“Những hàng kè chắn sóng có thể bị sóng và cát mặn đại dương làm mòn, nhưng bản lĩnh và ý chí của những người giữ biển thì luôn vững vàng không thể nào lay chuyển, kể cả phải hy sinh thân mình vì vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
“Những hàng kè chắn sóng có thể bị sóng và cát mặn đại dương làm mòn, nhưng bản lĩnh và ý chí của những người giữ biển thì luôn vững vàng không thể nào lay chuyển, kể cả phải hy sinh thân mình vì vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Đó là lời khẳng định của Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn...
* Lễ chào cờ giữa trùng khơi
Xuất phát từ cảng của Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân), sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, vật lộn với sóng gió, con tàu HQ-996 của Vùng 4 Hải quân đã đưa đoàn công tác đến đảo Trường Sa Lớn.
Lễ chào cờ tại đảo Trường Sa Lớn. (minh họa) |
Đúng 6 giờ, tàu HQ-996 được lệnh cập cảng. Đảo Trường Sa Lớn hiện lên trên biển Đông với một vẻ đẹp rất riêng. Bộ đội trên đảo có mặt rất đông tại cầu cảng để đón đoàn. Nét mặt ai cũng sạm đi vì nắng và gió biển, nhưng không giấu nổi niềm vui khi được đón khách từ đất liền. Sau khi bắt tay đại diện các đơn vị, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an xúc động bế một em bé theo mẹ ra đón đoàn và xoa đầu em, giọng ấm áp: “Xin chào những công dân đặc biệt của Trường Sa!”.
Quân và dân trên đảo đón đoàn bằng một buổi lễ chào cờ và diễu hành trọng thể được tổ chức ngay trên đường băng sân bay rộng rãi chạy suốt chiều dài đảo Trường Sa Lớn. Bên cột mốc chủ quyền, tiếng hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...” vang lên thật thiêng liêng, tự hào, tất cả đều đồng thanh hát, không còn phân biệt chủ hay khách. Đối với những vị khách vừa đặt chân lên đảo, trong cuộc đời hẳn đã nhiều lần dự lễ chào cờ, nhưng buổi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn hôm ấy vẫn mang lại cảm giác đặc biệt với những cảm xúc khó tả, đó là sự hòa quyện niềm tự hào, tin yêu và hy vọng về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam giữa biển Đông mãi mãi vững bền...
* Những gửi gắm từ đất liền
Ra Trường Sa lần này, mỗi đoàn công tác đều có những cách riêng để thể hiện tình cảm, trách nhiệm với Trường Sa. Đoàn công tác của Bộ Công an, ngoài số tiền 25 tỷ đồng trao tặng để xây dựng hệ thống nhà văn hóa đa năng trên đảo Trường Sa Lớn còn có thêm nhiều vật tư phục vụ đời sống tinh thần khác, như: ti vi, quạt điện, bình ắc-quy… để tặng bộ đội đảo.
Cùng với việc thăm, tặng quà quân và dân trên quần đảo Trường Sa, tổ chức các hoạt động giao lưu thể hiện tình cảm của lực lượng công an đối với quân và dân trên đảo… đoàn cũng tiến hành khảo sát thực tế để hiểu hơn về biển, đảo Trường Sa, từ đó có những tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Buổi tối, tại chân cột mốc đã diễn ra chương trình biểu diễn và giao lưu giữa các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn nghệ thuật Bộ Công an với bộ đội đảo Trường Sa Lớn. Từ lúc hoàng hôn chưa buông xuống, các chiến sĩ trẻ đã chuẩn bị những món quà rất dung dị để tặng người đến từ đất liền. Trong khi đó, Trung tá Trần Văn Lương, Cụm trưởng Cụm chiến đấu 3, lặng lẽ bắt đầu phiên trực gác thay cho các chiến sĩ trẻ để anh em có điều kiện thưởng thức một đêm văn nghệ trọn vẹn. Tình đồng đội nơi đảo xa đôi khi chỉ giản dị mà nồng ấm như thế… |
Đây cũng là lần đầu tiên, đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn ra thăm Trường Sa. Đồng chí Hoàng Ngọc Đường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Chúng tôi mang hơi ấm của hơn 3 vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đến với bộ đội Trường Sa. Cách đây hơn một tháng, chúng tôi đã phát động phong trào thi đua sâu rộng “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” và huy động được gần 1 tỷ đồng cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác để tặng bộ đội trên các đảo”.
Bà La Thị Xuyên, cán bộ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Lâu nay, tôi chỉ biết về bộ đội Trường Sa qua sách báo và các kênh thông tin khác, bây giờ mới có điều kiện vượt trùng khơi ra thăm đảo. Đứng bên cột mốc chủ quyền, chứng kiến tận mắt cuộc sống của quân và dân trên đảo, tôi vô cùng tự hào về những người giữ biển ở đây. Khi về đất liền, tôi sẽ tuyên truyền với đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn hãy luôn hướng về Trường Sa bằng những việc làm thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ngô Duy Đông