Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn học - nghệ thuật Đồng Nai:
Một năm nhìn lại...

10:01, 17/01/2009

Điểm nhấn của Văn học - nghệ thuật Đồng Nai trong năm qua có lẽ là Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 2. Đúng ra thì giải phải được trao từ năm 2006, bởi vì thời hạn của giải là 2000-2005. Thế mà đến tận ngày 22-12 mới chính thức công bố và tổ chức được lễ trao giải. Trễ mất tới 2 năm. Có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ này, nhưng cuối cùng giải thưởng cũng đã tới tay mọi người một cách trang trọng. Có mặt gần như đầy đủ văn nghệ sĩ có tên tuổi của Đồng Nai được trao giải. Giải đặc biệt được truy tặng nhà văn Hoàng Văn Bổn với tiểu thuyết Nhớ người xưa. Khi tập hợp tác phẩm để chấm giải thì nhà văn Hoàng Văn Bổn còn sống. Bệnh tật đã cướp ông đi cũng như không để cho ông kịp nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.

Điểm nhấn của Văn học - nghệ thuật Đồng Nai trong năm qua có lẽ là Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 2. Đúng ra thì giải phải được trao từ năm 2006, bởi vì thời hạn của giải là 2000-2005. Thế mà đến tận ngày 22-12 mới chính thức công bố và tổ chức được lễ trao giải. Trễ mất tới 2 năm. Có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ này, nhưng cuối cùng giải thưởng cũng đã tới tay mọi người một cách trang trọng. Có mặt gần như đầy đủ văn nghệ sĩ có tên tuổi của Đồng Nai được trao giải. Giải đặc biệt được truy tặng nhà văn Hoàng Văn Bổn với tiểu thuyết Nhớ người xưa. Khi tập hợp tác phẩm để chấm giải thì nhà văn Hoàng Văn Bổn còn sống. Bệnh tật đã cướp ông đi cũng như không để cho ông kịp nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.

Giải A được trao cho: Khôi Vũ, Lưu Thuận Thời, Trần Viết Bính, NSƯT Giang Mạnh Hà, NSƯT Đồng Thị Quế Anh (diễn viên) và cố biên đạo múa Sơn Viện (truy tặng). Giải B trao cho: Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Nguyên Hùng (truy tặng), Trần Hữu Cường, Huỳnh Tới - Phan Đình Dũng, Nguyễn Văn Thông - Yên Tri, Nguyễn Khánh Hòa, Nguyễn Nam Ngữ, Đoàn Minh Ngọc, Vũ Đại Phong. Giải C: Trần Ngọc Tuấn, Thu Trân, Lâm Cón, Lê Đăng Kháng, Hoàng Đình Nguyễn, Cao Hồng Sơn, Bùi Quang Huy, Trịnh Thế Hùng (truy tặng). Và 14 giải khuyến khích.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Nga trao giải Trịnh Hoài Đức lần thứ 2 cho các văn nghệ sĩ.

Cũng trong dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao giải thưởng cuộc thi sáng tác Văn học - nghệ thuật chào mừng 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Đây là hoạt động trọng tâm của Hội Văn nghệ Đồng Nai trong năm nay. Cuộc thi đã được hưởng ứng khá tích cực của đông đảo hội viên và các cây bút không chuyên trong và ngoài tỉnh với 127 tác giả và 693 tác phẩm tham dự. 36 tác giả đã đạt giải và 3 tác giả có tác phẩm hưởng ứng đạt chất lượng cao được tặng thưởng của cuộc thi. Nét mới là qua cuộc thi đã phát hiện được một số cây bút trẻ ở lứa tuổi hai mươi, ba mươi trẻ trung nhiều hy vọng phát triển bên cạnh những gương mặt đã ổn định.

Về lực lượng sáng tác trẻ, đây là điều đáng lo nhất của Hội Văn nghệ Đồng Nai và cũng là mối quan tâm lớn của Hội. Các cây bút trẻ và niềm đam mê sáng tác văn học - nghệ thuật ở Đồng Nai không phải của hiếm. Mười năm duy trì tập san Dưới mái trường và tổ chức giải thưởng Bút Hồng, nhà văn Khôi Vũ đã phát hiện và trao giải cho mấy chục cây viết nhí nhiều triển vọng. Bây giờ thì các cây viết ấy đã lớn lên, bay đi, một số đã đi làm, đi dạy, nhiều em vẫn bền bỉ, lặng lẽ sáng tác. Nhiều em niềm đam mê ban đầu chỉ còn là những kỷ niệm đẹp.

Về giải thưởng, năm nay ở bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật, nổi bật là Dương Quốc Định với 1 cúp đặc biệt, 4 cúp Best Set tại Cuộc thi ảnh quốc tế tại Ytalia. Đồng nghiệp của anh ở bộ môn này còn nhận được 12 giải vàng, 2 giải bạc, 6 giải đồng v.v... trong các cuộc thi quốc tế khác. Tham gia triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực, toàn quốc, nhiếp ảnh Đồng Nai đạt giải Nhất đồng đội, 1 tác phẩm được triển lãm toàn quốc. Triển lãm mỹ thuật khu vực, Đồng Nai đoạt 1 giải C và 2 bằng khen của Liên hiệp VHNT Việt Nam cho 3 tác giả. 10 hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai được giải thưởng Sao vàng trong chương trình tôn vinh trí thức tiêu biểu của Đồng Nai, 5 tác giả có bài hát được bình chọn là bài hát hay nhân dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai.

Các hoạt động chuyên môn của Hội trong năm qua được đẩy mạnh. Hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhiều tác phẩm tham dự đã gửi về và đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai từ số 43 (tháng 7 và 8-2008) đến nay. Hội đã mở được 3 lớp bồi dưỡng sáng tác ảnh nghệ thuật, kịch bản sân khấu và bồi dưỡng cây bút mới. Tổ chức 3 chuyến đi thực tế, 3 trại sáng tác, 4 chương trình thơ, nhạc, 1 chương trình tập huấn nghiệp vụ, tham gia triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật khu vực v.v... đạt được nhiều kết quả. Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai từ khi xây dựng bộ mới với ê kíp biên tập mới đã có bước cải tiến đáng kể về hình thức và nội dung được hội viên và bạn đọc đón nhận với nhiều thiện cảm.

Hoạt động đầu tư, hỗ trợ xây dựng công bố tác phẩm đã đi vào nề nếp, đạt được những hiệu quả nhất định. Trong năm, các tác giả của Hội đã xuất bản 9 tập sách, 2 CD âm nhạc, công bố, triển lãm trên 300 tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Văn học - nghệ thuật là chiều sâu của tâm hồn và sáng tạo, khái quát, tái hiện cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật và ở lại lâu bền trong trái tim độc giả, khán thính giả. Thời gian sẽ qua đi, năm tháng sẽ qua đi, một số hình thức phản ảnh sôi động, ầm ĩ nhất thời đã tắt ngấm tự bao giờ và lui vào quên lãng, cái còn lại là những tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Những tác phẩm văn học - nghệ thuật Đồng Nai sẽ tự nó nói lên tiếng nói của mình, tự khẳng định bằng giá trị chân chính của mình nhưng những hoạt động chăm chút, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để có tác phẩm tốt thì không hề thừa, và đó là công việc của Hội Văn học - nghệ thuật.

Một niềm vui lớn trong năm được anh chị em văn nghệ sĩ đón nhận là sau sáu mươi năm kể từ ngày thành lập, lực lượng văn học - nghệ thuật đã có Nghị quyết Đảng về ngành mình: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới". Tin tưởng rằng văn học - nghệ thuật sẽ có nhiều thuận lợi mới trong thời gian tới.

Công việc sang năm của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai cũng không kém phần bề bộn. Điểm tập trung là tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (1979-2009) bằng các hoạt động thiết thực: nâng cao chất lượng sáng tác, phê bình, phát hiện bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ, tăng cường bồi dưỡng chính trị, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của người sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác đạt hiệu quả thiết thực, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng tạp chí Văn nghệ Đồng Nai v.v...

Ba mươi năm trước đây, thế hệ "tiền bối" của Văn nghệ Đồng Nai, các nhà văn, nghệ sĩ: Lý Văn Sâm, Bảo Định Giang, Hoàng Văn Bổn, Huỳnh Công Thức... đã lặn lội xây dựng nên Hội Văn nghệ Đồng Nai, đặt nền móng cho sự phát triển của Hội, của nền văn học - nghệ thuật cách mạng ở địa phương. Ngày nay, thế hệ tiếp nối có trách nhiệm phải xây dựng, phát triển ngôi nhà văn học - nghệ thuật ngày càng khang trang, đẹp đẽ, có thêm nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật xứng tầm với thời đại và con người trên mảnh đất anh hùng này.

Phước Long Giang

Tin xem nhiều