Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiệm cà phê nổi tiếng ở Oakland

09:01, 13/01/2009

Từ năm 1993 đến nay đã 9 lần, hai vợ chồng ông Vũ Văn Ngân và bà Nguyễn Ngọc Huệ về thăm quê hương. Năm nay lần đầu tiên cặp vợ chồng Việt kiều này về Việt Nam ăn tết. Cả hai đều vui mừng khi trực tiếp chứng kiến lễ hội 310 năm hình thành và phát triển Biên Hoà - Đồng Nai.

Từ năm 1993 đến nay đã 9 lần, hai vợ chồng ông Vũ Văn Ngân và bà Nguyễn Ngọc Huệ về thăm quê hương. Năm nay lần đầu tiên cặp vợ chồng Việt kiều này về Việt Nam ăn tết. Cả hai đều vui mừng khi trực tiếp chứng kiến lễ hội 310 năm hình thành và phát triển Biên Hoà - Đồng Nai. Hòa mình trong “Đêm hội Trấn Biên” và thưởng thức chương trình nghệ thuật “Ấn tượng Đồng Nai”, ông Ngân và bà Huệ ngập tràn cảm xúc. Ông Ngân cho rằng: “Đất nước mình bây giờ đổi mới đến không ngờ!”.

 

 

Hai vợ chồng Việt kiều Vũ Văn Ngân - Nguyễn Ngọc Huệ trước Văn miếu Trấn Biên.

Định cư ở Hoa Kỳ năm 1983, những năm đầu hai vợ chồng vốn là nhà giáo có nguyên quán Đồng Nai này gặp rất nhiều khó khăn trong việc mưu sinh nơi đất khách. Sống ở San José (California), nơi có khá đông người Việt, ông Ngân đã phải làm nhiều việc vất vả như: hái trái cây mướn, bán hàng rong, rồi chuyển sang mua bán tranh, cổ vật... Nhờ chí thú làm ăn và được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng hương, năm 1986, vợ chồng ông gom góp tiền bạc sang được một tiệm bán bánh mì kẹp thịt (sandwich) nhỏ ở thành phố Oakland thuộc miền Bắc California gần chiếc cầu Golden Gate nổi tiếng ở vịnh San Francisco. Nơi đây có khoảng 3.000 người Việt sinh sống nhưng cũng lại có rất đông người Hoa và nhiều người Mễ, Úc... đến làm ăn.

 

Vốn ghiền cà phê từ thời đi học và rất khoái Caféteria ở Sài Gòn, do vậy thường ngày trong lúc phụ vợ bán bánh mì, ông Ngân tự pha cà phê để uống! Mùi cà phê đặc biệt này đã làm cho mấy người khách đến mua bánh mì thích quá xin được “uống một tách cho đỡ nhớ quê hương!”... Sau đó mỗi lần uống xong ly cà phê, những khách quen này tự động để lại 1USD. Và cứ thế số người đến uống cà phê trả tiền cứ ngày một đông dần. Ở Oakland, người ta không biết tên ông Ngân, bà Huệ mà thường gọi một cách thân tình là... anh Sáu, chị Sáu. Cà phê của anh Sáu ở tiệm sandwich rất ngon được đồn đại trong giới mê cà phê người Việt và cả người Hoa. Thế là theo như đề nghị của dân ghiền cà phê pha theo “gu” Pháp ở Việt Nam, ông Sáu đứng tên xin mở tiệm cà phê lấy tên là Hương Xưa. Mặt bằng quán sandwich chỉ khoảng 300m2 nên hầu như khách đến uống cà phê đều phải đứng hoặc bước ra ngoài hành lang cũng... đứng để nhâm nhi. Hàng chữ France coffee bên cạnh chữ Hương Xưa và lời đồn đại cà phê ngon của ông Sáu đã vang xa đến San José và bà con người Việt ở San Francisco làm nhiều người phải chạy xe 4 tiếng đồng hồ đến tiệm cà phê độc đáo này để thưởng thức. Khách không chỉ người Việt mà còn có cả người Hoa ở San José (nơi đây có Hội Tân Lân tương tế với hầu hết  là người Việt gốc Hoa trước đây sinh sống ở chợ Biên Hòa và xóm Lò Heo, Cây Chàm...), người Mễ, Úc và Mỹ. Vài năm sau quán Hương Xưa được mở rộng gấp 5 lần với sức chứa lên đến 100 khách nhưng thường xuyên phải phục vụ cho trên 150 khách, nhiều ngày chủ nhật số khách còn lên đến hơn 200. Vợ chồng ông Sáu phải thuê đến 10 nhân viên gồm người Việt, Hoa, Úc, Mễ... để phục vụ bàn. Trong đó có 3 người được ông hướng dẫn cách pha cà phê theo từng “gu” của khách.

 

Tiệm cà phê Hương Xưa ở Oakland

Nổi tiếng như vậy nên Đài Truyền hình S.F4 (San Francisco TV4) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ông chủ quán cà phê Hương Xưa về bí quyết thành đạt của một người gốc Việt trong việc kinh doanh cà phê trên đất Mỹ.

L.B.H

 

 

Tin xem nhiều