Những ngày cuối tháng 8-2013, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” (Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin - truyền thông và UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức) tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, tìm hiểu.
Những ngày cuối tháng 8-2013, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” (Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin - truyền thông và UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức) tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, tìm hiểu.
Các tầng lớp nhân dân đến với triển lãm. |
Triển lãm trưng bày, giới thiệu 150 bản đồ của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước phương Tây; hàng chục văn bản Hán-Nôm, Việt ngữ và Hán ngữ do nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Nhà nước Việt Nam trong lịch sử đã được xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
* Nhiều bằng chứng mới
Tại triển lãm lần này, người dân thành phố và du khách sẽ tận mắt chứng kiến các tư liệu về giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX. Triển lãm bao gồm nhiều nhóm tư liệu, như: các tư liệu bản đồ có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ do Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây vẽ, công bố từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam; tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trước 1975; tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa thời hiện đại; phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX được nêu lên trong 19 châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ hay ghi chép khách quan của những quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công vụ nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Đỗ Quý Doãn nhận định, triển lãm một lần nữa khẳng định ý nghĩa, giá trị của những tư liệu quý báu của đông đảo đồng bào, đồng chí trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã dày công gìn giữ. Triển lãm còn là một sự khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền Tổ quốc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Đặc biệt, một số tư liệu mới phát hiện đã được bổ sung nhằm cung cấp các nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa một cách hệ thống và chuẩn xác hơn. Trong đó, phải kể đến một số tư liệu mới cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, như: Châu bản 10 được lập vào ngày 12-2-1836, năm Minh Mệnh thứ 17, có nội dung cử quan quân triều đình ra Hoàng Sa cắm mốc phân định chủ quyền; hay bức ảnh chụp Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu trong một chuyến thị sát tại đảo Trường Sa Lớn năm 1988…
* Để mỗi người dân là một tuyên truyền viên
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh viên khoa báo chí và truyền thông (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) không trở về nhà ở Đồng Nai mà cùng các bạn đến đây để tham quan, chụp ảnh những hiện vật, bằng chứng về chủ quyền của Tổ quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, rồi mang về giới thiệu cho các bạn học cùng trường, người thân ở nhà. Hằng cho biết, đây là dịp để mỗi người cơ hội hiểu thêm về chủ quyền biển đảo Việt Nam, từ đó thêm yêu mến, quý trọng những giá trị tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Ông Trần Quốc Ấn (80 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ mong ước những cuộc triển lãm như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên và rộng khắp, giúp mỗi người dân Việt Nam thêm vững tin về chủ quyền của Tổ quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhân dịp triển lãm, anh Nguyễn Trọng Khoa, người đã sưu tầm và sở hữu được 26 tên miền quốc tế của Hoàng Sa và Trường Sa, đã tặng lại toàn bộ các tên miền này cho Bộ Tư lệnh vùng 2 để phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo trên internet.
Văn Truyên