Năm 1990, cùng đoàn sưu tầm văn nghệ dân gian lặn lội đến với đồng bào dân tộc Mạ, S'Tiêng ở Tà Lài, Bù Cháp (huyện Tân Phú), tôi có trao đổi với nhạc sĩ Trần Viết Bính về ý tưởng “Đánh thức tiếng hát của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Năm 1990, cùng đoàn sưu tầm văn nghệ dân gian lặn lội đến với đồng bào dân tộc Mạ, S'Tiêng ở Tà Lài, Bù Cháp (huyện Tân Phú), tôi có trao đổi với nhạc sĩ Trần Viết Bính về ý tưởng “Đánh thức tiếng hát của đồng bào dân tộc thiểu số”. Ý tưởng chỉ lập lòe như ánh sáng đom đóm giữa rừng. Không hy vọng nhiều. Vậy mà, ý tưởng ấy đọng lại, sâu lắng, thôi thúc lòng người nhạc sĩ luống tuổi. Nhạc sĩ Trần Viết Bính - tác giả của “Hạt gạo làng ta” như có duyên ngầm với dân ca, âm thầm thu dọn việc riêng, từ năm 1993, chuyển sang chuyên tâm lo việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca các dân tộc bản địa ở địa phương.
Bắt đầu từ chủ trương của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai: “Khắc phục tình trạng sưu tầm rồi “bỏ kho”, báo cáo thành tích, sân khấu hóa hoặc đánh bóng giải thưởng cá nhân. Sưu tầm là để nghiên cứu, truyền dạy, phổ biến, gieo cấy trở lại trong đồng bào; giữ gìn, phát huy, làm giàu tài sản văn hóa cho đồng bào”. Quan điểm ấy sáng tỏ. Nhưng việc thực hiện rất khó. Phải dày công. Trước hết là cần có người tâm huyết. Nhạc sĩ Trần Viết Bính như người lính tâm huyết tiên phong. Ông thường có mặt trong tất cả các chương trình văn hóa dân tộc của Chi hội Văn nghệ dân gian, Trường Văn hóa - nghệ thuật, Đài Phát thanh - truyền hình, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức. Và tự mình, với “cơm nguội - muối mè” và lòng say mê vô bờ đã thổi hồn cho từng câu hát. Không chỉ là việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca, ông còn phục dựng không gian diễn xướng, truyền dạy cho thanh thiếu nhi con cháu của đồng bào để giai điệu dân ca thức giấc, truyền lửa cho đời sau. Các em học sinh dân tộc tại Trường Văn hóa - nghệ thuật nói tự đáy lòng: “Chúng con cảm ơn các thầy cô đã đưa lại những bài hát của ông bà cho chúng con…!”. Chứng kiến lớp dạy hát dân ca cho con em của đồng bào, người già các buôn làng vui vẻ: “Thiệt là sướng cái bụng!”. Nhiều đêm, dân làng đội mưa gió đi xem “lũ nhỏ làng mình hát bài của ông bà mình”.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới (đầu tiên bên trái) cùng các tác giả Trần Viết Bính, Nguyễn Thị Tuyết Hồng và đồng bào Mạ, trong chuyến điền dã ở Tà Lài năm 1993. |
Từ những bài dân ca sưu tầm, tiếng hát của người Chơro đã vượt qua mặc cảm “nhỏ yếu” vang động trong các chương trình truyền thông, giao lưu văn hóa trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Điểu Liệt đạt Huy chương vàng “Liên hoan dân ca Việt Nam toàn quốc, Hà Nội, 2005”. Tốp ca xã Túc Trưng (huyện Định Quán) nhận Huy chương bạc “Liên hoan dân ca toàn quốc, khu vực Nam bộ, 2009”.
Đáng trân trọng là bộ VCD gồm các bài karaoke dân ca Mạ, Chơro, S'Tiêng. Từ gợi ý của Chi hội Văn nghệ dân gian, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã “liều mình”, góp phần “karaoke hóa” tác phẩm dân ca sưu tầm được với kỹ thuật không kém chuyên nghiệp. Hình ảnh và không gian dân ca được tái hiện phù hợp với lời ca và đời sống hiện thực, hiệu quả hơn nhiều bài karaoke thị trường với lời và hình “mạnh ai nấy đi”. Có những hoạt cảnh quý hiếm hiện không thể phục dựng được nữa, vì nghệ nhân đã ra đi.
Cũng có người dị ứng với việc ký âm dân ca bằng 7 nốt nhạc Tây. Nhưng lấy đồng bào làm thước đo thì việc này có ý nghĩa thiết thực. Có đứng ở phía tiếp nhận của đồng bào mới biết. Hôm trình chiếu tại Nhà dài dân tộc Chơro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), bà con Chơro ngồi dự thâu đêm, già làng Năm Nổi vui sướng quá, vỗ đùi thốt lên: “Nhạc sĩ Bính của mình giỏi thiệt!”. “NHẠC SĨ BÍNH CỦA MÌNH!”: Ấy là lời khen, là sự nghiệm thu, công nhận, còn là lời khen hơn mọi giấy khen. Trong lần điền dã tại Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) tháng 11-2010; bà con dân tộc Mạ cũng đã đón nhận “bài hát của mình” tương tự như vậy.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính và Nghệ nhân Dân gian Ka Bào, xã Tà Lài, huyện Tân Phú. |
Như con ong làm mật, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã dành 20 năm nung nấu, 17 năm miệt mài cho việc đánh thức tiếng lòng của đồng bào dân tộc thiểu số qua các làn điệu dân ca. Không ồn ào. Không đòi hỏi. Bằng mọi cách đến với những nơi có tiếng hát của đồng bào. Tuổi cao, chân yếu, ý chí mạnh, kinh nghiệm dồi dào, thao tác máy thành thạo, tuổi ngấp nghé 80 làm việc như sức trẻ. Đồng nghiệp kinh ngạc, khâm phục, kính trọng, và than thầm: “Không theo kịp!”.
Huỳnh Văn Tới