Nếu bây giờ cần một dàn nhạc kèn có quy mô 1.500 nhạc công để biểu diễn trên một sân vận động lớn, thì ở Việt Nam, trừ quân đội với những dàn quân nhạc chuyên nghiệp, chỉ có Đồng Nai là địa phương duy nhất trong số các tỉnh thành cả nước có thể huy động được “biên chế” cỡ này...
Nhưng, nhạc công của các đoàn quân nhạc đều do Nhà nước, quân đội đào tạo chính quy và ăn lương như những chiến sĩ, còn nhạc công ở Đồng Nai đa phần là những nông dân, công nhân, người lao động xuất phát từ niềm say mê âm nhạc đã tự trang bị nhạc cụ và học nhạc để làm nghệ thuật “tay trái”...
* Nét độc đáo trong đời sống văn hóa
Năm 1989, lần đầu tiên ở Đồng Nai, một liên hoan đồng ca hợp xướng đã đưa lên sàn diễn hàng ngàn diễn viên không chuyên (chỉ ở khu vực Biên Hòa) mà theo đánh giá của giới chuyên môn, trình độ biểu diễn loại hình âm nhạc bác học này của họ không quá chênh với giới chuyên nghiệp. Đây là một hoạt động xuất phát từ sáng kiến của nhạc sĩ Trần Viết Bính, lúc bấy giờ là giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin tỉnh và là một nỗ lực của đồng chí Lâm Hiếu Trung, lúc bấy giờ là giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh.
Cũng từ nỗ lực của ngành văn hóa cách nay gần 20 năm, một số liên hoan nhạc kèn đã được tổ chức tại Đồng Nai, dàn nhạc kèn của giáo xứ Ngọc Đồng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã được chọn đại diện Đồng Nai tham gia liên hoan nhạc kèn chuyên nghiệp toàn quốc và giành được giải đặc biệt.
Nhiều năm qua, các đội nhạc kèn ở Đồng Nai bên cạnh phục vụ các ngày lễ lớn của tôn giáo, cũng còn tham gia phục vụ cho địa phương trong các sự kiện quan trọng như ngày bầu cử, lễ giao quân, lễ đón nhận các giải thưởng, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ của địa phương và giúp đỡ bà con nhân dân trong các dịp tang ma, cưới xin... Nhiều nhạc công các đội kèn trong tỉnh đã trở thành các hạt nhân văn nghệ quần chúng cũng như nhạc công chuyên nghiệp ở Đồng Nai trong hơn 30 năm qua.
Anh Lâm Quang Đăng, sinh 1960, học thổi kèn từ năm 11 tuổi, đến nay chơi được cả clarinet lẫn saxo cho đội kèn giáo xứ Dốc Mơ (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) cho biết: “Nhạc kèn là nghệ thuật tập thể nên từng cá nhân phải tập luyện thường xuyên và cả đội phải luôn tập với nhau dưới sự chỉ đạo của một người giỏi chuyên môn rất vất vả”.
Có thể nói, đối với hầu hết các nhạc công không chuyên ở Đồng Nai, nhạc kèn là niềm vui, niềm yêu thích và cả sự hy sinh!
Hy sinh đầu tiên là bỏ tiền sắm kèn (tất nhiên, cũng có một số nơi, nhạc cụ kèn là tài sản chung của giáo xứ hoặc do giáo dân đang ở nước ngoài gửi tặng). Hy sinh lớn nhất của các nhạc công là mất nhiều thời gian tập dợt trong điều kiện thiếu thốn và phục vụ không có thù lao. Họ giống như những nghệ nhân dân gian (dù biểu diễn loại hình âm nhạc bác học), những nghệ nhân chỉ hưởng “thù lao” là tiếng vỗ tay, là niềm yêu quý của bà con trong thôn xóm, họ đạo.
Và có lẽ đó cũng là lý do hiện nay, nhiều bạn trẻ không thích đến với nhạc kèn theo niềm yêu thích của các thế hệ cha anh mình!
