Báo Đồng Nai điện tử
En

Triết lý âm dương bắt nguồn từ Việt Nam?

10:01, 18/01/2012

Từ xưa đến nay, triết lý âm dương gắn bó chặt chẽ trong mọi mặt đời sống của người Á Đông. Song, triết lý âm dương bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ là vấn đề còn để ngỏ, những lời giải đáp hiện có đều thiếu sức thuyết phục, đa phần đều thống nhất rằng, nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thế nhưng, mới đây, có hai nhà khoa học Việt Nam đã chứng minh khác: triết lý âm dương bắt nguồn từ Việt Nam và được sự ủng hộ của chính những học giả Trung Quốc!

Từ xưa đến nay, triết lý âm dương gắn bó chặt chẽ trong mọi mặt đời sống của người Á Đông. Song, triết lý âm dương bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ là vấn đề còn để ngỏ, những lời giải đáp hiện có đều thiếu sức thuyết phục, đa phần đều thống nhất rằng, nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thế nhưng, mới đây, có hai nhà khoa học Việt Nam đã chứng minh khác: triết lý âm dương bắt nguồn từ Việt Nam và được sự ủng hộ của chính những học giả Trung Quốc!

Một cách nhìn mới

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Sự hình thành và tiến hóa Dịch học thời kỳ đầu” do Hội Dịch học Trung Quốc và Đại học Sơn Đông tổ chức vào tháng 10-2011, có 70 học giả từ các trường đại học và Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Việt Nam, Đức, Hoa Kỳ, Brasil đến dự và trình bày các thành quả nghiên cứu mới về Dịch học.

Các món ăn ngày Tết cũng thể hiện sự cân bằng âm dương.
Các món ăn ngày Tết cũng thể hiện sự cân bằng âm dương.

Hai báo cáo “Về nguồn gốc triết lý âm dương và ảnh hưởng của nó đến tính cách người Việt” của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm và “Ảnh hưởng của âm dương ngũ hành trong truyền thống văn hóa Việt Nam” của ThS. Nguyễn Ngọc Thơ (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh) đem đến hội thảo một cách nhìn mới: Nguồn gốc triết lý âm dương không nên tìm ở Trung Quốc, phải tìm rộng ra trong cả khu vực mà nó tồn tại là Đông Bắc Á và Đông Nam Á; không nên chỉ tìm trong các sách vở hàn lâm mà phải tìm trong đời sống văn hóa dân gian nguyên thủy.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã chứng minh rằng, triết lý âm dương hình thành từ thực tiễn đời sống nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, hai từ “âm dương” bắt nguồn từ hai từ “mẹ” và “trời” trong các ngôn ngữ Đông Nam Á (ina - yang).

Cặp khái niệm “âm dương” với trật tự âm trước dương sau được hình thành trên cơ sở tổng hợp hai cặp khái niệm quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của người trồng lúa nước là “mẹ cha” và “đất trời”. Nó mang đậm nét dấu tích của một truyền thống văn hóa trọng nữ Đông Nam Á, khác hẳn truyền thống trọng nam Trung Hoa thể hiện qua hai cặp từ “phụ mẫu” và “thiên địa”. ThS. Nguyễn Ngọc Thơ đưa ra hàng loạt biểu hiện của tư tưởng âm dương ngũ hành trong mọi lĩnh vực phong tục, tập quán, truyền thuyết... của Việt Nam từ xưa đến nay như những minh chứng cho tính nguyên thủy, tính tự phát của tư tưởng âm dương, lưỡng phân lưỡng hợp trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á.

