trang S. ngày 13-6 có đăng chương trình livestream trên Facebook với dòng trạng thái: “Thấy gì qua vụ Tây Nguyên ngày 11 tháng 6” với nội dung “Tức nước vỡ bờ, người dân Tây nguyên đã “làm liều”; cũng trang này, ngày 14-6 có đăng video clip “Sự kiện ở Đăk Lắk gây chấn động VN” với khách mời là LS N.; ngày 16-6 đăng video clip “Rà soát các cơ sở sản xuất, bán quần áo rằn ri, Đến nước này thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”; ngày 17-6, đăng tải video clip “Thấy gì qua vụ các đối tượng cầm đầu đã bị bắt giữ? Các đối tượng cầm đầu trong vụ Tây Nguyên đã bị bắt giữ”… Các video clip này thu hút nhiều lượt chia sẻ, lượt xem...

Bác bỏ thông tin sai trái về vụ việc ở Đắk Lắk

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều 6-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số thông tin liên quan đến vụ việc ở Đắk Lắk, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: "Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng và có tổ chức, sẽ bị xử lý theo quy định”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, các thông tin liên quan đến vụ việc đều được Bộ Công an thường xuyên cung cấp. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.

Trang t. thì thực hiện video clip “Sự kiện Cư Kuin, hồi chuông cảnh báo dành cho đảng”. Trang Facebook có tick xanh của R. ngày 11-7 có đăng dòng trạng thái: “Hơn 200 người trong cộng đồng người Đega tại Hoa Kỳ vừa tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington D.C sáng 10-7-2023” thực hiện phỏng vấn một chức sắc tôn giáo người dân tộc thiểu số với mục đích thông tin “giới thiệu Dega là ai” cùng những lời lẽ không có căn cứ, bịa đặt trắng trợn về chủ trương, chính sách của Việt Nam “kêu gọi Hà Nội chấm dứt ngay việc hành hạ, lấy đất không chỉ ở cao nguyên, những ai có thẩm quyền đều không tôn trọng ý dân…”.

* Lật tẩy mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta

Trên đây chỉ là số ít các video clip của các đối tượng thù địch chống phá thực hiện và đăng tải trên nền tảng mạng xã hội sau vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11-6 vừa qua. Các clip liên quan đến sự việc này xuất hiện tràn lan trên internet, mạng xã hội như “nấm mọc sau mưa”, từ hình thức “bình luận”, “bàn tròn”, tung hứng phân tích mổ xẻ với một nhân vật được cho là nhà báo, luật sư nào đó, cho đến liên tục phát phỏng vấn những đối tượng tự xưng là người dân tộc thiểu số tự nhận là “nạn nhân bị đàn áp tôn giáo” phải bỏ chạy lưu vong hoặc “trò chuyện trực tiếp” qua không gian mạng với những nhân vật là người dân tộc thiểu số nào đó...

Dù hình thức của các đối tượng chống phá thực hiện có khác nhau, nhưng nhìn chung lại đều có chung nội dung “chụp mũ” sự việc xảy ra tại Đắk Lắk là vì lý do tôn giáo, dân tộc. Theo đó, trong các video clip, các đối tượng thù địch bịa đặt tráo trở và dùng luận điệu xuyên tạc trắng trợn rằng: vụ việc ở Đắk Lắk là “hành động phản kháng của người Tây Nguyên bị áp bức về đức tin", là "mâu thuẫn sắc tộc" âm ỉ từ lâu; “người dân tộc thiểu số bị áp bức, tức nước vỡ bờ”, “người dân tộc thiểu số bị chiếm đất”…

Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các video clip cắt ghép hình ảnh cuộc sống khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu của người dân tộc thiểu số mà không rõ thời gian, địa điểm… rồi lồng vào lời bình luận, kích động cho rằng “người dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử, không được quan tâm, nên đời sống khó khăn”…

Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên những tổ chức phản động, các thế lực thù địch tung ra các luận điệu xuyên tạc với chiêu bài dân tộc, tôn giáo. Thực tế, đã có một số tổ chức, hội do các đối tượng thù địch lưu vong ở nước ngoài lập ra, sau đó móc nối với các phần tử phản động trong nước để kích động, xúi giục, tiêm nhiễm những “virus độc hại” vào tư tưởng của những người nhẹ dạ cả tin để làm lung lạc tư tưởng với chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu tập hợp lực lượng thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, nhà nước, nhân dân ta.

Theo nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, công tác dân tộc thời gian qua đạt đươc một số thành tựu như: kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hoàn thiện; việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số nước ta được quan tâm… Bên cạnh đó, công tác dân tộc vẫn còn một số hạn chế như: vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là “lõi nghèo của cả nước”; khoảng cách phát triển chưa được rút ngắn; tồn tai một số vấn đề bức thiết như: thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hôn nhân cận huyết…

Nhìn nhận, đánh giá đúng những thành tựu và hạn chế trong công tác dân tộc thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn nỗ lực cùng với hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay góp sức đưa đất nước ta với 54 dân tộc anh em phát triển toàn diện về mọi mặt.

Lâm Viên


Chính sách pháp luật của Việt Nam về công tác dân tộc

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tại Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và tham gia xử lý điểm nóng về dân tộc, tôn giáo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đồng Nai ngày 10-8 cho biết: Ngay từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, cho đến Bản Hiến pháp năm 2013 hiện nay, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc ở Việt Nam đã được hiến định rõ ràng. Nhìn chung, các quy định tại Hiến pháp năm 2013 khá toàn diện, đầy đủ để làm cơ sở, nền tảng cho việc thể chế hóa thành các công cụ pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam nói chung và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia nói riêng.

Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc có thể kể đến như: Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 66/NĐ-CP ngày 20-9-2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28-1-2022 ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 phê duyệt chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc là: Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã có một bộ khung pháp lý khá toàn diện và đầy đủ, làm cơ sở để thực hiện các chính sách chăm lo, phát triển đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam không quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số là lời lẽ bịa đặt trắng trợn, không có căn cứ.


 

 

 

Tin xem nhiều