Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhung nhớ "thành phố dế"

10:02, 04/02/2010

Du khách đến Campuchia thường chọn Phnom Penh náo nhiệt, có nhiều điểm ăn chơi “xả láng” hay Siem Reap hào hoa, ít ai chọn Kompong Thom làm nơi thăm thú vì bản thân thành phố này không có gì nổi bật. Vậy mà nó cũng có những cái rất riêng, bởi nơi đây được mệnh danh là thành phố dế.

Du khách đến Campuchia thường chọn Phnom Penh náo nhiệt, có nhiều điểm ăn chơi “xả láng” hay Siem Reap hào hoa, ít ai chọn Kompong Thom làm nơi thăm thú vì bản thân thành phố này không có gì nổi bật. Vậy mà nó cũng có những cái rất riêng, bởi nơi đây được mệnh danh là thành phố dế.

 

Nữ du khách phương Tây thưởng thức rất ngon lành món ăn Campuchia.

Kompong Thom nằm giữa Phnom Penh và Siem Reap - thành phố du lịch nổi tiếng của Campuchia với những quần thể phế tích nổi tiếng là Angkor Thom và Angkor Watt, nơi mà du khách nước ngoài muốn tận tay sờ lên những nét chạm khắc trên đá tinh xảo cách đây cả ngàn năm, phải “bấm bụng” bỏ ra 20 USD. Kompong Thom còn được biết nhiều bởi là nơi sinh của Pol Pot và là địa điểm Khmer Đỏ thực hiện “dự án thủy lợi” lớn nhất, cưỡng bức người dân lao động như nô lệ khi chúng nắm quyền từ 1975 đến 1979. Bao người dân đã bị giết, bị bỏ đói, hoặc làm việc đến chết. Ngày nay, khoảng 20.000 sọ người được phát hiện đang để tại một ngôi chùa địa phương.

 

Từ Phnom Penh đi Siem Reap dài 315km bằng QL số 6. Ở Campuchia, hệ thống giao thông khá đơn giản với những quốc lộ được đánh số, đường đẹp và lớn dễ đi. Đường số 6 qua Kompong Thom có ngã ba rẽ lên phía Bắc là tỉnh Preah Vihear, nơi có ngôi đền cùng tên Thái Lan nổi tiếng nằm sát biên giới Thái Lan, vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới tròn 1 năm. Ngôi đền lịch sử này bao nhiêu năm qua là nơi tranh chấp giữa 2 nước Thái Lan và Campuchia và đến giờ vẫn chưa ngã ngũ.

 

Nụ cười của cô gái bán cà ri gà ở “thành phố dế”.

Giữa trung tâm tỉnh lỵ Kompong Thom có một ngôi chợ tỉnh khá lớn nằm ở trung tâm tỉnh lỵ. Chợ ở Kompong Thom không lớn, cũng cũ kỹ, bụi bặm và có cách sắp xếp quầy hàng, sạp giống như các ngôi chợ tỉnh lẻ của Việt Nam, với những hành lang tối chia chợ thành từng ô nhỏ bán áo quần, thực phẩm... Những món ăn từ dế và côn trùng ở quanh khu này thì nhiều vô kể. Từ căn chòi rách bên đường của Campuchia đến những khu chợ đặc nghẹt khách du lịch của Thái Lan, món ăn từ dế và các loại côn trùng được thực khách thưởng thức rất nhiệt tình. Không chỉ như một món ăn lạ miệng mà còn là một cách để gần gũi hơn với nền văn hóa nước bạn.

 

Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Dọc hai bên đường là những cánh đồng lúa mênh mông. Kam Souk, anh hướng dẫn viên tự do người Campuchia gốc Việt nói, người dân Kompong Thom cũng như dân nhiều vùng khác, mỗi năm chỉ làm một mùa lúa. Tới mùa gieo trồng, ra đồng sạ lúa xong rồi về, không có thói quen chăm sóc, phun thuốc diệt cỏ hay bón phân như cách làm của người Việt. Khi lúa chín thì ra đồng thu hoạch, trời cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Hàng năm mùa nước lên sẽ bồi đắp thêm phù sa sông Mê Kông cho đất thêm màu mỡ. Có lẽ chính cách trồng trọt thuận theo tự nhiên, không sử dụng chất hóa học nên gạo ở Kompong Thom và nhiều vùng khác thơm ngon đặc biệt. Cánh đồng vì thế cũng là nơi sinh sống của dế, điên điển, bọ cứng, cánh cam... Các loại côn trùng này trở thành đặc sản của người dân, thành nghề tay trái tăng thu nhập cho rất nhiều gia đình nông thôn.

 

Chợ Kampong Thom - ngôi chợ lớn nhất của tỉnh lẻ thuần nông này.

“Người dân Kompong Thom săn dế quanh năm, song rộ nhất là vào khoảng tháng 5, tháng 6, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu thấm đất. Người dân ngày làm ruộng, tối lại đi giăng bẫy bắt dế bán lại cho thương lái. Có đêm Kompong Thom cung cấp 5 - 6 tấn dế, sang cả Thái Lan” - Kam Souk nói.

 

Cách bắt dế của người dân Kampong Thom cũng đơn giản. Trên các cánh đồng, người ta chỉ việc dựng một khung lót ny-lông chứa đầy nước bên dưới, một tấm ny-lông trắng căng trên cùng một ngọn đèn. Ban đêm bật đèn sáng, dế cứ thế bay tới đụng tấm ny-lông rớt xuống nước, chỉ việc ra vớt về. Dế ở Kompong Thom có 2 loại chính: dế cơm và dế đá. Dế đá nhỏ hơn, cứng và giòn, trong khi dế cơm nhiều thịt, con to và có vị bùi bùi. Ngoài dế, các loại côn trùng khác như: cánh cam, điên điển, nhện... cũng được người dân “săn” về, chế biến và trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Dế sau khi bắt về được sơ chế bằng cách bỏ cánh, bỏ râu, rửa sạch, ướp gia vị rồi chiên giòn. Dế cơm có khi còn được đút vào bụng một hạt đậu phộng rồi mới chiên. Các loại côn trùng khác cũng làm tương tự. Chỉ giản dị thế thôi, nhưng chúng nhanh chóng trở thành món đặc sản mà khách phương xa khi có dịp ghé Kompong Thom phải ăn thử cho bằng được.

 

Gần chợ Kompong Thom có cô gái bán dế và điên điển chiên giòn trên một chiếc xe lưu động với giá dành cho khách du lịch là 2USD/lon dế và 1 USD/lon điên điển. Kam Souk “bỏ nhỏ”: “Thật ra, dế đá bình thường chỉ có giá 2.000 riel (khoảng 0,5 USD/lon, còn dế cơm thì 200 riel/con thôi! Còn điên điển chỉ khoảng 0,25 USD/lon”. Biết mua bị “hớ” nhưng không ai trong nhóm chúng tôi lấy làm buồn vì giữa một buổi chiều nắng quá đẹp ở Kompong Thom với lon dế đầy tận ngọn, nhắm với món rượu địa phương cay nồng, thấy dẫu sao vài USD mua “hớ” đó cũng được bù lại bằng nụ cười tươi rói của cô bán hàng bản địa có nước da nâu giòn duyên dáng.

 

Dế và côn trùng các loại bày bán rất nhiều ở Kampong Thom - nơi được mệnh danh là “thành phố dế”.

Ở Kompong Thom, nếu bạn có thời gian nhẩn nha, còn có thể thử thêm món gà nướng, bán trong các nhà hàng ven đường với cách ướp gia vị và nướng rất đặc biệt, gà vẫn giữ được làn da nâu giòn, thịt thơm, ăn với món dưa cải muối Kompong Thom chua chua, hăng hăng rất hợp. Hoặc có thể ghé chợ Kompong Thom dùng thử món cà ri gà lạ miệng được nấu với sả, nước dừa, rau húng quế, ăn với bắp chuối xắt và những cành bông súng tươi rói như mới từ đầm nước hái lên. Tôi thấy khá nhiều du khách Tây ba lô ngồi xì xụp với tô cà ri trong buổi chiều muộn bên chợ Kompong Thom, cũng được bán bởi một cô gái Campuchia da bánh mật, hàm răng trắng bóng và nụ cười rất tươi duyên.

Kim Ngân

 

 

 

 

Tin xem nhiều