Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề án 1816: “Nâng tầm” tuyến dưới,“giảm tải" tuyến trên

11:01, 18/01/2012

Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" là một chủ trương lớn của ngành y tế, thể hiện phương châm “hướng về y tế cơ sở". Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần “nâng tầm” tuyến dưới, “giảm tải" tuyến trên.

Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" là một chủ trương lớn của ngành y tế, thể hiện phương châm “hướng về y tế cơ sở". Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần “nâng tầm” tuyến dưới, “giảm tải" tuyến trên.

NHU CẦU XUẤT PHÁT TỪ THỰC TẾ

Trước đây, khi tiếp nhận những ca chấn thương đầu, chấn thương nội, dù không quá nặng nhưng vì chuyên môn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị thiếu thốn nên các bệnh viện tuyến khu vực, tuyến huyện thường phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh. Song, từ khi được chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cao, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phẫu thuật thành công ca vỡ tim phức tạp nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Tim mạch.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phẫu thuật thành công ca vỡ tim phức tạp nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Tim mạch.

Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán là một trong những bệnh viện sớm làm chủ được kỹ thuật chuyển giao. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Hiện nay, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật như: chụp cắt lớp điện toán sọ não, ổ bụng, cột sống bằng hệ thống chụp CT - Scanner 2 lát cắt, nội soi chẩn đoán bệnh lý tai mũi họng, phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi ngoại sản các bệnh lý viêm ruột thừa, thủng dạ dày, cắt túi mật, u nang buồng trứng... Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã tích cực triển khai những kỹ thuật mới. Từ đây, nhiều người bệnh nghèo ở vùng sâu, vùng xa đã có cơ hội điều trị bằng kỹ thuật cao”.

Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cũng có nhiều thành tích trong việc chủ động thực hiện các kỹ thuật mới được chuyển giao từ các bệnh viện tuyến tỉnh. Bác sĩ - Giám đốc bệnh viện Lê Quang Ánh tâm sự: “Năm 2009, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự và chuyên môn. Đề án 1816 triển khai rất đúng thời điểm nên giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực. Bệnh viện đã tiếp nhận được kỹ thuật mổ sọ não từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, kỹ thuật điều trị về ngoại tổng quát từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám và chữa các bệnh nhi khoa từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và các tổ công tác 1816 của Sở Y tế. Giờ đây, chuyên môn của bệnh viện đã được nâng tầm rõ hẳn”. Còn ở Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, bác sĩ Lương Thị Bình, Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ, bệnh viện đã thành công với các kỹ thuật lâm sàng như: lấy máu tụ ngoài màng cứng, khâu nối ghép gân vi phẫu, gây tê tủy sống hay nội soi tai mũi họng. Riêng cận lâm  sàng,  bệnh  viện  đã  triển  khai  chụp  CT, X-quang tại giường...

Nằm trong lộ trình tự thay đổi nâng cao chất lượng điều trị, từ một bệnh viện còn yếu về chuyên môn trước đây, nay Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom, Bệnh viện đa khoa huyện Nhơn Trạch đã triển khai khám, điều trị các bệnh nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, bệnh truyền nhiễm, răng hàm mặt, xét nghiệm… Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư tại bệnh viện, như: máy siêu âm màu 3D, Doppler màu, dao mổ điện, máy monitor tim thai...

Trang thiết bị hiện đại cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc triển khai các kỹ thuật mới.
Trang thiết bị hiện đại cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc triển khai các kỹ thuật mới.

Sau hơn hai năm triển khai Đề án 1816, số ca bệnh nặng từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển viện lên tuyến tỉnh đã giảm 30%. Đặc biệt, bệnh viện tuyến huyện với nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại, người dân đã yên tâm ở lại điều trị, giảm được chi phí đi lại cũng như ăn ở cho người bệnh và người nhà của họ.

LÀM CHỦ KỸ THUẬT, PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Thời gian qua, trong quá trình triển khai đề án, Sở Y tế cũng đã có khảo sát kỹ nhu cầu của từng tuyến, từng bệnh viện để có những kế hoạch “thỉnh” cán bộ giỏi về thực hành, mạnh về giảng dạy từ các bệnh viện trung ương về bệnh viện tuyến tỉnh và “cử” cán bộ tuyến tỉnh về truyền thụ kiến thức cho bác sĩ tuyến huyện. Từ chuyển giao kỹ thuật và thực hiện trên chính người bệnh ở địa phương, các bác sĩ tuyến dưới yên tâm và quen dần với thực hành. Với nhiều bệnh viện, khi thầy thuốc tuyến trên hết thời gian tăng cường, việc đảm đương các kỹ thuật mới được chuyển giao đã không còn là quá khó.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện những ca phẫu thuật sản phức tạp.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện những ca phẫu thuật sản phức tạp.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tâm đắc: “Với thời gian luân phiên hỗ trợ từ 1-3 tháng, các cán bộ y tế tuyến trên đã hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn theo hình thức cầm tay chỉ việc, triển khai một số kỹ thuật mới, đồng thời trực tiếp khám, điều trị, phẫu thuật bệnh nhân, giúp nhiều cán bộ y tế tuyến dưới được “mắt thấy, tai nghe” nên dễ ứng dụng vào thực tế. Việc này không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới mà còn tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận với điều trị kỹ thuật cao”. Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cũng khẳng định: “Giờ đây, từ những tăng cường của Bệnh viện nhi đồng 1, nhi đồng 2 mà bệnh viện đã có thể giải quyết được một số ca bệnh khó ngay tại địa phương, nâng dần chất lượng điều trị của bệnh viện. Ngoài ra, thông qua đề án, chúng tôi còn tạo được mối quan hệ thông tin hai chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới, học tập kỹ năng, tác phong làm việc khoa học của tuyến trên. Thậm chí, trong một số ca đặc biệt, chúng tôi còn thực hiện phẫu thuật trực tuyến với bác sĩ tuyến trên”.

Y sĩ
Sau hơn 2 năm thực hiện, bệnh viện các tuyến trong tỉnh đã nhận chuyển giao hơn 70 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng với trên 300 lượt cán bộ các tuyến tham gia chuyển giao và học tập; hơn 27 ngàn bệnh nhân ở bệnh viện các tuyến trong tỉnh được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp khám và gần 25 ngàn bệnh nhân được điều trị, hơn 120 ca bệnh phức tạp được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp phẫu thuật.

“Hiện nay, Đề án 1816 vẫn tiếp tục được triển khai.  Sự chuyển giao này đã nâng tầm năng lực cho tuyến dưới rất nhiều. Qua đó, lấp dần khoảng cách việc ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân. Không chỉ thế, đây còn là một đề án rất nhân văn, bởi thông qua đề án, hàng chục ngàn người dân trong tỉnh được hưởng lợi. Đây cũng là cơ hội rèn luyện năng lực chuyên môn cho chính đội ngũ thầy thuốc ở cả tuyến chuyển giao lẫn tuyến tiếp nhận”, bác sĩ - Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn nói.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều