Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa phối hợp tổ chức ngày hội “Thanh niên công nhân với chiến sĩ nhà giàn DK1”.
Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa phối hợp tổ chức ngày hội “Thanh niên công nhân với chiến sĩ nhà giàn DK1”. Đây là dịp để gần 100 đoàn viên thanh niên trong tỉnh đến thăm và giao lưu cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thanh niên hai đơn vị thi kéo co. |
Tại ngày hội, nhiều hoạt động giao lưu với tinh thần vui tươi, đoàn kết đã được tổ chức, như: biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, tìm hiểu về cuộc sống của các chiến sĩ hải quân…
* Thêm yêu chiến sĩ hải quân
Mở đầu ngày hội, đoàn Đồng Nai đã được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho xem những thước phim ghi lại cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ hải quân Tiểu đoàn DK1, những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên các nhà giàn. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, kể: Mỗi đợt công tác trên các nhà giàn thường kéo dài từ 6-8 tháng. Ở nơi bốn bề là nước, nhưng nguồn nước sinh hoạt ở các nhà giàn rất thiếu thốn. Mỗi lần muốn tắm rửa thì cán bộ, chiến sĩ phải vận động cho ra mồ hôi, sau đó kỳ cọ cho bớt ghét trên người rồi mới dùng nước tắm lại cho sạch. Khi tắm phải đứng trong thau để lấy nước đó tiếp tục tưới rau hoặc giặt quần áo. Khẩu phần ăn hàng ngày cũng rất thiếu rau xanh, thực đơn cho cả ngày là: đồ hộp, rau khô, cá biển; lúc biển động thì chỉ còn đồ hộp mà thôi. Sóng gió, bão tố luôn chực chờ đe dọa đến tính mạng người lính.
Ngập ngừng khi nói về sự thiếu thốn tình cảm trong thời gian công tác trên các nhà giàn, Thượng tá Dĩnh bùi ngùi chia sẻ: “Anh em ở nhà giàn ai cũng mong ngóng được về với gia đình. Thậm chí có người không chịu nổi, nảy sinh ý nghĩ xin chuyển về đất liền công tác. Nhưng với tình yêu quê hương đất nước, sự kiên định trong công tác, tất cả đã cùng động viên nhau cố gắng vượt qua thử thách để hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước...”.
Nghe Thượng tá Dĩnh kể, trong lòng mỗi thành viên trong đoàn đều dâng lên nhiều cảm xúc khó tả. Chị Đỗ Thanh Tâm, đoàn viên Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, bày tỏ: “Trước đây, tôi cũng như hầu hết các thành viên khác trong đoàn chỉ được biết đến cuộc sống khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió của cán bộ, chiến sĩ hải quân qua những thước phim tài liệu được phát sóng trên ti vi, hay qua tranh ảnh tại các cuộc triển lãm. Do vậy, khi đến thăm, tận mắt thấy những chiến sĩ hải quân và nghe các anh kể về những thiếu thốn trong cuộc sống giữa bốn bề biển rộng, chúng tôi mới thấy sự hy sinh thầm lặng và càng thương các anh - người chiến sĩ hải quân đang canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc hơn bao giờ hết”.
* Mong có thêm nhiều chuyến giao lưu nghĩa tình
Sau những giây phút đầy xúc động với những câu chuyện của người lính biển, các thành viên trong đoàn Đồng Nai và chiến sĩ hải quân của Tiểu đoàn DK1 lại cùng hòa mình vào những hoạt động sôi nổi. Tất cả đã chan hòa cùng nhau qua chương trình giao lưu văn nghệ với những tiết mục ca ngợi người lính hải quân, tình yêu quê hương đất nước, như: Mùa xuân DK, Tổ quốc nhìn từ biển, Màu xanh trên biển đảo, Tổ quốc gọi tên mình, Bay qua biển Đông... Tất cả đã cất cao tiếng hát và cùng hòa chung những giai điệu yêu thương mang nặng nghĩa tình của những người con đất Việt.
Anh Lý Trung Kiên, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh, cho biết sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động giao lưu để cán bộ đoàn viên thanh niên có cơ hội tìm hiểu về cán bộ, chiến sĩ hải quân không chỉ ở đơn vị đóng quân mà còn trực tiếp đến với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các nhà giàn. |
Chia tay nhau khi ngày mới đang sắp bắt đầu, mỗi người trở về với nhiệm vụ của mình. Nhưng hình ảnh của ngày hội giao lưu này chắc chắn sẽ in đậm và để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng mỗi người.
Trung sĩ Nguyễn Đức Huy (21 tuổi, quê ở TP.Hồ Chí Minh) hiện đang công tác tại Nhà giàn 1/17 nói: “Được giao lưu, chia sẻ những kỷ niệm trong công tác với các thành viên trong đoàn Đồng Nai, tôi thấy vui lắm. Mong rằng những ngày hội như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên để những người lính biển như chúng tôi được vui chơi và cảm nhận tình cảm của người ở đất liền dành cho mỗi người lính đang canh gác ngoài đảo xa”.
Văn Truyên