Sự đồng tình của giới nghiên cứu quốc tế

Bình luận về các báo cáo của đoàn Việt Nam, GS. Ngô Di (Viện Nghiên cứu Chỉnh thể học California, Mỹ) nhận xét rằng: “Lâu nay giới nghiên cứu Dịch học thường chỉ dựa vào sách vở xưa và các tư liệu khai quật được từ lăng mộ mà bỏ qua quá trình phát triển lịch sử của nó. Chu dịch chắc hẳn phải là kết quả sự đóng góp của cư dân nhiều vùng, là sản phẩm phát triển qua nhiều thời đại. Do vậy, việc tìm hiểu nguồn gốc Dịch học phải được mở rộng ra để nhìn từ nhiều góc độ như các học giả Việt Nam đang làm, chứ không phải chỉ giới hạn ở một nơi, bằng một loại chứng cứ quen thuộc”.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (bên trái) và ThS. Nguyễn Ngọc Thơ trình bày tại hội thảo.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (bên trái) và ThS. Nguyễn Ngọc Thơ trình bày tại hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS. Vương Tuấn Long (Viện Nghiên cứu tư tưởng truyền thống Trung Quốc thuộc Đại học sư phạm Thượng Hải) kết luận: “Trong báo cáo của mình, GS. Trần Ngọc Thêm đến từ Việt Nam đã cho thấy rằng, nguồn gốc của Kinh Dịch không thể tìm trong truyền thuyết mà phải đi tìm trong sự phối hợp giữa điều kiện tự nhiên với bối cảnh lịch sử - xã hội của thực tiễn cuộc sống. Bằng những nghiên cứu tỉ mỉ, với những dẫn chứng rõ ràng, trên cơ sở phân tích tính đặc thù của cuộc sống nông nghiệp lúa nước, tác giả đã chứng minh có sức thuyết phục về nguồn gốc Đông Nam Á của tư tưởng âm dương. Phát triển theo hướng này, báo cáo của ThS. Nguyễn Ngọc Thơ cung cấp hàng loạt tư liệu sống cho thấy tư tưởng âm dương đã thẩm thấu sâu rộng trong cuộc sống dân gian Việt Nam, những biểu hiện này rõ ràng là mang tính nguyên thủy. Hai báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất, cho thấy kiểu văn hóa âm dương ưu tiên mẹ hơn cha, địa hơn thiên, với một tư duy lưỡng phân lưỡng hợp rất thú vị. Nó rất khác lạ với truyền thống trọng nam Trung Hoa và khái niệm lưỡng nghi vốn rất quen thuộc ở Đông Bắc Á”.

Và sự lan tỏa...

Trong thời gian diễn ra hội thảo, đoàn Việt Nam được mời trình bày hai chuyên đề giới thiệu văn hóa Việt Nam tại cơ sở chính của Đại học Sơn Đông (Tế Nam) vào chiều ngày 13-10-2011. Các chuyên đề gồm có: “Tính cách văn hóa Việt Nam” (GS.TSKH Trần Ngọc Thêm) và “Phong tục Tết Đoan ngọ Việt Nam và Trung Quốc dưới góc nhìn so sánh” (ThS. Nguyễn Ngọc Thơ).    

Phần lớn sách vở lâu nay đều chép theo nhau mà cho rằng triết lý âm dương do vua Phục Hy là một nhân vật truyền thuyết hoang đường sáng tạo ra. Một số đông khác thì quy công sáng tạo âm dương cho Trâu Diễn và phái Âm dương gia (đều là những người sinh ra sau khi đã có các khái niệm Bát quái, Ngũ hành từ lâu).

Sau Sơn Đông, đoàn Việt Nam đến Bắc Kinh. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm được Hội Dân tộc học Trung Quốc và Đại học Thanh Hoa (một trong hai đại học hàng đầu Trung Quốc) mời nói chuyện chuyên đề “Tính cách văn hóa Việt Nam” vào ngày 18-10-2011. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là học giả Việt Nam đầu tiên trong khối khoa học xã hội - nhân văn giới thiệu chuyên đề ở Đại học Thanh Hoa.

Sau Bắc Kinh là Côn Minh (Vân Nam). GS.TSKH Trần Ngọc Thêm tiếp tục nói chuyện chuyên đề “Tính cách văn hóa Việt Nam” tại Đại học dân tộc Vân Nam. Đối tượng chính là giảng viên và sinh viên chuyên ngành Việt Nam học tại các trường Đại học dân tộc Vân Nam, Đại học sư phạm Vân Nam, Đại học ngoại ngữ Vân Nam... Sau phần nói chuyện, nhiều thầy cô giáo và sinh viên Trung Quốc đã thảo luận, trò chuyện với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm về những vấn đề văn hóa Việt Nam trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm - 2001, NXB TP. Hồ Chí Minh) vốn rất được giới nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học tại Trung Quốc quan tâm. Cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm) được giáo viên và sinh viên ở đây sử dụng rộng rãi (nhiều người đã đem sách tới xin chữ ký tác giả).

Thanh Hòa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều