Báo Đồng Nai điện tử
En

Trâu diệt giặc

03:01, 13/01/2009

Trong suốt thời gian nhân dân và nghĩa quân đứng lên diệt giặc Pháp xâm lược, Đồng Tháp Mười luôn là căn cứ kháng chiến oanh liệt. Nghĩa binh của Thiên Hộ Dương đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Nhờ vào sự lãnh đạo của Võ Duy Dương, dưới ngọn cờ chính nghĩa mà nhân dân trong vùng không tiếc công tiếc của đóng góp cho nghĩa quân.

Trong suốt thời gian nhân dân và nghĩa quân đứng lên diệt giặc Pháp xâm lược, Đồng Tháp Mười luôn là căn cứ kháng chiến oanh liệt. Nghĩa binh của Thiên Hộ Dương đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Nhờ vào sự lãnh đạo của Võ Duy Dương, dưới ngọn cờ chính nghĩa mà nhân dân trong vùng không tiếc công tiếc của đóng góp cho nghĩa quân.

 

Tương truyền, một hôm nọ, đang ngồi bàn luận việc quân cùng các bộ hạ thân tín của mình thì Thiên Hộ Dương được nghĩa quân vào báo có một nông dân xin được yết kiến để hiến kế. Ông liền cho mời vào. Người nông dân ấy hùng dũng bước đến phía trước các tướng lĩnh và ngài Thiên Hộ. Mọi người thấy ông là một người đứng tuổi, da ngăm đen, thân hình cao lớn, ngực nở, tay chân săn chắc, vai mang mõ, tay cầm gậy. Người nông dân ấy đĩnh đạc nói:

 

- Thưa các ngài, tôi là một nông dân của Đồng Tháp Mười, sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, chuyên nghề nuôi trâu. Trâu hoang trong rừng còn rất nhiều, tôi bắt đem về nuôi dạy cho thật thuần rồi đem bán hoặc cho đi làm mướn. Trâu của tôi làm được đủ mọi việc: cày, kéo, bừa... đều được. Tôi có hàng trăm con. Nay tôi xin được phép ngài Thiên Hộ cho trâu của tôi tham gia đánh bọn Lang Sa. Hiện tôi có lùa tới đây một bầy hơn 100 con, tất cả còn đang cầm ngoài lung, cách tổng hành dinh của ngài không quá trăm thước.

 

Nói xong, ông chỉ ra phía trước, mọi người thấy một bầy trâu to khỏe đang đứng như chỉnh tề chờ hiệu lệnh. Thiên Hộ Dương hỏi:

 

- Trâu sẽ đánh bằng cách nào?

 

Người nông dân trả lời:

 

- Thưa, trâu của tôi đã được huấn luyện thuần rồi, không phải la hét hay đánh đập gì mà chỉ cần dùng hiệu lệnh. Nhân tiện xin mời ngài và các tướng lĩnh xem tôi điều khiển trâu bằng tiếng mõ.

Nói xong, ông mời mọi người ra trước tổng hành dinh, nơi khoảnh đất rộng. Tay cầm mõ, tay cầm gậy, người ấy không nói chi hết. Bất chợt, ông gõ mõ “cốc” thì bầy trâu nhất tề đứng dậy, ông lại gõ tiếp thì bầy trâu quỳ xuống phủ phục và kêu “nghé ngọ”. Ông nói:

 

- Trâu chào các ngài đó.

 

Ông lại gõ mõ tiếp thì bầy trâu đứng lên. Rồi gõ mõ liên tiếp, bầy trâu hùng hổ tiến lên phía trước như nước vỡ bờ. Ông lại gõ mõ theo cách khác thì bầy trâu đứng lại. Tiếng mõ của ông khi nhanh khi chậm, lúc nhiều lúc ít, bầy trâu khi rẽ phải khi sang trái, khi tiến khi lùi, lúc nhanh lúc chậm... Rồi ông gõ mõ cho trâu trở về vị trí cũ, chúng phủ phục như lúc ban đầu. Người nông dân lại nói:

 

- Bầy trâu nay được thuần thục như vậy là nhờ tôi khổ công huấn luyện lâu nay. Nước nhà đang bị ngoại bang dày xéo, tôi không có chi đóng góp cho nghĩa quân diệt giặc, xin được hiến bầy trâu này để cùng với nghĩa binh diệt giặc, cứu nước. Xin ngài nhận nơi đây lòng thành của tôi.

 

Thiên Hộ Dương cảm kích lòng yêu nước chân thành của người nông dân, ông nhận bầy trâu và mời người nông dân gia nhập nghĩa quân. Sau đó độ một năm, nhân mùa khô, thực dân Pháp kéo quân vào Đồng Tháp Mười tấn công với ý đồ “làm cỏ” nghĩa quân. Người nông dân năm nào nay là một tướng lĩnh, ông được cử đi tiên phong cùng với đàn trâu và sắp đặt kế nghi binh. Ông đội nón lá, vai mang mõ, tay cầm gậy, không mang chút vũ khí nào cả, ngồi ngất ngưởng trên lưng một con trâu như đang thả trâu bầy đi ăn cỏ. Giặc Pháp thấy trâu đông quá, chúng sinh nghi nhưng chưa kịp phản ứng gì thì bất thần ông xua lệnh trâu tấn công bằng những tiếng mõ của mình. Bầy trâu xông lên, tiến về phía giặc như vũ bão, tả xung hữu đột làm cho đội hình của chúng tan tác, đứa bị chết vì trâu chém, đứa bị lòi ruột vì trâu đạp, có đứa vì tranh nhau chạy mà đè lên nhau, số còn lại cũng bỏ chạy trối chết. Để rồi cuối cùng lại rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân, đứa sa hầm chông, đứa bị bắn, đứa bị chém... Người nông dân lại gõ mõ cho trâu tiến công trận cuối khiến bao nhiêu tàn binh còn lại tranh nhau chạy thục mạng. Bấy giờ ông mới gõ mõ gom “quân trâu” lại. Trận ấy nghĩa quân của Thiên Hộ Dương đại thắng, người nông dân được phong danh hiệu “Ngưu quân thượng tướng”.

 

Nhân năm Sửu, cùng nhau tìm hiểu lại một trong những “kỳ tích” mà những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng rất ngoan cường sáng trí, đã biết lợi dụng những tính cách và thói quen tự nhiên của loài vật, như: trâu, ong, rắn... để làm “vũ khí” diệt giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Để ngày nay, Việt Nam ta đang vươn mình hội nhập cùng thế giới với một tư thế hiên ngang, rất đỗi tự hào.

Tư Quéo

 

Tin xem nhiều