Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm Dần, kể chuyện Cọp: Cọp phân thây

10:02, 04/02/2010

Cha tôi sinh năm 1886, tuổi Thân, đến nay - 2010, nếu còn sống tròn 124 tuổi.

Cha tôi sinh năm 1886, tuổi Thân, đến nay - 2010, nếu còn sống tròn 124 tuổi.

 

Năm 1902, ông đánh xe bò chở bà nội tôi đi chợ Tết ở Bến Thế, xã Tân An, bây giờ thuộc thị xã Thủ Dầu Một. Trên xe, có bốn bao tiền, toàn đồng nam và đồng điếu. Tiền hồi đó tính ra: 10 đồng nam vô một đồng điếu, 10 đồng điếu là một xu, mười xu là một cắc (hào), 10 cắc là một đồng, đơn vị tiền lớn nhứt.

 

Đến cầu Suối Cạn (sát khu du lịch Đại Nam bây giờ) thì bị một toán ba tên cướp đón đánh. Đến ngã tư Đội Nhờ, nay gọi là ngã tư Cây Me, bọn cướp bỏ đi vì không đánh được cha tôi trong tay chỉ có đôi tó bò.

 

Sau trận này, ông nội tôi cho cha tôi đi Tân Khánh Bà Trà học võ với thầy Năm Quy và thầy Tám Di để có chút nghề tự vệ.

 

Hai anh em thầy Năm Quy, Tám Di đều là học trò của ông Đước, vị Tổ sư gốc Bình Định vào định cư ở Tân Khánh không biết từ lúc nào.

 

Chuyện từ thầy Năm Quy kể lại cho cha tôi nghe, gọi là để răn mình.

 

***

Trong làng có hai anh em ông Giáp và ông Ất đến xin học võ với ông Đước. Ông coi tướng rồi chỉ ông Giáp, nói: “Thằng này không học võ được. Học chỉ có hại thân nó thôi”. Và, ông chỉ bằng lòng dạy cho ông Ất.

 

Không được thu nhận, ông Giáp mặt buồn hiu, lẳng lặng ra về. Xong buổi học, ông Ất về tới đầu ngõ thì ông Giáp đón lại bắt phải truyền nghề cho mình. Ông Giáp là anh, tính khí hung hăng, sức khỏe gấp mười lần nên ông Ất đâu dám giấu nghề. Học được bao nhiêu, ông Ất truyền hết lại cho anh, từ đường thảo, phân thế, đấu dượt v.v... Nhờ đấu tập đối kháng với ông Giáp, ông Ất tiến bộ rất nhanh, được thầy Đước khen ngợi và xếp vào loại học trò giỏi. Qua ba năm học, ông thông thạo cả hai môn công quyền, luôn giành phần thắng trong các cuộc đấu tập với các bạn học, trong đó có người đã học trước ông.

 

Mãn khóa, trước khi chia tay, ông Đước căn dặn học trò: Học võ là để tự vệ chớ không phải để đánh người. Càng giỏi càng phải khiêm cung. Cổ nhân có câu “Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”. Nếu ỷ tài sẽ có ngày mang họa vào thân, các trò phải liệu lấy mà xử thế.

 

Sau ba năm học lóm như thế, ông Giáp thành công ngoài sức tưởng tượng. Thành tích đầu tiên là dịp đi chơi nhà bạn ở làng bên, ông đánh bị thương một con cọp vào xóm bắt heo của người dân làm nó bỏ mồi chạy thục mạng. Sau đó, ông đi đâu biệt tăm cả năm trời.

 

***

Một hôm, ông Ất đang ngồi ăn cơm trưa thì ông Giáp thình lình bước vào, tay xách một cây roi bằng sắt dài chừng hai thước dựng ở vách rồi đứng ngó mâm cơm. Ông Ất chào hỏi rồi lật đật đi lấy thêm chén đũa. Ông khoát tay bảo: Đừng, tao ăn cơm rồi. Mầy ăn cực vầy sao. Mầy coi tao thế nào?

 

- Đen hơn, gân guốc hơn, khỏe hơn. Mà lâu nay, anh đi đâu?

 

- Đi đây đi đó, học hỏi thêm bạn bè, dạy võ để kiếm tiền độ nhựt và tìm con đường làm giàu. Đây, cho mầy một đồng bạc đi mua gà và rượu tối nay hai anh em mình tâm sự.

 

- Trời đất, tiền ở đâu mà dữ vậy.

 

- Tiền trong túi tao chớ ở đâu.

 

- Còn dư, anh cho tui hai cắc rưỡi đóng thuế thân nghen.

 

- Cho mầy hết, mà không đóng thuế thân. Đứa nào bắt đóng, đánh thấy mẹ nó cho tao.

 

Tối đó, hai anh em vừa uống rượu vừa bàn chuyện làm ăn.

 

***

Sáng ra, ông Giáp chỉ hai con trâu bảo ông Ất dắt lên Vĩnh Lợi bán được bốn đồng rồi đi luôn. Băng qua Thợ Ụt, Hòa Lợi, Thới Hòa đến sông Thị Tính, hai anh em dừng lại “trạm 1” ăn cơm. Nói trạm chớ chỉ là một cái chòi cất ở bờ sông, có “bạn” của ông Giáp giữ. Nghỉ một chút, hai anh em lên đường đến Kiến An, Cà Tong, Hàng Nù, Bưng Bàng, toàn đường mòn, hai bên là rừng, thỉnh thoảng mới có một vài nhà tranh xơ xác. Trạm 2, nghỉ đêm lại đó với hai người “bạn”. Sáng ra, qua núi Cậu, sông Sài Gòn, đến Bàu Cỏ rồi Cần Đăng, cuối cùng đến trạm 3 nằm trên bờ ngọn Vàm Cỏ Đông, trạm cuối cùng. Nghỉ một ngày. Đến tối, ông Giáp dắt ông Ất qua sông vượt biên giới vào đất Cao Miên (tiếng xưa chỉ Campuchia). Qua một đồng ruộng là đến nhà Mẹ Sóc. Như người quen thuộc, ông Giáp bước lại chuồng trâu, tháo róng rồi lùa bầy trâu cả lớn nhỏ 30 con ra về. Ông Ất kêu trời, thầm nghĩ: Vầy là ăn cướp chớ mua trâu, mua gì mà không có chủ, không trả tiền. Té ra ảnh gạt mình.

 

Đến bờ sông, người “bạn” chờ sẵn, phụ long trâu rồi nhận hai đồng bạc của ông Giáp. Vừa đến Sóc Thiết thì trăng lên. Ông Giáp kêu ông Ất đoạn hậu, ông dẫn đầu. Vừa đi được mấy chục thước thì nghe tiếng gầm, rồi một con cọp phóng ra phủ lên đầu ông Giáp. Nhanh như chớp, ông hụp xuống, múa cây roi đồng đánh vụt lên trúng ngực con cọp. Đau quá, con cọp rống lên một tiếng rồi vọt vô rừng chạy mất. Hoảng loạn một chút, bầy trâu lại tiếp tục đi. Từ đó, đoàn bình yên về Vĩnh Lợi, còn 28 con vì ông Giáp cho “bạn” ở hai trạm 2 con, bán được 56 đồng, số tiền mà ông Ất nằm mơ cũng không thấy.

 

Chuyến thứ nhì, thứ ba đều trót lọt. Ông Giáp lại đánh chết một con cọp, đánh gãy giò một con.

 

Chuyến thứ tư, vừa lùa trâu ở chuồng Mẹ Sóc ra một quãng thì nghe tiếng la ó. Hơn 30 trai tráng do Mẹ Sóc điều động cầm xà-gạc rượt theo. Ông Giáp đoạn hậu, múa cây roi đồng vụt một cái, bốn, năm cây xà-gạc bay lên trời, đám trai sóc ngã lăn chiêng. Tuy vậy, họ không bỏ, cứ lẻo đẻo theo sau chớ không dám xáp lại gần như trước. Qua khỏi Sóc Thiết, đến một cái trảng nhỏ, một con cọp nhảy ra chận đường ông Giáp, một con nữa nhảy ra sau lưng. Ông cười: “Bây muốn chết”. Ông múa cây roi đồng nhứ phía trước, thình lình đánh vụt ra phía sau trúng hông con cọp thứ nhì. Nó rống lên rồi vọt vào rừng. Con thứ nhứt cũng phóng theo con kia. Qua khỏi Cần Đăng, đến một cái trảng khác, ông Giáp kêu ông Ất bảo lùa trâu đi trước cho xa, để ông đoạn hậu. Vừa xong thì hai con cọp nhảy ra một lúc ở trước mặt, hai con khác nhảy ra phía sau lưng. Thấy vậy, ông Ất quay trở lại giúp anh, ông Giáp trừng mắt nạt em: “Mầy về đi và thôi, đừng đi nữa, đây là chuyến chót, đi cho nhanh, tao đủ sức cầm cự để mầy thoát khỏi vùng này”. Ông Ất còn dùng dằng không nỡ bỏ anh. Ông Giáp lại quát: “Đi cho mau, đừng lo cho tao”. Ông Ất đành lủi thủi đánh trâu chạy vừa ngoáy lại nhìn thì thấy hai bên vẫn còn gườm nhau lừa thế...

 

Về đến trạm Bưng Bàng, ông Ất nhờ “bạn” mượn một khẩu súng hai lòng, cùng nhau quay lại. Đến nơi, ông Ất chỉ còn thấy bãi đất tan hoang, cỏ lông heo xơ xác dưới dấu chân cọp. Cạnh bìa rừng, xác ông Giáp bị cọp phân thây ra từng mảnh nhỏ chớ không ăn.

 

Xa xa, văng vẳng tiếng cọp gừ gừ đau đớn...

***

Những đêm trăng tỏ, ông già Ất đến nhà thầy Năm Quy chơi. Bên chén trà, ông chậm rãi kể lại câu chuyện trên rồi kết thúc: “Thầy (ông Đước) dạy rất đúng. Học võ là để tự vệ, phải khiêm cung, nếu không thì chỉ thiệt thân”.

 

- Còn bầy trâu, thầy Năm Quy hỏi.

 

- Tôi cho ông “bạn” 4 con, còn lại bán được tám chục đồng, mua một mẫu ruộng, cất lại nhà, dựng cái am thờ anh Hai tôi và tu hành, sám hối...

 

Cha tôi nghe thầy Năm Quy kể chuyện ông Giáp lúc đang học võ với ông và cũng những đêm trăng sáng, kể lại cho chúng tôi nghe để răn mình.

 

Ngày 20-1-2010

 

(6-12 năm Kỷ Sửu)

Lê Thiện

Tin xem nhiều