Ngày Tết, người ta hay tặng quà cho nhau. Dĩ nhiên, có những món quà không đơn thuần là tập lệ, lễ nghi hay tình cảm thông thường mà có mục đích khác, mà ngày Tết chỉ là cái cớ.
Ngày Tết, người ta hay tặng quà cho nhau. Dĩ nhiên, có những món quà không đơn thuần là tập lệ, lễ nghi hay tình cảm thông thường mà có mục đích khác, mà ngày Tết chỉ là cái cớ.
Thầy đồ xưa... |
Tết ngày càng hiện đại, càng có nhiều người tặng những món quà quý giá. Bên cạnh đó, thì cũng có nhiều món quà mang ý nghĩa tinh thần thuần túy được tặng nhau. Sách là một thí dụ. Trong cuộc sống hối hả hiện nay, với một số người, gần như đến Tết mới có thì giờ rảnh. Khi đó, họ mới kịp để tâm đọc trọn một cuốn sách. Sách tặng trong dịp Tết, dĩ nhiên sẽ không phải loại “kim chỉ nam” làm giàu, để kinh doanh, mà thường là những cuốn “cẩm nang” về sức khỏe, về đối nhân xử thế, những triết lý để người ta ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, là những câu chuyện làm rung động lòng người… Có người tặng các đĩa kinh Phật để cùng nhau lắng lòng lại, bình tâm lại mà sống tích cực hơn, thay vì mải bon chen, tranh đoạt. Thành thử ra, Tết là dịp hiếm hoi trong năm để mọi người tạm gác mọi ưu phiền, toan lo để có những phút giây bình lặng, thanh thản.
Vài năm trở lại đây, lại rộ lên phong trào tặng chữ nhân dịp Xuân về. Có lẽ đó là xu hướng hoài cổ trong dịp “mỗi khi hoa đào nở” và cũng là một cách để cân bằng tình cảm, tinh thần trong cuộc sống hối hả như hiện nay. Không chỉ có “phúc”, “lộc”, “thọ”, “tài”…, vốn những chữ được “dùng” nhiều trong dịp Tết từ ngàn đời qua, bây giờ còn có nhiều chữ rất ý nghĩa khác. Nhắc nhở mọi người sống có trên có dưới, hiếu đễ, người ta tặng chữ “hiếu”; lời khuyên sống biết san sẻ, hy sinh, thậm chí chịu đựng nhau, người ta tặng chữ “nhẫn”; động viên người ta sống có tình có nghĩa có thể tặng chữ “nhân”, chữ “tâm” hay chữ “yêu thương”; chúc nhau thì có thể dùng chữ “an”, “khang”, “hạnh phúc” hay “vạn sự như ý”…
... Và thầy đồ ngày nay. |
Riêng tôi, Tết năm trước, tôi đến nhà một nhà thư họa “nghiệp dư” (bác viết rất đẹp nhưng chỉ để tặng chứ chưa bao giờ bán) và khẩn khoản “cầu” bác viết cho một chữ “Minh” son đỏ kèm theo một bài thơ tứ tuyệt do tôi cảm tác. Bức thư họa này tôi kính tặng thầy dạy cũ của tôi là thầy Nguyễn Tiến Minh, hiện là Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán (Đồng Nai). “Minh” là một lời ca ngợi thầy tôi suốt đời sáng suốt, sống hết lòng với việc trồng người, cả khi còn đứng trên bục giảng cho đến lúc nghỉ hưu. “Minh” là sự ghi ơn của tôi với thầy, bởi mỗi lần có khó khăn gì trong cuộc sống, trong công việc, tôi đều đến chia sẻ với thầy, xin ý kiến của thầy. (Mà bản thân thầy cũng thường thẳng thắn trao đổi, thậm chí tranh luận, để cả thầy và trò cùng thấu hiểu một vấn đề). “Minh” cũng là một sự tự nhắc nhở của tôi, để phải luôn suy nghĩ và có quyết định đúng đắn, sáng suốt, tránh “hồ đồ”, “khôn ba năm dại một giờ”. Mỗi bận về thăm thầy, tôi lại thấy bức thư họa được thầy treo trang trọng trong nhà, cảm giác lòng mình ấm lại. Một nỗi xúc động trào dâng trong lòng.
Ngoài những “chữ” vừa nêu, người ta còn viết những câu thơ, câu ca dao, tục ngữ để động viên nhau mà cũng tự răn mình sống sao cho tốt hơn. Mỗi lần nhìn câu “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” viết trên nền của một ngọn núi cao bên cạnh mặt biển bao la, tôi lại nhớ đến song thân bằng nỗi xúc động mãnh liệt. Bỗng dưng thấy mình bé nhỏ trước công ơn trời biển của cha mẹ, lại chợt nhận ra rằng “ngày tôi xa mẹ càng gần”… Cũng nhiều người chọn câu hát trong bài Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn “sống trên đời cần có một tấm lòng”. Hay những câu trích dẫn trong Kinh Phật, Kinh Thánh, các câu danh ngôn cũng có ý nghĩa nhắc nhở mọi người biết “sống đẹp” giữa cuộc đời này…
Chọn chữ ngày Xuân. |
Bất kể chữ được viết trên giấy, mành trúc, đá hay trong sách, cái hồn vẫn là sự tinh tế của nét bút và ý nghĩa sâu xa của chữ đó. Với thư họa, gần như chỉ có ý nghĩa tinh thần; còn ý nghĩa vật chất (nếu có) thực ra cũng không đáng kể, bởi nó cũng chỉ thể hiện một mong ước, một lời chúc tốt đẹp nào đó.
Ngày Xuân, viết thư pháp (viết chữ) là một thú vui tao nhã. Tặng chữ cho nhau cũng là một nét đẹp đáng quý. Đôi lúc, hình như có sự thương mại hóa với việc “mua bán chữ” quá sỗ sàng, ít nhiều làm mất vẻ đẹp vốn có của nó. Xin mọi người chú ý tính “cầu” (khẩn khoản mà xin), tính “dâng” (tặng với lòng kính trọng - của cả người viết rồi tặng người khác và người “cầu” được chữ đó để tặng người khác nữa) đối với mỗi chữ. Tức là, hãy trân trọng với từng chữ một! Vì mỗi chữ là một tấm lòng, một bài học ở đời.
Nguyễn Minh Hải