Hơn 1 ngàn đại biểu, trong đó hơn 200 đại biểu nước ngoài từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã đăng ký tham dự hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 tới.
Hơn 1 ngàn đại biểu, trong đó hơn 200 đại biểu nước ngoài từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã đăng ký tham dự hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 tới.
Hội thảo do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội đồng tổ chức. Đây là diễn đàn để các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp. Hội thảo cũng là dịp các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận nhằm tăng cường phối hợp nghiên cứu về Việt Nam học giữa các học giả.
Hội thảo tập trung vào 15 tiểu ban chuyên môn, trong đó có lịch sử Việt Nam, văn hóa và giao lưu văn hóa, kinh tế Việt Nam, dân tộc và tôn giáo, môi trường, hệ thống pháp luật Việt Nam, ngôn ngữ và văn học nghệ thuật, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, nông thôn Việt Nam, di cư và đô thị hóa, quan hệ của Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển...
Vấn đề biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là một nội dung quan trọng của hội thảo và dự định sẽ có một phiên thảo luận riêng về biển Đông trong chủ đề chung về an ninh khu vực.
Theo các nhà tổ chức, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà Việt Nam học quốc tế. Trung Quốc là nước có nhiều nhà nghiên cứu đăng ký dự hội nghị nhất, với 36 người (đại lục 25 đại biểu, Đài Loan 9, Hồng Kông 2); Nhật Bản có 19 nhà Việt Nam học đăng ký tham dự, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga đều có khoảng 10 - 12 nhà nghiên cứu; Mỹ có 12 đại biểu; Australia có 13 người đăng ký.
Ngoài ra, không ít nhà Việt Nam học là người gốc Việt, hoặc là nghiên cứu sinh từ Việt Nam đang nghiên cứu tại Pháp, Mỹ, Nhật Bản cũng đăng ký về dự hội thảo.
Các nhà tổ chức cho biết, đội ngũ nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới hiện nay không đông đảo và nở rộ như trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, tuy nhiên có thể thấy rằng có một lớp các nhà Việt Nam học trẻ đang dần dần hình thành và phát triển đông hơn, với những báo cáo tham luận có chất lượng gửi đến hội thảo.
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, do vậy Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. “Mong rằng hội thảo sẽ đóng góp những kiến nghị chính sách để thúc đẩy phát triển và đổi mới toàn diện ở Việt Nam” - PGS.TS Trần Đức Cường, Ủy viên Ban chỉ đạo hội thảo cho biết.
M.H