Báo Đồng Nai điện tử
En

Trăn trở với tam nông

05:01, 21/01/2009

Phần đông người dân ở huyện Xuân Lộc còn phụ thuộc vào nông nghiệp. Do vậy, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) là mục tiêu hàng đầu mà Đảng bộ huyện này đặt ra trong lãnh đạo, điều hành.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Văn Toàn.

Phần đông người dân ở huyện Xuân Lộc còn phụ thuộc vào nông nghiệp. Do vậy, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) là mục tiêu hàng đầu mà Đảng bộ huyện này đặt ra trong lãnh đạo, điều hành.

 

* Nhật ký những kỳ họp

 

Trong sổ ghi chép của chúng tôi, hầu hết tại các hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng chí Nguyễn Văn Toàn (Chín Toàn) với tư cách là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc đều có những phát biểu rất sâu sắc và chân tình. Nội dung phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng nhiều nhất là việc xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới và cải thiện đời sống nông dân. Tại hội nghị lần thứ 9 diễn ra vào tháng 10-2006, Bí thư Chín Toàn phát biểu: “Đất đai không thể nở thêm, điều kiện thời tiết khí hậu chỉ có vậy. Nông nghiệp muốn tăng vụ, tăng năng suất, nông dân muốn làm giàu, nông thôn muốn hiện đại thì Đảng phải vào cuộc”.

 

Đến kỳ họp lần thứ 10, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc là người đăng ký phát biểu đầu tiên và ông đã sòng phẳng nói về cái chưa được của các cấp chính quyền. Theo ông, thực tế thì giao thông nông thôn còn rất hạn chế, thủy lợi không đủ cho tưới tiêu. Ông kêu gọi, cần có cách nhìn mới và cải thiện đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và phải xem nông dân là những “người ơn” nuôi sống xã hội.

 

Xuân Lộc được biết đến với sự thành công về chuyển đổi cây trồng, nhất là cây bắp, điều. Đây còn là địa phương rất thành công với câu lạc bộ năng suất cao, rồi hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả. Tại kỳ họp lần thứ 11, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành đề nghị, các huyện nên về Xuân Lộc học tập kinh nghiệm: “Chủ trương, chính sách chỉ có một, rồi cũng đất đó, điều kiện thời tiết đó, nhưng tại sao Xuân Lộc thành công với câu lạc bộ năng suất cao, với chuyển đổi cây trồng cho sản lượng gấp đôi, gấp ba! Đó chắc chắn phải là yếu tố lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo huyện”.

 

Hợp tác xã rau sạch Trường An, xã Xuân Phú - mô hình kinh tế tập thể thành công.

Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vào cuối tháng 9 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Văn Toàn nói: “Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiềm năng còn ở phía trước, nhưng khó khăn và thách thức thì đã và đang đương đầu”. Nhắc điều này để thấy, ông trăn trở rất nhiều, hiểu rất sâu sắc về nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân. Ông cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, thời đại khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão nông dân phải biết đoàn kết, liên kết lại thì mới có thể tổ chức sản xuất lớn, đầu tư đúng hướng để có hiệu quả cao. Các mô hình tổ kinh tế hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao và hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới lần lượt ra đời là minh chứng cụ thể, sinh động, rõ ràng nhất mà Huyện ủy Xuân Lộc rất năng động trong lãnh đạo, điều hành.

 

* Nội lực của Đảng bộ

 

So với nhiều cán bộ khác thì Bí thư Chín Toàn có lợi thế về gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Ông đã có gần 10 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện, từng về với dân như cơm bữa, hiểu từng vùng đất và biết rõ nông dân cần gì, đất phải đầu tư như thế nào. Ông từng nhiều năm làm đại biểu, rồi lãnh đạo HĐND huyện. Bây giờ lại là người đứng đầu huyện, nên mọi định hướng, chỉ thị mà ông cùng Ban Thường vụ Huyện ủy đưa ra đều rất sát với thực tế.

 

Bắp - cây trồng thế mạnh của Xuân Lộc.

