Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đột phá để duy trì tốc độ tăng trưởng

05:01, 19/01/2012

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Đây cũng là năm mà theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường. Do vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Tỉnh ủy đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải có quyết tâm chính trị cao và sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và của toàn dân.

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Đây cũng là năm mà theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường. Do vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Tỉnh ủy đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải có quyết tâm chính trị cao và sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và của toàn dân.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống công nhân tại Công ty Changshin.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống công nhân tại Công ty Changshin.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 cho thấy: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền bằng những giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả và sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc, ứng phó có kết quả trước những diễn biến phức tạp tình hình của cộng đồng các doanh nghiệp, của toàn dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2011 của Tỉnh ủy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai vẫn khá cao: 13,3%. Đây là con số đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân. Do vậy, năm 2012, Đảng bộ tỉnh vẫn xác định phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định tăng từ 12-13% so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 36,2% và nông-lâm-thủy sản chiếm 6,8%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng từ 16,5-17%; giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng từ 13,9-15%; giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng từ 3,5-4%...

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường

Để đạt được mức tăng trưởng từ 12-13%, có 3 giải pháp trọng tâm được đặt ra và phải thực hiện có hiệu quả.

Một là tập trung thu hút, phát triển các dự án thuộc ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện môi trường. Xúc tiến quy hoạch nhanh các khu, tiểu khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ và vận dụng các cơ chế, chính sách để thu hút mạnh các nhà đầu tư. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có tiềm năng và thế mạnh, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, xây dựng và mở rộng thị trường bán lẻ nội địa, song song với việc tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá cả hàng hóa một cách nghiêm ngặt. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông  thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất sử dụng. Chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, có thế mạnh để đầu tư phát triển. Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, an toàn, cung ứng đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng nhận bằng tốt nghiệp.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng nhận bằng tốt nghiệp.

Hai là, tăng cường đầu tư các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế cơ sở. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm; phát triển và đa dạng hóa hệ thống bảo hiểm; mở rộng hình thức bảo trợ xã hội; có giải pháp khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài của một số doanh nghiệp. Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trong năm 2012. 

Ba là, tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống xử lý nước thải các khu công nghiệp đạt quy chuẩn môi trường; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các khu công nghiệp; triển khai dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải TP. Biên Hòa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, các lò đốt chất thải y tế. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý rác thải có công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, khu đô thị vào khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch.

Tạo bước đột phá trong đầu tư hạ tầng

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các hệ thống giao thông có tác động lan tỏa cao, hệ thống giao thông huyết mạch kết nối vào các khu đô thị, khu công nghiệp, các tuyến đường vào cảng, đường liên cảng, hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn vẫn là lĩnh vực mà Đồng Nai còn hạn chế. Chính vì vậy, năm 2012 được xác định là năm tập trung tạo bước đột phá trên lĩnh vực này. Giải pháp được đặt ra là phải huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức thích hợp để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, như: cầu Hóa An, đường liên cảng, đường ĐT.769, hương lộ 10 (đoạn từ trung tâm huyện Cẩm Mỹ đến giáp ranh huyện Long Thành); phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, như: quốc lộ 51, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Bên cạnh đó, tập trung hoàn chỉnh các thủ tục liên quan để triển khai thực hiện các dự án quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, như: trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, dự án khu công - nông nghiệp (Dofico), dự án trung tâm công nghệ sinh học…

Các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Đồng Nai.
Các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Đồng Nai.

Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển một phần đầu tư các công trình, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước sang đầu tư bằng các nguồn vốn khác. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo bước chuyển quan trọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều dự án đang triển khai như: TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực

Phải tạo được bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.  Muốn thực hiện được mục tiêu này, Đồng Nai phải tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án giáo dục đã triển khai; thực hiện phổ cập bậc trung học theo hướng tiến tới đạt chuẩn quốc gia theo quy định Bộ Giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho giáo dục, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Có kế hoạch chủ động về quỹ đất và nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp, cao đẳng nghề.

Khuyến khích các cơ sở đào tạo trong tỉnh liên kết với các cơ sở đào tạo chất lượng cao trong và ngoài nước gắn với tăng cường công tác quản lý nhằm thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo. Tập trung đào tạo sau đại học đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, đối ngoại cho cán bộ, công chức đang công tác. Đẩy mạnh đào tạo trên chuẩn đối với đội ngũ y, bác sĩ, giáo viên, giảng viên. Tổ chức rà soát, quy hoạch và huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm các trường nghề, các cơ sở dạy nghề phù hợp chương trình đào tạo quốc gia, khu vực và quốc tế, đảm bảo đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của tỉnh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ, chú trọng thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; công khai kết quả thanh tra công vụ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhiệm vụ năm 2012 là rất lớn, rất khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tin tưởng rằng các cấp ủy Đảng và chính quyền tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm được rút ra từ năm 2011, ra sức khắc phục khó khăn, hạn chế; chủ động, sáng tạo, khai thác tốt các nguồn lực, các cơ hội và đề ra nhiều biện pháp, giải pháp khả thi, quyết tâm cùng quân và dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012.

 Tổ chức quán triệt sâu các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng; trên cơ sở đó cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ sát với tình hình thực tiễn của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng để các tổ chức cơ sở Đảng hoạt động ngày càng hiệu quả và đủ sức lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cấp ủy viên, nhất là đồng chí Bí thư cấp ủy về kỹ năng lãnh đạo, điều hành, kỹ năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của cấp trên; về biện pháp quy tụ, tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng và nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị. Tiến hành tổ chức sắp xếp lại các tổ chức cơ sở Đảng cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là ở các chi bộ Đảng. Chú trọng phát triển đảng viên mới trong các doanh nghiệp, trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào có đạo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn viên thanh niên và công nhân lao động.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, giải quyết hiệu quả những phát sinh từ cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đề xuất với Đảng, chính quyền giải quyết tốt những nhu cầu hợp pháp, chính đáng, cũng như những bức xúc của nhân dân.

Đẩy mạnh các phong trào hoạt động trong từng đoàn thể. Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và lực lượng cốt cán là già làng, người tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và trong các chức sắc tôn giáo. Các phong trào thi đua yêu nước phải mang tính thiết thực, hiệu quả, vận động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; trước hết là đem lại quyền lợi thiết thực cho quần chúng nhân dân, đồng thời góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng trên từng địa bàn.

Trần Đình Thành

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều