Báo Đồng Nai điện tử
En

Vài nét chấm phá về những địa danh ở Đồng Nai

09:01, 17/01/2009

Trong quá trình hình thành và phát triển, trên vùng đất Đồng Nai không ngừng xuất hiện những tên đất, tên làng xóm mới và cũng lại có nhiều địa danh cũ bị mất đi hoặc trôi vào quên lãng. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng một địa danh bao giờ cũng gắn liền với sự kiện, con người, một giai đoạn lịch sử nhất định. Chính điều này và chính sự phong phú, đa dạng của những địa danh ở Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Trong đó có những người nặng lòng với mảnh đất, con người Đồng Nai như các ông: Trần Hiếu Thuận, Đỗ Bá Nghiệp, Mai Sông Bé... đã nuôi ý tưởng về việc biên soạn từ điển địa danh Đồng Nai, nhưng có người thời gian đã không chờ đợi và có người thì bị cuốn hút vào cơn lốc tăng tốc phát triển nên công việc này gần như... "lực bất tòng tâm". Thế mà không biết vô tình hay hữu ý, cũng còn có nhiều người luôn vấn vương, trăn trở với những địa danh ở quê hương Đồng Nai trong sáng tác, hồi ký của họ. Trong số này, không ít người là cây viết... nghiệp dư.

Trong quá trình hình thành và phát triển, trên vùng đất Đồng Nai không ngừng xuất hiện những tên đất, tên làng xóm mới và cũng lại có nhiều địa danh cũ bị mất đi hoặc trôi vào quên lãng. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng một địa danh bao giờ cũng gắn liền với sự kiện, con người, một giai đoạn lịch sử nhất định. Chính điều này và chính sự phong phú, đa dạng của những địa danh ở Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Trong đó có những người nặng lòng với mảnh đất, con người Đồng Nai như các ông: Trần Hiếu Thuận, Đỗ Bá Nghiệp, Mai Sông Bé... đã nuôi ý tưởng về việc biên soạn từ điển địa danh Đồng Nai, nhưng có người thời gian đã không chờ đợi và có người thì bị cuốn hút vào cơn lốc tăng tốc phát triển nên công việc này gần như... "lực bất tòng tâm". Thế mà không biết vô tình hay hữu ý, cũng còn có nhiều người luôn vấn vương, trăn trở với những địa danh ở quê hương Đồng Nai trong sáng tác, hồi ký của họ. Trong số này, không ít người là cây viết... nghiệp dư.

Cầu Gành.

* Những địa danh hành chánh

Khoảng vài mươi năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, tập trung nhiều nhất ở TP.Biên Hòa những tên gọi mới, trong đó có mấy địa danh hành chánh nghe... đầy khí thế cách mạng, như: Quyết Thắng, Trung Dũng, Quang Vinh, Đồng Khởi... Thực dụng, đời thường hơn thì có: Ba Ty, ngã ba Amata, Pou Chen Hóa An, Chang Shin Thạnh Phú, ngã ba Cây Gáo, Cầu Mới, chung cư Hiệp Phước, khu công nghiệp Tam An... Trước đó nữa thì có xa lộ Đại Hàn, ngã ba Thái Lan, khu căn cứ Nước Trong hoặc đèo Mẹ Bồng Con, đèo Con Rắn, cua Heo (thị xã Long Khánh)..., suối Săn Máu, hóc Bà Che, bến đò Kho, bến đò Trạm, cầu Hang, chợ Đồn, cù lao Phố, Sở Cải, Lò Chao... (TP.Biên Hòa), Tân Triều, Bến Cá, Cây Đào, Lợi Hòa, Cây Dầu, dốc Ông Hoàng, đồi Bằng Lăng, suối Sa Mách, Bù Cháp, Lý Lịch... (huyện Vĩnh Cửu), Cái Vạn, Hang Nai, Sở Ngựa, lòng chảo Long Thành, rạch Ruột Ngựa, bến Cam... (huyện Long Thành - Nhơn Trạch), ngã ba Tân Phong, Cẩm Mỹ, Dầu Giây, Túc Trưng, Long Giao, Bàu Trâm... và còn rất nhiều những địa danh gắn liền với những sự kiện lịch sử của mảnh đất Đồng Nai - miền Đông gian lao mà anh dũng. Thế nhưng...

* Mấy ai còn nhớ?