* Nguy cơ mai một
Tuổi đời bình quân của các đội nhạc kèn ở Đồng Nai hiện nay là 45. Cá biệt, có nhiều đội kèn như ban kèn xứ Gia Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) cả 30 thành viên đều có tuổi từ 50 trở lên! Anh Bùi Đức Thân, đội trưởng đội kèn Gia Yên giải thích thêm: “Kèn là nhạc cụ đơn âm, trong khi ngày nay có quá nhiều nhạc cụ điện tử hiện đại (như keyboard) dễ học nên đa số thanh niên không hào hứng học kèn. Với lại, họ thấy vào đội kèn thì không có quyền lợi gì mà mất quá nhiều thời gian tập dợt, phục vụ”.
Một buổi tập kèn của đội kèn Phúc Nhạc. |
Anh Bùi Thế Thông, một nhạc sĩ hiện sinh sống ở vùng Kiệm Tân, cũng nhận định: “Chất lượng chuyên môn ở nhiều đội kèn hiện nay khó nâng lên được vì anh em vẫn tập với bài bản cũ, những người có học hành tử tế về âm nhạc trước đây để chỉ đạo các đội kèn đã lần lượt qua đời, các bạn trẻ thì không muốn theo nhạc kèn. Giờ họ có quá nhiều thứ để chơi. Học saxo ở Sài Gòn may ra có thể biểu diễn sân khấu chứ ở vùng này thì làm gì kiếm ra tiền? Nhưng thực ra đây không phải là lý do chính vì đa phần anh em tham gia hội kèn mấy chục năm nay đều mang tinh thần phục vụ giáo hội (hoạt động tôn giáo - TS)”.
Khó có thể lý giải hết những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một do không có kế thừa của đời sống nhạc kèn ở Đồng Nai. Anh Bùi Đức Thân nói thêm: “Thời chúng tôi còn trẻ thì ngành văn hóa có tổ chức các liên hoan kèn cũng sôi nổi. Phong trào lúc đó lên lắm nhờ các địa phương cạnh tranh nhau. Nhưng cách tổ chức còn máy móc, ví dụ như quy định số bài nhạc tham gia thi quá hạn chế, và điều đáng nói nhất là giải thưởng... không đủ tiền cho anh em uống nước trong một buổi tập nên sau này khi tổ chức tiếp thì anh em không muốn tham gia nữa. Có thể nói, anh em nhạc kèn ở Đồng Nai chưa thực sự có một “sân chơi” để cọ xát, giao lưu và phục vụ...”
* * *
Nhiều năm qua, nhạc kèn đã có những đóng góp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Đồng Nai. Sinh hoạt âm nhạc cũng như đội ngũ những người chơi kèn không chuyên ở Đồng Nai là những tài sản văn hóa đặc biệt cần được gìn giữ và phát huy. Những cái nhìn quá thận trọng lâu nay vô tình tạo nên những rào cản đã và đang làm mai một trữ lượng tài sản này cùng với xu hướng hưởng thụ nhanh, gọn nhẹ và vừa túi tiền của đời sống hiện đại.
Đội kèn Phúc Nhạc. |
Nhạc kèn đối với nhiều nơi trên thế giới là món hàng sang trọng, nhưng ở Đồng Nai, nó có sức sống mãnh liệt trong đời sống bình dân. Điểm độc đáo ấy xem ra sẽ bị đánh mất trong một thời gian không xa nữa nếu hôm nay những giá trị ấy chưa được đặt đúng chỗ...
Cả tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 50 đội nhạc kèn từ các xứ đạo Công giáo tập trung ở các khu vực Kiệm Tân (huyện Thống Nhất), Hố Nai, Tân Mai, Tam Hiệp (TP. Biên Hòa). Mỗi đội kèn có số lượng, quy mô nhạc công khác nhau. Đội ít nhất khoảng 20 người. Những đội nhạc kèn lớn ở các giáo xứ như Dốc Mơ, Đức Long, Tân Mai, Ngọc Đồng... có trên 70 nhạc công. Nếu lấy bình quân mỗi đội là 30 nhạc công và mỗi nhạc công có một cây kèn trị giá 3 triệu đồng, thì tổng giá trị tài sản các nhạc cụ này ở Đồng Nai đã là 4,5 tỷ đồng! |
Phan Văn Tú