25 năm qua, dường như Trường Sa chưa có giây phút bình yên. Từ những chiến sĩ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trong sự kiện 14-3-1988 đến thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân trẻ ngày nay, cùng những người dân Việt Nam và cả những chính khách nước ngoài đều biết Trường Sa và Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng không tách rời của Việt Nam.
25 năm qua, dường như Trường Sa chưa có giây phút bình yên. Từ những chiến sĩ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trong sự kiện 14-3-1988 đến thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân trẻ ngày nay, cùng những người dân Việt Nam và cả những chính khách nước ngoài đều biết Trường Sa và Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng không tách rời của Việt Nam. Những điểm đảo Trung Quốc đóng chiếm trái phép phải được trao trả cho Việt Nam theo luật pháp và Công ước quốc tế về Luật Biển...
* Trung Quốc: bất chấp luật pháp quốc tế
Trận hải chiến phi nghĩa ngày 14-3-1988 của Hải quân Trung Quốc tại 3 điểm đảo: Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ diễn ra trong 28 phút, nhưng đã khiến cả thế giới quan tâm theo dõi. Dư luận thế giới quan tâm và sẻ chia với Việt Nam không chỉ bởi sự mất mát, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, mà còn khâm phục ý chí chiến đấu, tinh thần bảo vệ lãnh thổ; cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ Trung Quốc đã sử dụng hỏa lực mạnh, bất chấp Luật Nhân đạo quốc tế nã súng vào những người lính Việt Nam trong khi họ đang làm nhiệm vụ xây đảo trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuần tra bảo vệ đảo. |
Sau sự kiện 14-3-1988, thay vì nhận ra lỗi lầm của mình khi bị cộng đồng thế giới phản ứng mãnh liệt, Trung Quốc lại lớn tiếng cho rằng, trong khi các tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, nên Hải quân Trung Quốc “bắt buộc phải tự vệ”! Song thực tế cho thấy, việc tổ chức tấn công vào các chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Trung Quốc là có chủ định xâm chiếm, bất chấp luật pháp quốc tế. Từ sự bao biện đi “yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò” của Trung Quốc, Liên hợp quốc đã khẳng định, thời điểm ấy không có cuộc khảo sát nào ở Trường Sa. Sau khi dùng vũ khí tấn công làm các tàu Hải quân Việt Nam bị chìm, nhiều chiến sĩ bị thương vong, Trung Quốc đã chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của luật pháp quốc tế.[links(right)]
Ông Nguyết Viết Chức, người có 25 năm phục vụ trong lực lượng hải quân và nghiên cứu về cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988, cho biết: “Xét về cục diện chiến tranh lúc ấy, tình hình không có lợi cho ta. Không phải Trung Quốc đánh chiếm các điểm đảo: Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao lần đầu tiên, mà ngay từ năm 1956, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã đổ bộ đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, từ Quảng Ninh đến Lai Châu, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, nên việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép đảo Gạc Ma năm 1988 hoàn toàn nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma hoàn toàn có phương án tác chiến, chứ không phải “phòng vệ chính đáng” như họ đã lừa dối dư luận thế giới sau này”.
- Về lực lượng giữa hai bên, ông có ý kiến gì không? - chúng tôi hỏi.
- Về so sánh lực lượng, dĩ nhiên ta không bằng họ, kể cả về trang bị lúc ấy. Một bên là tàu vận tải, còn phía Trung Quốc là tàu chiến đấu khu trục hạng nặng, có vũ khí hiện đại. Tuy cuộc chiến đấu ấy ta tổn thất nặng nề, nhưng đó là cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ. Chúng ta đã thắng họ về mặt ý chí, tinh thần chiến đấu là lòng dũng cảm. Chính vì quyết tâm bảo vệ chủ quyền đến hơi thở cuối cùng, mà Trung Quốc đã “chờn” ta. Bằng chứng là sau khi Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, chúng ta đã quyết giữ bằng được đảo Cô Lin, đảo Len Đao và các đảo khác.
* Giữ Trường Sa bằng trái tim người lính
Hải quân Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Trường Sa của Việt Nam thấm thoắt đã trôi qua 25 năm. Nhưng quá khứ đau thương ấy vẫn mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc về một Trường Sa của Việt Nam bị chiếm đóng trái phép. Lịch sử đã sang trang, trận hải chiến năm 1988 cũng lùi vào dĩ vãng, nhưng bài học luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ Lữ đoàn 125, người có nhiều năm làm nhiệm vụ tại Trường Sa, phân tích: “Không phải đến bây giờ chúng ta mới rút ra bài học kinh nghiệm, mà ngay lúc ấy, chúng ta đã có phương án chiến thắng kẻ thù, đó là lòng yêu nước và tinh thần bám trụ, ý chí giữ biển, đảo và quyết hy sinh bảo vệ đảo. Trận hải chiến 25 năm trước chúng ta tổn thất nặng nề, với 64 chiến sĩ hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh anh dũng. Chính sự kiên cường bảo vệ đảo của quân ta, mà Hải quân Trung Quốc không dám mở rộng phạm vi xâm lấn, các đảo Cô Lin và Len Đao đã được giữ vững. Tất cả các chiến sĩ ngã xuống đều là những anh hùng. Lịch sử mãi mãi ghi ơn, dân tộc luôn nhắc về họ; các thế hệ Hải quân Việt Nam ngày nay luôn lấy họ làm tấm gương cao đẹp”.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trình: “Bài học lớn nhất cho Hải quân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay là luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ với mưu đồ thôn tính chủ quyền biển Đông của các thế lực. Ta xác định bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của toàn dân, mà chủ lực là bộ đội hải quân. Bên cạnh nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, mỗi CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam luôn mài sắc ý chí chiến đấu, dù gian khổ khó khăn, dù phải hy sinh đến tính mạng cũng kiên quyết bảo vệ đảo, đó là sứ mệnh cao đẹp nhất. Trong tình hình hiện nay, nhất là qua nhiều động thái mới của Trung Quốc, việc tập trung xây dựng biển, đảo vững chắc về phòng thủ chiến lược là một tiêu chí quan trọng. Bên cạnh đó, ta cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để tiếp tục đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và một số điểm đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép; quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng bản lĩnh, ý chí chiến đấu cho các CBCS đang làm nhiệm vụ trực tiếp trên các đảo, điểm đảo. Giữ Trường Sa bây giờ trước hết phải bằng trái tim người lính”.
Ngày hôm nay 14-3-2013, những chiến sĩ hải quân trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988 gặp mặt tại Trung đoàn 83 Công binh Hải quân tại Vùng 3 sau 25 năm xa cách. Trong đó có Đại úy chuyên nghiệp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, người cùng Thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội đan tay nhau kết thành vòng tròn bất tử quyết tâm giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma 25 năm trước. Qua điện thoại trước ngày gặp mặt, Đại úy Lanh nói với chúng tôi: “Tôi chuẩn bị lên đường ra Cam Ranh - Khánh Hòa dự lễ kỷ niệm. Lần gặp mặt này chắc chắn sẽ vui, sẽ rất xúc động. Gặp lại các đồng đội cũ, những ký ức về trận chiến đấu như đang sống lại từng giây trong tim tôi”...
Tuấn Cường