Gặp TS. Mai Ngọc Hồng ít ngày sau khi ông hiến tặng tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi được nghe ông nói rõ hơn về giá trị pháp lý của tấm bản đồ chứng minh cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Gặp TS. Mai Ngọc Hồng ít ngày sau khi ông hiến tặng tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi được nghe ông nói rõ hơn về giá trị pháp lý của tấm bản đồ chứng minh cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.
TS. Mai Ngọc Hồng khẳng định, tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được nhà Thanh (Trung Quốc) xây dựng nghiêm túc, chính thống và xuất bản năm Giáp Thìn (1904). Từ xuất xứ và thời gian tấm bản đồ cổ ra mắt, TS.Hồng cho rằng: “Chắc chắn, điểm cuối cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam và không hề có Hoàng Sa, Trường Sa”.
Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng giới thiệu tấm bản đồ cổ. Ảnh: Châu Anh |
[links(left)]TS.Hồng cho biết, ngay phía dưới tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có lời dẫn do ông Stanislaus Chevalier (hiệu là Tư Đạt, linh mục Thiên chúa giáo, nhà thiên văn học Pháp và là người đứng đầu một đài Thiên văn ở Xà Sơn) viết. Đoạn dẫn này cũng đã được TS. Mai Ngọc Hồng dịch sang tiếng Việt, trong đó câu cuối cùng có nội dung: “Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì để thỏa mãn cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói chung thiện ý với mọi người”. Theo TS.Hồng, câu nói đó chứng tỏ, tấm bản đồ gần như là một công trình khoa học hoàn hảo, bài bản, tỉ mỉ và không hề có một lỗi gì cả. Ông cũng cho rằng, vị cố đạo người Pháp kia đã làm tròn nhiệm vụ với tư cách người duyệt và viết lời dẫn cho tấm bản đồ của nhà Thanh. Đó không phải công trình tư nhân, mà là một công trình quốc gia được in trên nền của kỹ thuật in bản đồ phương Tây.
Nói về đường lưỡi bò (hay còn gọi đường đứt khúc 9 đoạn) trên biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố, TS.Hồng khẳng định, đây là một điều hoàn toàn không có thực trong lịch sử và tất nhiên là cả hiện tại. Bởi, ngay cả cái tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cũng đã khép địa vực của Trung Quốc hoàn toàn trong tấm bản đồ cổ này. “Đông Tây tứ chí của Trung Quốc đã nằm trong tấm bản đồ này và cực Nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Đó là chứng cứ lịch sử đầy tính pháp lý mà cả thế giới phải công nhận” - ông khẳng định. “Vậy thì tại sao giờ đây là có thêm đường lưỡi bò?” - TS.Hồng cho rằng, nếu cứ dựa vào những bằng chứng lịch sử, như tấm bản đồ mà ông vừa hiến tặng hay các bản đồ khác của Trung Quốc do Đức, Hà Lan làm thì sẽ thấy sự vô lý của đường lưỡi bò. “Cũng từ hàng loạt cứ liệu đó để thấy, việc Trung Quốc tự nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa tức là đi ngược lại với tuyên bố của lịch sử nước này” - TS. Hồng nói thêm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trong nhận thức của người Trung Quốc, chủ quyền chỉ đến đảo Hải Nam Đây là tấm bản đồ rất có giá trị, là hiện vật có niên đại hơn 100 năm, thể hiện sự phát triển của bản đồ học Trung Quốc thời cận đại (nhà Thanh). Bản đồ này cho chúng ta thông điệp, năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, chủ quyền đất nước này chỉ đến đảo Hải Nam. Điều đó bổ sung vào chứng lý chủ quyền của Việt Nam rằng, Việt Nam thể hiện chủ quyền của mình từ rất lâu trong thư tịch, hành vi, trong bản đồ. |
Việt Nam có nhiều tư liệu lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Từ thời Minh Mạng (1834), chúng ta cũng đã có một bản đồ rất cụ thể và trong đó có cả dải vạn lý Trường Sa. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) và nhiều sử liệu khác cũng đều khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Kể từ ngày hiến tặng tấm bản đồ cổ của nhà Thanh (Trung Quốc) cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tại căn nhà nhỏ, nơi ông và gia đình nhiều năm sinh sống, TS.Mai Ngọc Hồng đã tiếp rất nhiều đoàn khách là các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các phóng viên báo, đài trong và ngoài nước. Những cuộc điện thoại từ người thân, bạn bè và cả những người chưa một lần gặp mặt cũng nhiều vô kể. Ông nói, ông thấy rất vui vì họ tìm đến ông nghĩa là họ đã thừa nhận giá trị to lớn của tấm bản đồ mà ông dày công lưu giữ.
TS.Hồng cho biết, ông sẽ cùng một số bạn bè, đồng nghiệp từng công tác tại Viện Hán Nôm tiếp tục khai thác thêm các tài liệu lịch sử liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Ông cũng muốn động viên những người đọc sách cổ cùng tham gia tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, từ đó tạo thành một “phông tư liệu” về chủ quyền biển, đảo đất nước.
Trước khi chia tay, TS. Mai Ngọc Hồng tâm sự rằng, việc ông quyết định hiến tặng tấm bản đồ cổ là việc làm có lợi cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Ông hy vọng, tấm bản đồ không chỉ là một căn cứ nữa để khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, mà qua đó người dân Trung Quốc còn có thể hiểu rõ hơn về những gì mà chính đất nước họ đã từng thừa nhận. “Tôi mong rằng, tấm bản đồ sẽ khiến cộng đồng quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc ủng hộ cho những khẳng định rõ ràng và đầy tính pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” - TS.Hồng nói.
Vũ Hùng