Người dân ở vùng biển Tây Nam có một lời thề rất độc là: “... bị cá xanh xương phóng đổ ruột”. Chuyện tưởng chừng hy hữu, nhưng không phải vậy, đã có không ít ngư dân ở quần đảo Nam Du (nay là xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) thiệt mạng vì loài cá có cái tên lạ lùng này.
Người dân ở vùng biển Tây Nam có một lời thề rất độc là: “... bị cá xanh xương phóng đổ ruột”. Chuyện tưởng chừng hy hữu, nhưng không phải vậy, đã có không ít ngư dân ở quần đảo Nam Du (nay là xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) thiệt mạng vì loài cá có cái tên lạ lùng này.
Xanh xương là loài cá lìm kìm biển, dài 5 - 6 tấc, có cái mỏ nhọn hay mổ vào hông tàu nghe bộp bộp. Cá xanh xương thường đi thành đàn và phóng mình trên mặt nước xa đến vài mươi mét. Trước đây, loại cá này bị chê là thịt tanh và dai, bây giờ khô cá xanh xương lại là đặc sản.
Cá xanh xương có nhiều nhất ở Hòn Nồm - một đảo nhỏ, nằm khá xa trong số 21 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Du. Cư dân trên Hòn Nồm chỉ có đúng… một gia đình của ông Dương Ngọc Anh. Ngư dân Rạch Giá lâu đời gọi Hòn Nồm bằng cái tên nghe vui vui: “nhứt đảo, nhứt gia, ba thế hệ”. Gia đình “Robinson” sống giữa biển khơi này cứ được liên tục đưa lên báo, đài.
Khách từ phương xa ra quần đảo Nam Du hay tìm cách ra Hòn Nồm và khi ra về, cứ nhớ hoài món cá xanh xương do chính “chúa hòn” Dương Ngọc Anh chạy tàu, quăng lưới bắt và xách về rồi gom lá dừa khô nướng trui đãi khách. Trong lúc con cá còn giãy giụa trên giàn lửa, ông già tuổi hơn 70 đã nhanh nhẹn quơ xung quanh nhà một mớ lá tra bồ đề non và bưng tô nước cơm mẻ dầm ớt dọn lên dồ đá. Quay qua trở mấy con cá xanh xương đã nướng cháy nứt da thơm phức, ông “chúa hòn” giao cho mỗi người một con. Và ông vừa phủi tro bụi dính tèm lem trên con cá, vừa xé ra một miếng thật bự cuốn vào lá tra bồ đề chấm luồi vào tô nước cơm mẻ, đưa lên miệng ăn ngon lành.
Cá xanh xương nướng cuốn với lá tra biển non ăn thật ngon. Nó có vị ngọt bùi và thơm của thịt cá tươi nướng, vị chát của lá tra, chua của nước cơm mẻ, cay của ớt… cùng với sự nồng ấm của… rượu “hòn”, làm cho không khí trên hòn đảo nhỏ nhoi nằm giữa trùng khơi bỗng như gần lại với đất liền.
Hòn Củ Tron là đảo lớn nhất và đông dân nhất trong quần đảo Nam Du cũng có nhiều loại hải sản đặc biệt. Trong đó, bên những mỏm đá lô nhô ở đầu Bãi Chệt có hai loại ốc rất độc đáo, đó là ốc đụn, to bằng ngón cẳng cái sống bám ở các kẹt đá ngầm và ốc nhảy (loại ốc không, chỉ có một cái móng giống như móng gà để chống vào đá nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Ăn ốc đụn phải dùng que để cạy ruột, còn ốc nhảy thì cứ nắm cái móng ở miệng ốc mà kéo xoay tròn ruột ốc ra. Cả hai loại ốc này đều luộc và chấm muối tiêu chanh.
Ở những ghềnh đá ngoài bãi Đá Chồng có loại hàu nháng bám thành từng dề quanh các tảng đá. Muốn ăn hàu nháng phải chờ chiều xuống, nước biển rút cạn đem bổi khô chất dưới chân gộp đá rồi đốt lửa, vỏ hàu bật ra trắng lốp bày nguyên núm ruột, chỉ cần nhéo ra chấm muối tiêu chanh.
Còn một loại hàu nữa ngon tuyệt, nhưng muốn ăn phải ra ngoài mấy rạn đá ngầm, lặn thật sâu để mò tìm và cạy đem lên khối hàu sữa to như trái dừa. Sau đó phải dùng dao găm mới cạy hàu ra được. Ruột hàu sữa lớn bằng nắm tay, trắng như dừa nạo, tươm ra những giọt sữa đục lừ. Cứ vậy bổ ruột hàu ra, rắc muối tiêu, vắt chanh vào rồi bốc ra nhai nhồm nhoàm, làm cho sữa hàu chảy ra từ hai khóe miệng, vô cùng... đã!
Cũng ở hòn Củ Tron, chếch về hướng Đông - Bắc có một bãi cát, đá lô nhô được dân địa phương gọi là Bãi Nhum do nơi đây có một loại hải sản khá lạ mắt là con nhum chỉ to bằng ngón chân cái, đen trạy, tròn như trái mù u, tua tủa gai, nhìn thấy ghê ghê, nhưng cầm nhéo gai nhum rồi chẻ đôi con nhum ra thì thấy bên trong chứa đầy một thứ chất sền sệt vàng vàng, có vị tanh tanh. Người ăn dùng muỗng quẹt muối tiêu chanh rồi xúc đưa vào miệng. Dân Củ Tron cố cựu cho rằng cái giống nhum này ngày xưa lềnh khênh, đi ra bãi cứ sợ đạp gai nhum, nhưng từ khi có chiếc tàu của người Anh ghé vào và bày cho cách ăn nhum kèm theo rượu, bia thì thấy quả thật… bà khen, nên ngay cả ở Bãi Nhum bây giờ, con nhum cũng trở nên… quý hiếm. Ở Củ Tron còn có loại mực ống để tươi luộc lên có màu tím hồng, để nguyên con chấm vào nước mắm me, ăn vừa giòn, ngọt vừa có vị nhẫn nhẫn của nước mực trào ra rất hấp dẫn.
Nếu không phải vậy, sao có chuyện vợ chồng một người dân Đồng Nai, quê gốc huyện Vĩnh Cửu rất nặng tình với những món ăn dân giã của vùng đệm Chiến khu Đ, như: cá bay, đậu rồng, bánh tráng Cây Đào, rượu ngâu, tôm càng xanh Rạch Đông… vậy mà lặn lội ra hòn Cổ Tron làm ăn, mua bán chừng chục năm, họa hoằn lắm mới về quê. Gặp đồng hương ngay tại Cổ Tron, vợ chồng chị rất vui mừng nhưng sau cùng đã phát biểu một câu nghe xanh rờn: “Chỉ với… nước mắm “hòn” thôi, đã bén mùi rồi, không dễ gì dứt ra được!”.
Bùi Thuận