Ngày anh xung phong ra thềm lục địa làm nhiệm vụ, hành trang mang theo là kỷ niệm vui tươi lãng mạn của cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường và chiếc áo mới quân nhân chuyên nghiệp chưa một lần mặc. Để rồi, ngày anh nằm lại ngàn khơi, hành trang anh mang theo xuống biển sâu là tình yêu Tổ quốc và những lá thư kết bạn màu tím chưa kịp gửi về đất liền. Liệt sĩ Chuẩn úy Lê Đức Hồng, tên anh đã hòa vào sóng vào gió, thành bản tình ca.
Ngày anh xung phong ra thềm lục địa làm nhiệm vụ, hành trang mang theo là kỷ niệm vui tươi lãng mạn của cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường và chiếc áo mới quân nhân chuyên nghiệp chưa một lần mặc. Để rồi, ngày anh nằm lại ngàn khơi, hành trang anh mang theo xuống biển sâu là tình yêu Tổ quốc và những lá thư kết bạn màu tím chưa kịp gửi về đất liền. Liệt sĩ Chuẩn úy Lê Đức Hồng, tên anh đã hòa vào sóng vào gió, thành bản tình ca.
* Một đời phấn đấu
Lê Đức Hồng quê ở Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh - một miền quê nghèo bán sơn cước trung du. Ông Lê Đức Tư và bà Nguyễn Thị Cháu luôn mong những đứa con của mình vào bộ đội, phần vì nối nghiệp truyền thống gia đình, phần vì đóng góp nghĩa vụ cho Tổ quốc. Ngày Hồng lên đường tòng quân nhập ngũ, bà Cháu tiễn chân con ngay đầu làng. Cơm mo cau gói sẵn bà để trong làn cói. Bà dặn con trai “Dòng họ ta có truyền thống đi bộ đội, con phải phấn đấu noi gương những người đi trước. Nhà mình nghèo, con vào bộ đội cũng là lẽ phải”. Hồng khoác ba lô lên đường trong niềm tự hào ấy.
Bản tình ca nhà giàn DK1 được các chiến sĩ hát vang lúc nhớ đất liền |
Sau 3 tháng “lăn , lê, bò, trườn” ở Lữ đoàn Hải quân đánh bộ, Hồng được học lớp trung cấp chuyên ngành Radarsona hải quân tại Trường trung cấp kỹ thuật hải quân Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), rồi được điều về Tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ.
Những ngày học tập, rèn luyện ở Tiểu đoàn DK1 khối bờ, Hồng luôn là chiến sĩ ưu tú. Trong một lần huấn luyện bơi ở sông Dinh (phường 11, TP.Vũng Tàu), anh đã dũng cảm lao xuống dòng nước đang chảy xiết cứu sống đồng đội bị chuột rút khi bơi. Dìu được đồng đội vào bờ, leo thang dây lên cầu cảng thì bất ngờ thang đứt. Cú rơi ấy đã khiến Hồng dập đùi trái. Sau thời gian điều trị ở Quân y viện 1-5 Hải quân, Hồng tiếp tục lao vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Một lần khác, toàn tiểu đoàn đang huấn luyện bắn mục tiêu trên không bằng súng máy cao xạ 12,7 li, bỗng dây ròng rọc chạy mục tiêu đứt. Mô hình bay bằng thép nặng ở độ cao 40m lao thẳng vào đội hình bộ đội chờ tập. Đang ngắm mục tiêu, nhanh như cắt, Hồng chạy đến hô “dây ròng rọc đứt, mọi người chạy ra xa đi”. Hành động dũng cảm ấy, đã tránh được tai nạn cho đồng đội.
Xét thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tinh thần dũng cảm, Đảng ủy Tiểu đoàn DK1 kết nạp Lê Đức Hồng vào Đảng Cộng sản Việt Nam trước ngày đi ra Nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Ngày anh mang trong tim mình niềm tự hào của người đảng viên cộng sản, cũng là ngày đón nhận quyết định chuyển chế độ từ chiến sĩ sang quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội lâu dài, với cấp hàm chuẩn úy chuyên nghiệp, chức vụ trắc thủ radar.
Anh tự hào chia sẻ với đồng đội: “Danh hiệu đảng viên là lẽ sống, còn chiếc áo chuyên nghiệp này là cả đời phấn đấu của mình. Mình tự hào, cha mẹ ở quê cũng rất vui. Trên vai mình đã mang trọng trách Đảng giao, để sau chuyến đi biển này về, mình mặc áo mới luôn thể”.
Thiếu úy chuyên nghiệp báo vụ Trương Công Định, đồng đội thân nhất của Hồng kể trong bùi ngùi xúc động: “Trước ngày Hồng đi nhà giàn, em bảo, sao mày không mặc áo mới, Hồng nói “Để tao đi chuyến biển này về mặc luôn thể. Ra nhà giàn nước ngọt hiếm hoi, phải giặt tốn nước”. Ngờ đâu chiếc áo chuyên nghiệp chưa mặc lần nào, cậu ấy đã hy sinh”.
* Những lá thư màu tím
3 ngày trước khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ trong cơn bão số 8 đêm 12 rạng sáng 13-12-1998, sau một bữa cơm trưa, Hồng đem toàn bộ thư của mình ra khoe với anh em nhà giàn, trong đó có 8 lá thư viết sẵn đựng trong phong bì màu tím đã dán tem cẩn thận. Đó là những lá thư kết bạn Báo Tiền Phong, với tất cả khát khao cháy bỏng của người lính biển. Hồng bảo chờ tàu ra thay trực sẽ gửi về đất liền, nhất định chuyến tàu tới sẽ nhận được nhiều hồi âm. Không ngờ đó là những lời yêu thương lần cuối.
Ngay sau khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ, Đại tá, nhà văn Nhữ Mai Sinh lúc đó là Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân, nguyên là chiến sĩ Đoàn tàu không số đã sáng tác bài thơ “Những lá thư màu tím”, sau khi được nghe câu chuyện kể về sự hy sinh quên mình của các liệt sĩ. Đến bây giờ những vần thơ:“Tàu đi đảo thư vẫn nhiều hơn cả/ Những lá thư mực tím tựa hoa đào/ Các anh sống gần mây hơn gần đất/ Thơm góc trời anh ở đến xôn xao/ Gia tài các anh duy nhất là thư/ Hẹn với xa xôi yêu qua đài báo/ Nhà giàn đâu rồi chỉ một trời gió biển/ Đâu hải âu liệng xuống chỗ anh nằm” vẫn được các chiến sĩ nhà giàn chép trong nhật ký, chuyền tay nhau đọc và coi đó là “gia tài đặc biệt” của mình.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ DK1 hy sinh trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc |
Mới đây nhất, Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân đã phổ nhạc những vần thơ ấy thành bài hát cùng tên “Những lá thư màu tím” sau một chuyến đi ra Nhà giàn DK1 trở về. “Sự hy sinh của các chiến sĩ nhà giàn không thể nói hết bằng lời. Tôi muốn ca ngợi các anh bằng những ca từ từ sâu thẳm của đức hy sinh kiên cường. Thân xác các anh nằm lại ngàn khơi, nhưng tên các anh sẽ mãi mãi là bài tình ca sáng mãi trong thế hệ các chiến sĩ DK1”.
Hôm đoàn công tác chúng tôi đi qua vùng biển Phúc Nguyên, thả hoa và làm lễ viếng các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa. Tất cả mọi người không ai cầm được nước mắt khi tiếng nhạc chiêu hồn vang lên. Trong gió chướng giữa mùa và mùi hương trầm ngan ngát, giọng Đại tá Mai Tiến Tuyên, Chính ủy Vùng 2 Hải quân chùng xuống: “Các đồng chí đã gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, gác lại những tình cảm riêng tư và biết bao nhiêu hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong sóng cuồng bão giật, giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trước khi cuốn vào sóng dữ, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Văn An vẫn hy vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt, còn Nguyễn Hữu Quảng mang theo hình bóng và lời hẹn ước của người vợ chưa cưới xuống đáy biển sâu, còn Chuẩn úy Lê Đức Hồng mãi mãi ngã vào lòng biển mang theo những lá thư màu tím của một thời hoa trẻ. Tất cả những điều đó là cội nguồn của đức hy sinh, là bản chất của người chiến sĩ hải quân anh hùng thời đại mới. Hôm nay, đứng nơi biển trời lạnh vắng, cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân xin kính cẩn nghiêng mình viếng hương hồn các anh. Tràng hoa trước biển hôm nay cuộn gói trong đó bao ân tình, là nghĩa cử tri ân và lòng ghi ơn tạc dạ của thế hệ cán bộ chiến sĩ chúng tôi đối với các liệt sĩ. Xin cầu mong linh hồn các anh bình yên vĩnh hằng trong lòng biển”.
Cả đoàn chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Từ giọt nước mắt của những người đã một thời dạn dày sóng gió, đến những tiếng nấc nghẹn ngào của những thanh niên lần đầu tiên chứng kiến lễ tưởng niệm. Thả đóa hoa huệ trắng xuống sóng biển tím thẫm, lòng chúng tôi chùng xuống kính cẩn nghiêng mình. Tất cả hòa quyện thành lời tri ân gửi vào sóng gió của biển khơi cùng lời đưa tiễn…
Mai Thắng