Đợt đặt tên đường vừa rồi, không ít người, nhất là trong giới trẻ ngớ ra trước những cái tên đường mà họ cho là... "lạ hoắc” hay “mới nghe đến lần đầu!”. Có những người lớn tuổi đã phải cất tiếng than: “Đám trẻ bây giờ hình như biết Lý Liên Kiệt nhiều hơn... Lý Thường Kiệt, biết Dương Tử Quỳnh còn rõ hơn Dương Tử Giang!" (!?). Nên không lạ, bây giờ có mấy ai còn nhớ đến những địa danh lừng lẫy một thời, như: Gò Dê (nay thuộc ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), nơi nhà cách mạng Nguyễn Văn Nghĩa từng diễn thuyết về Chủ nghĩa Cộng sản đầu tiên trong quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa; Cây Chàm (nay thuộc phường Quang Vinh - TP.Biên Hòa), nơi Lữ Mành cùng đội thiếu niên cảm tử đã diệt tên thiếu tá Pháp cùng bọn Việt gian; Rạch Rớ - Cồn Gáo trong truyện ngắn Bến Xuân của Lý Văn Sâm; đồi Bằng Lăng trong chiến khu Đ - nơi triển khai Nghị quyết 15 chuyển hướng chiến lược đấu tranh cách mạng miền Nam; Hang Nai (nay giáp xã Phú Hội - Phước An, huyện Nhơn Trạch), địa bàn làm thí điểm mở ấp chiến lược của ngụy quyền tỉnh Biên Hòa bị thất bại...

Hồ Long Ẩn

Ngay ở TP.Biên Hòa cũng có những địa danh mà nay gần như đã mất: Dốc Sỏi, ngã ba Thành, Hàng Dương, Gò Me, Vĩnh Thị, Lò Gốm, Sở Cải, đất Thánh Tây, Lò Chao, Mã Tù...

Bùng binh Biên Hùng giờ trở thành ngã năm, ngã ba Vũng Tàu đã trở thành ngã năm, ngã ba Vườn Mít giờ cũng là ngã tư... Vườn Mít bây giờ không còn cây mít nào, cũng như cây chàm, hàng dương... đố ai tìm thấy bóng dáng loại cây này. Xóm Lò Heo được đưa vào tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn đã biến hẳn trong địa danh hành chánh và cả ở ngoài đời. Địa danh Lò Bò nay chỉ còn là tên chợ. Cũng như chợ Hãng Dầu không dính dấp gì đến khu vực chứa xăng dầu của Công ty xăng dầu Đồng Nai. Ngã ba Máy Cưa bây giờ tuyệt nhiên không còn ai làm đồ mộc, Chợ Đồn thì không có bóng dáng của cái bót gác nào!

* Còn lưu... trong trang sách!

Không kể Phủ biên tạp lục đã quá xa xôi, khi cần tìm những địa danh cũ ở Biên Hòa - Đồng Nai người ta vẫn hay nhắc đến Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu. Thực ra, bộ sách này chỉ đề cập nhiều đến những địa danh như: Long Ẩn, Bửu Phong, Bình Điện, Trị An, cù lao Rùa, Đá Hàn... Người cùng thời với Lương Văn Lựu và được nhà văn Sơn Nam cho là: "Quê ở Tân Uyên, nay là Bình Dương - Sông Bé, nhưng về mặt địa bàn văn hóa thì dính dấp nhiều đến Đồng Nai - Biên Hòa" là Bình Nguyên Lộc, trong một "tuyệt bản" có tên "Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc" thì lại không hề đề cập gì tới Biên Hòa - Đồng Nai, dù trong tập bút ký này ông luận giải về nhiều địa danh ở Sài Gòn xưa rất tỉ mỉ, lý thú. Với Lý Văn Sâm thì có khác, với sở trường của người viết "truyện đường rừng” hay nhất miền Nam, ông đã giới thiệu với người đọc cả nước những địa danh mang đậm phong vị núi rừng: Bù Cháp, Lý Lịch, suối Ràng, đồi Tam Cấp, suối Sà Mách, Bàu Phụng, Suối Ra, Mã Đà, Đạt Lung... rồi Gia Nhang, cù lao Mỹ Quới, thôn Vàm Cỏ, Sông Phố... Người cùng làng với Lý Văn Sâm là nhà văn Hoàng Văn Bổn từng chu du bốn bể cũng luôn đau đáu chốn quê nhà: làng Bình Long, Rạch Đông, Cây Đào, Mỹ Lộc, hóc Suối Sâu, dốc Tổng Ngãi, miễu Bà Cô, Rạch Rớ, Ông Hưu, Xóm Đèn...

Đá ba chồng

Gần đây, Nhà xuất bản Giáo Dục cho ra mắt bạn đọc quyển Truyện kể về Đồng Nai đất nước - con người của Nguyễn Yên Tri. Công trình biên soạn nghiêm túc, mang tính giáo khoa này đã cung cấp nhiều địa danh thú vị: Dinh Trấn Biên, Văn miếu Trấn Biên, núi đá chồng Định Quán, núi Chứa Chan, Mây Tàu, suối Gia Ui, Gia Lào, rừng Nam Cát Tiên, hồ Trị An, Hàng Gòn, Bình Đa, Bến Gỗ, Bàu Cá, Lân Thành...

Trước đó rất lâu, nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ trong tự truyện và thơ của mình đã thổn thức, trĩu lòng với từng tên đất: Hố Cạn, Lò Than, Bàu Đế, Tân Dân, Gò Dưa, Bưng Còng, xóm Cây Dâu...

Bất ngờ nhất là Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải, nhà văn thường viết cho tuổi học trò cũng bỗng dưng... Nhớ Biên Hòa với những địa danh còn nóng hổi tính cận đại: Đất Thánh Tây, dốc Sỏi, Thành Kèn, nhà Dù, Bàu Hang, Cầu Đúc, cầu Mương Sao, dốc Kỷ Niệm, Tân Mai, Tam Hiệp, Hố Nai... theo kiểu chỉ dựa theo trí nhớ. Cũng theo kiểu hồi ức này thì cựu đại tá Lê Bá Ước, nguyên đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công rừng Sác kể lại nhiều địa danh vừa đậm mùi khói lửa chiến tranh vừa mặn nồng tình nghĩa đồng bào, đồng chí. Đó là những: Tắc Le Le, rạch Cá Tán, Bà Trường, Bà Bông, Vũng Gấm, Đồng Kho, sông Lòng Tàu, tắc Kỳ Quang, Thị Vải, Đồng Tranh, Thành Tuy Hạ, Ông Kèo, tắc Xay Lúa, Rạch Lá, gò Bình Bát, gò Ô Môi...

Và cũng không thể ngờ, trong những cây bút tay trái này còn có những người viết sử, viết báo bằng thơ. Đó là nguyên cựu Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn Nguyễn Văn Thông. Ông đưa vào từng bài thơ những sự kiện với đầy đủ tháng năm, ngày giờ, địa danh cụ thể: Đại Phước, Vĩnh Thanh, Sông Cả, Long Phước, Bà Ký, Sóc Cây Khế, giồng Ông Đồng, Gò Nai, Gò Ngựa, bàu Ông Trụ, Bến Sắn, ấp Trầu, ngã ba Giồng Sắn... Trong 2 tập thơ Yêu quê hương với khoảng 200 bài thơ của Nguyễn Văn Thông, mỗi bài là một cái tin có đủ yếu tố 5W của báo chí, ăm ắp những tên đất, tên người thật, việc thật.

Văn miếu Trấn Biên

Một người làm thơ nghiệp dư nữa nhưng có bút lực mạnh mẽ vô cùng là ông Đinh Quang Dữa. Gần nửa thế kỷ sống trên đất Đồng Nai, ông đã sáng tác hơn 500 bài thơ tập trung vào đề tài thời sự, sự kiện lịch sử cụ thể ở Biên Hòa. Trong đó có trường ca mang tính sử thi về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tác phẩm có tên Biên Hòa sử lược diễn ca, dự kiến sẽ có 3 tập nhằm khái quát lại 3 thời kỳ lịch sử sinh động, hoành tráng đã được ra mắt tập 1 vào cuối năm 2005. Ông Đinh Quang Dữa dự định sẽ ra mắt người đọc hai phần còn lại của trường ca Biên Hòa sử lược diễn ca nhân kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, nhưng ngày 12-7-2008 vừa rồi ông đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 90. Gia tài ông để lại ngồn ngộn những địa danh sinh động của Đồng Nai, đó là: Rạch Cát, Cầu Gành, Đá Hàn, Bình Tự... và xa xôi hơn nhiều còn có Giản Phố, Bàn Lân, Phước Long, Thiết Khâu - Lò Thổi, Bình Trước, Đồng Lách, Sông Mây, Đồng Môn...

Chỉ mới lướt qua vài khuôn mặt tiêu biểu đã nhặt nhạnh ra được khá bộn bề những tên đất, tên xóm làng trên mảnh đất có bề dày lịch sử hơn 300 năm. Nếu được sưu tập đầy đủ và truy nguyên cụ thể, rõ ràng cùng với sự kiện, con người liên quan, chắc rằng từ điển địa danh Đồng Nai sẽ là một tác phẩm địa - lịch sử phong phú, sinh động và lý thú đối với tất cả mọi người.

BÙI YÊN LÃNG

Tin xem nhiều