Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững

05:01, 21/01/2009

“Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, phát huy cao nội lực, tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp với cam kết hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới”. Đó là mục tiêu mà Tỉnh ủy đề ra trong việc thực hiện Nghị quyết 26 của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông).

“Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, phát huy cao nội lực, tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp với cam kết hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới”. Đó là mục tiêu mà Tỉnh ủy đề ra trong việc thực hiện Nghị quyết 26 của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông).

 

* Tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn

 

Cái được lớn nhất trong năm 2008 trên lĩnh vực nông nghiệp là giá trị sản xuất đạt trên 7 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm qua, dù bị tác động của lạm phát và diễn biến bất lợi của thời tiết nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được kết quả cao là nhờ có sự chủ động trong quản lý, điều hành của chính quyền và sự năng động, sáng tạo của người dân.

 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương (thứ hai từ phải qua) thăm vùng trồng bắp năng suất cao của huyện Xuân Lộc.

Nông nghiệp, nông thôn được chú trọng nhiều hơn đến áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học có hiệu quả trong sử dụng giống mới và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Năng suất cây trồng chủ lực hầu hết tăng, chất lượng vùng chuyên canh được nâng lên. Chăn nuôi mở rộng theo hướng công nghiệp. Chất lượng các dịch vụ nông nghiệp được nâng lên, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

 

Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn có bước phát triển, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn các huyện được đẩy nhanh tiến độ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại và hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia.

 

* “Tam nông” trong thời kỳ mới

 

Tỉnh ủy Đồng Nai xác định mục đích phát triển “tam nông” là: “Sản xuất hàng hóa đa dạng và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống; tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển. Xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng hiện đại; nền nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn. Mục tiêu đạt đến là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn”.

 

Nông dân Đồng Nai thành công với sản xuất rau sạch.

Nông dân vẫn chưa thể thoát khỏi nghèo khi mà đất đai còn manh mún, nhỏ lẻ. Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một và một số Bí thư các Huyện ủy rất đồng lòng: “Phải dồn điền đổi thửa”. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Đoàn Thạnh thì đề xuất: “Tỉnh và các địa phương cần quy hoạch cụ thể hơn các loại cây, con chủ lực theo từng vùng, thậm chí đến từng xã để không còn tình trạng người dân phải chặt - trồng - trồng - chặt”. Hiện nay, Đồng Nai còn đến 60% người dân sinh sống ở vùng nông thôn và 50% lao động nông nghiệp. Điều đó cho thấy, vấn đề “tam nông” cần được quan tâm nhiều hơn. Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu còn cho biết, năm 2009 tỉnh sẽ dành khoảng 80% vốn đầu tư phát triển để xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhưng Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương vẫn chưa hài lòng: “Ngoài vốn ngân sách, chúng ta phải đa dạng hóa các loại hình đầu tư với quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu đến năm 2010: 100% xã có trung tâm văn hóa - thể thao, điểm bưu điện, lưới điện quốc gia đến các khu dân cư theo quy hoạch; tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%, nước sạch 90%; có 70% đường xã quản lý được bê tông nhựa hóa, 100% ấp có điểm sinh hoạt văn hóa”. Những chỉ tiêu này đã có một số ý kiến bàn ra, vì sợ không làm nổi. Đồng chí Trần Đình Thành không đồng tình việc “bàn lùi”: “Đó là những chỉ tiêu vì dân, vì sự phát triển của nông thôn, Đảng bộ tỉnh phải hạ quyết tâm thực hiện với kết quả đạt được cao nhất”.

 

Bàn về giúp dân thoát nghèo gắn với “tam nông”, Bí thư Thị ủy Long Khánh Lê Thị Như Lan cho rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay nông dân Đồng Nai vẫn giữ lối sản xuất gia đình, theo kinh nghiệm truyền thống thì sẽ còn thua thiệt. Do đó, Đảng bộ các cấp phải có chỉ đạo quyết liệt, chính quyền phải “đồng hành” cùng nông dân thông qua hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và tìm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới thì đưa ra giải pháp “cần làm ngay” để giúp dân thoát nghèo là xây dựng thương hiệu cho nông nghiệp Đồng Nai để cây bưởi Tân Triều, đặc sản trái cây Long Thành, Long Khánh, cây nấm Long Khánh, Trảng Bom... vươn ra khỏi tỉnh, hòa nhập vào thị trường thế giới. Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phạm Văn Sáng tin rằng, một trong những dự án quan trọng khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu là Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, dự kiến được xây dựng trên quy mô 200 hécta tại huyện Cẩm Mỹ. Ngoài ra, Đồng Nai còn đang triển khai hai dự án được coi vì nông dân, vì sự phát triển nông thôn, nông nghiệp Đồng Nai là Khu công nông nghiệp Donataba và Khu công nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao Donafoods.

 

* Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

 

Tỉnh Đồng Nai chủ trương hiện đại hóa ngành trồng trọt, chăn nuôi gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh công tác khuyến nông. Chính quyền hỗ trợ nông dân thâm canh chuyển đổi cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi để tạo ra nông phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, chất lượng phục vụ nguyên liệu cho chế biến trong nước và xuất khẩu. Chú trọng đầu tư, hiện đại hóa để đẩy mạnh chế biến nông sản dạng tinh; xây dựng mô hình kinh tế hợp tác và hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật cũng như tạo môi trường thuận lợi về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, thị trường.

 

Cơ giới hóa nông nghiệp.

Đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Đây được coi là là điều kiện tiên quyết thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống thủy lợi theo quy hoạch, phù hợp từng vùng theo hướng đa mục tiêu. Trong đầu tư cũng được xác định chú trọng nhiều đến các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo nghề, hệ thống điện, bưu chính - viễn thông, thiết chế văn hóa - thể thao, chợ, trung tâm thương mại.

 

Thực hiện thí điểm Nhà nước hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho nông dân khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi, bảo hiểm thiên tai mùa màng; hình thành quỹ rủi ro thiên tai nhằm huy động các nguồn lực xã hội để góp phần ổn định sản xuất, hỗ trợ khó khăn về đời sống cho nông dân.

H.M                        

 

 

 

Tin xem nhiều