Những lần về với dân như thế, ông cùng các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ trăn trở: “Phải làm sao để nông dân có cuộc sống tốt hơn?”. Tổ liên đới ở huyện Xuân Lộc ra đời trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là một cách trả lời của Đảng bộ Xuân Lộc về nỗi trăn trở ấy. Tổ liên đới được Hội Nông dân đứng ra bảo lãnh vay vốn ngân hàng đã giúp bà con nông dân giải tỏa bế tắc nguồn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng tổ liên đới mau chóng là “chiếc áo” chật chội nên Huyện ủy Xuân Lộc “cho thay” bằng những câu lạc bộ năng suất cao. Đến nay, tất cả 15 xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng và phát triển mạnh các câu lạc bộ năng suất cao. Hàng loạt câu lạc bộ ra đời đã thực sự giúp nông dân tìm được lối đi mới: Hội Nông dân đứng ra phối hợp với các ngành để hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chọn giống mới cho năng suất cao. Hội cũng đứng ra bảo lãnh với Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp cho nông dân vay vốn. Để giúp nông dân nhiều hơn, Huyện ủy Xuân Lộc còn ban hành quy chế hoạt động cho các câu lạc bộ năng suất cao, cụ thể: hỗ trợ cho các hộ nông dân trong các câu lạc bộ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ vốn đầu tư làm ăn lớn với quy mô trang trại; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa. Nhờ vậy, nhiều câu lạc bộ cây bắp ở Xuân Lộc cho năng suất từ 10 đến 12 tấn/hécta/vụ, câu lạc bộ trồng lúa đạt năng suất từ 7 đến 9 tấn/hécta... Nhiều cánh đồng đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/hécta/năm.

Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 134 câu lạc bộ cây trồng, vật nuôi năng suất cao với tổng diện tích đất sản xuất là 5.874 hécta, chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các câu lạc bộ năng suất cao ở Xuân Lộc đều mang lại lợi ích cho nông dân như tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí đầu tư và điều quan trọng hơn, đây là nơi tập hợp nông dân sinh hoạt, tổ chức sản xuất hiện đại và tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật.

 

Ngoài ra, Xuân Lộc còn có 17 hợp tác xã, 2 quỹ tín dụng nhân dân. Các hợp tác xã đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một số lao động nhàn rỗi ở nông thôn; cung ứng các dịch vụ phân bón, giống cây trồng và các dịch vụ khác đến nông dân. Toàn huyện hiện có 857 trang trại, phần lớn là trồng cây lâu năm và chăn nuôi.

 

Hiện tại, “chiếc áo” câu lạc bộ năng suất cao cũng đã trở nên quá ngắn, nhưng phát triển thành hợp tác xã thì chưa tới. Vì vậy, Huyện ủy Xuân Lộc đã xây dựng chương trình hành động để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Mặt khác, huyện rất chú trọng đến công tác vận động thành lập và xây dựng các liên minh câu lạc bộ năng suất cao vì đây là mô hình phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương, đồng thời cũng là nền tảng để thành lập hợp tác xã. “Nông dân Xuân Lộc phải khá lên, làm giàu trên mảnh đất này. Chúng tôi cho rằng, chủ trương tổ chức liên minh câu lạc bộ năng suất cao và tiến đến hợp tác xã là con đường ngắn nhất đưa nông dân đến hội nhập và làm giàu” - Bí thư Chín Toàn nói như thế.

 

Quyết tâm là vậy, nhưng đến nay mới có 30% cây và 40% con chủ lực tham gia hợp tác xã (đạt khoảng 50% mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2005-2009) nên Bí thư Huyện ủy không khỏi lo lắng. Ông tâm sự, Huyện ủy thấy được điểm yếu ấy nên càng thúc giục tập thể lãnh đạo huyện tiếp tục tìm những lối đi sáng tạo khác. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, đó chính là nội lực quan trọng để đưa Xuân Lộc vươn lên từ nông nghiệp.

 

Xuân Lộc chủ trương và tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và thực hành nông nghiệp sạch; quy hoạch đầu tư các cánh đồng 2 lúa 1 màu và 2 màu 1 lúa; tập trung phát triển diện tích các loại cây trồng cho năng suất, giá trị thu nhập cao như: bắp, lúa lai, điều cao sản, tiêu, rau an toàn, chôm chôm, sầu riêng, xoài, nhãn… Công tác đầu tư giống mới luôn được huyện chú trọng và theo dõi chặt chẽ, đúng quy trình: Tiếp nhận - khảo nghiệm - trình diễn - chuyển giao. Đối với cây ngắn ngày, huyện đã chỉ đạo sử dụng 100% giống mới cho năng suất cao, kháng được sâu bệnh. Nhờ vậy, hiện nay tại Xuân Lộc có nhiều vùng có giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng/hécta/năm như vùng sản xuất 1 vụ bắp 2 vụ lúa tại các xã Lang Minh, Suối Cát, Xuân Phú và chuyên canh cây tiêu, xoài, rau ở các xã Suối Cao, Xuân Hưng, Xuân Phú, Xuân Bắc.

P.V

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều