Mượn “e” bài “Hổ nhớ rừng”
của nhà thơ Thế Lữ. Xin... thứ lỗi!
* Mượn “e” bài “Hổ nhớ rừng”
của nhà thơ Thế Lữ. Xin... thứ lỗi!
Gặm một khối... hằm bà lằng xắng cấu
Ta trân mình trong nồi nấu cô cao
Kìa lũ người kia hì hục khuấy khua nhầu
Giương mắt bé... canh me và nghiêng ngó.
Bởi sa cơ nên ta đành xếp vó
Chịu ngang hàng cùng... xương khỉ, xương trâu
Trộn trạo xà bần chẳng phân biệt vàng thau
Để chế món, người đời kêu... “thần dược”(!?).
Ta “đau” lắm, vì bị đem lừa lọc
Ta nhớ nhiều, những lúc trốn nhủi chui
Bên cánh rừng bị đốn trụi trùi trui
Bên núi đá bị nổ mìn lổn nhổn.
Nơi hang tối in dấu chân người săn trộm
Động vật rừng hoang dã đều im hơi
Trước đây ta chúa tể muôn loài
Mà nay chịu “bó tay chấm com”, thiệt... tủi.
Ta nhớ mãi một đêm bên bờ suối
Nước cạn queo nên khát đến trơ môi
Một tiếng “đoành”, đời ta... lọt vô nồi
Xương cốt hổ hòa cùng... xương cốt cẩu!
Ta kinh hãi trước những gã người lấc láo
Bày lắm trò gian giảo để “mần ăn”
Dám ra chiêu “cải chó thành hùm”
Bằng thủ thuật nhuộm lông, uốn xương, tạo dáng...
Xương tạp nham đem mài, khoan, cạo, gắn
Mông má “lên đời” cho giống “chúa sơn lâm”
Lập đường dây, dựng “kịch bản”... hoang đường
Gạt các “đại gia” thừa tiền nhưng... yếu gối.
Ta chán lắm những cảnh đời giả dối
Lu loa, gạ gẫm, dẫn dắt, mồi chài
Rừng hết thiêng, còn ta cũng... dở hơi
Cao hổ cốt trở thành... “cao hổ lốn”!
Nào đâu thuở giữa đại ngàn sâu thẳm
Ta gầm lên... run rẩy cả trăng vàng
Lượn tấm thân uy dõng, hiên ngang:
“Anh hùng tử nhưng khí hùng nào tử”.
Dẫu có thác cũng nguyện thành... cao hổ
Thành bài thuốc chân phương tinh túy giúp đời
Vẫn oai linh chớ nào phải... hết thời
Dù Sách Đỏ đã hài ghi tên tuổi.
Ôi! Ta “ghiền” lắm một môi trường sinh thái
Ta và người mãi mãi bạn cùng nhau
Hỡi Con Người yêu dấu của ta,... mau!
Trương Ngọc