Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo đảm tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền

10:08, 16/08/2012

Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, một mặt quy định rõ quyền tự do hàng hải đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng lãnh hải Việt Nam, mặt khác cũng có những quy định rất chặt chẽ để quyền tự do ấy không làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn, an ninh biển của Việt Nam.

 

Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, một mặt quy định rõ quyền tự do hàng hải đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng lãnh hải Việt Nam, mặt khác cũng có những quy định rất chặt chẽ để quyền tự do ấy không làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn, an ninh biển của Việt Nam.

Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức diễn tập cứu nạn hàng hải tại Nha Trang tháng 7-2012.    Ảnh: TTXVN
Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức diễn tập cứu nạn hàng hải tại Nha Trang tháng 7-2012. Ảnh: TTXVN

Những quy định này đều phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Luật Biển Việt Nam là căn cứ pháp lý quan trọng để các lực lượng chức năng của Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho ngư dân bám biển và các doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quyền đi qua không gây hại được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ấn định cho tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng lãnh hải của quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo. Lãnh hải là vùng biển rộng tối đa 12 hải lý (khoảng 22,224km) tính từ ngấn thủy triều thấp nhất hoặc tính từ đường nối liền những điểm bờ biển nhô ra nhất ở những vùng bờ biển bị khoét sâu, lồi lõm hay một chuỗi đảo gần bờ (còn gọi là đường cơ sở). Công ước này cũng công nhận chủ quyền của quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo đối với vùng lãnh hải, vùng trời trên lãnh hải cũng như đáy biển và lòng đất phía dưới lãnh hải.

Tuy nhiên, để phù hợp với quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam cũng có những quy định rõ ràng, mang tính ràng buộc pháp lý đối với những tàu, thuyền nước ngoài đi qua vùng lãnh hải Việt Nam để bảo đảm chủ quyền của Việt Nam. Đó là những quy định yêu cầu tàu thuyền nước ngoài không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam và trật tự, an toàn trên biển.

Cụ thể, theo khoản 3, Điều 23 Luật Biển Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài bị coi là gây phương hại tới hòa bình, an ninh của Việt Nam, trật tự, an toàn xã hội nếu có một trong các hành vi: Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên, xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc, của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam...

Với tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại nguy hiểm khi chạy trong vùng lãnh hải Việt Nam, thuyền trưởng của tàu thuyền ấy phải mang đầy đủ và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tài liệu kỹ thuật về tàu thuyền cũng như hàng hóa trên tàu thuyền, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, thuyền trưởng các tàu thuyền này cũng phải tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu, bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ hoặc làm ô nhiễm môi trường.

Với tàu ngầm hoặc các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài hoạt động trong vùng nội thủy, lãnh hải của Việt Nam, Luật Biển Việt Nam yêu cầu những phương tiện này phải ở trạng thái nổi trên mặt nước và treo cờ quốc tịch. Quy định này được miễn trừ khi các phương tiện ngầm này được Chính phủ Việt Nam cho phép hoạt động ngầm trong vùng nội thủy, lãnh hải Việt Nam, hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ.

Để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh, Luật Biển Việt Nam cũng quy định về vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam. Khoản 1, điều 26 Luật Biển Việt Nam giao quyền thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam cho Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Biển Việt Nam cũng yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thông báo rộng rãi cả trong nước và quốc tế về việc thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải chậm nhất là 15 ngày trước khi áp dụng hoặc thông báo ngay sau khi áp dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Nếu tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải Việt Nam mà vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật Biển Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam có quyền yêu cầu các phương tiện này dừng lại để kiểm tra. Trong trường hợp tàu thuyền nước ngoài không chấp hành, lực lượng chức năng của Việt Nam có quyền truy đuổi.

Như vậy, những quy định trong Luật Biển Việt Nam một mặt quy định rõ quyền tự do hàng hải đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng lãnh hải Việt Nam, mặt khác cũng có những quy định rất chặt chẽ để quyền tự do ấy không làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn, an ninh biển của Việt Nam. Tất cả những quy định này đều phù hợp với quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, khẳng định rõ thái độ tôn trọng những điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Bởi vậy, Luật Biển Việt Nam là căn cứ pháp lý quan trọng để các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn, an ninh biển của Việt Nam, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho ngư dân bám biển và các doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cùng với việc ban hành Luật Biển Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc bảo đảm tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam.

Minh Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều