Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiệc rượu cuối năm

03:01, 13/01/2009

Chắc chắn càng về cận tết, người ta càng bận rộn hơn, trong đó thời gian dành cho hội ngộ, gặp mặt, tiệc tùng, nhậu nhẹt bạn bè... phải chiếm ngôi đầu bảng. Cận tết, người viết bài báo này có hai cuộc nhậu đáng nhớ nhưng về không gian thì trái ngược nhau: một ở thành phố ồn ào, một lại ở tít vùng xa xôi Đắk Nông “đèo heo hút gió”; một thì đầy khắc khoải tâm tư, một thì lồng lộng tình người.

Chắc chắn càng về cận tết, người ta càng bận rộn hơn, trong đó thời gian dành cho hội ngộ, gặp mặt, tiệc tùng, nhậu nhẹt bạn bè... phải chiếm ngôi đầu bảng. Cận tết, người viết bài báo này có hai cuộc nhậu đáng nhớ nhưng về không gian thì trái ngược nhau: một ở thành phố ồn ào, một lại ở tít vùng xa xôi Đắk Nông “đèo heo hút gió”; một thì đầy khắc khoải tâm tư, một thì lồng lộng tình người.

 

* Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời

 

Khi tôi và hai đồng nghiệp “lão thành” đã “chủ động hội nhập” cùng các bản nhạc karaoke, thì bỗng nhiên xuất hiện một trung niên cao to, chững chạc. Anh chào hỏi đàng hoàng và cầm micro tự đề nghị hát tặng chúng tôi một bài ca vui vẻ. Tôi cứ nghĩ trong các tiệc nhậu có karaoke như thế này thì âm nhạc chỉ cốt làm cho nóng thêm không khí, chứ lời ca tiếng hát nào có ý nghĩa gì.

 

“Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu”, tiếng hát cất lên và tôi chợt chú ý đôi mắt nhắm nghiền của người “ca sĩ”. Giọng ca của anh có một cái gì rất chân thật, đầy tâm sự thiết tha, khiến người ta không thể bỏ qua. Rõ ràng anh muốn gởi một nỗi lòng, muốn được chia sẻ cảm thông. Anh chìm đắm vào một thế giới những hoài cảm, về một vùng đất  - có lẽ là quê anh vì khi tự giới thiệu bài ca, anh nói giọng Bắc ấm - ở đó là tình yêu, là lòng nhân ái, là âm thầm chịu đựng tai ương và chia sẻ cùng nhau những hạnh phúc đời thường.

 

Hà Nội của anh đã cho anh tuổi trẻ và ước mơ hào hiệp. Hà Nội đã cho anh tình yêu mười tám tuổi. Nhưng Hà Nội không cho anh tiền bạc và danh vọng, phải vậy không? Và chàng trai trẻ lên đường đi tìm những gì mình chưa có và muốn có bằng tài sức tuổi trẻ.

 

Đối với Việt Nam, Sài gòn là New York của nước Mỹ, là nơi của thách đố, là cạm bẫy đáng yêu.

 

Một người bạn nói nhỏ bên tai tôi: Anh ấy là cựu trung tá điều tra, từng bị ngồi tù vì dính vào băng đảng tội phạm. Tôi không viết ra tên anh vì lòng tôn trọng anh - một người hãy còn “nỗi lòng” muốn giải bày, dù chỉ qua lời ca tiếng hát tình cờ. Một người như vậy không thể bị hủy hoại vì “khôn ba năm dại một giờ”. Tôi đã xem vở kịch “Sau khi ngã” (After the fall) của A.Miller nhiều lần trong phim và trong sách, và tôi hiểu rằng nhân loại cứ vẫn phải thông minh hơn chỉ vì lòng tin vào cái tốt của chính nhân loại mà thôi.

 

Những ly rượu chưa vơi mà tiếng hát anh đã cạn và dường như anh khóc. Tôi không thấy được những giọt nuớc mắt anh, nhưng tôi cứ cảm thấy thấm ướt một nỗi bùi ngùi, dù tôi chưa từng gặp anh, khi tôi hãy còn là một nhà báo trẻ làm việc tại Báo Tuổi Trẻ (với rất nhiều cơ hội được gặp anh). Có lẽ tôi cũng đã từng biên tập những bài báo ca ngợi anh như một chiến sĩ nhiều thành tích điều tra, săn bắt cướp; và cũng nhiều bài báo sau đó về những hành vi sai phạm của anh. “Mộng với tay cao hơn trời”, dường như anh đổ lỗi cho những giấc mơ và có vẻ trách móc Sài Gòn - thành phố đầy cạm bẫy. Cuối cùng anh ngưng hát và chào mọi người, anh bắt tay tôi: “Cảm ơn anh đã nghe tôi hát”. Tôi nghĩ tôi cảm ơn anh ấy mới phải, vì không phải bài hát của anh mà là những giọt nước mắt. Bạn tôi nói, anh ấy từng là một người tài. Vâng, người tài có nhiều cơ hội mà cơ hội nào không cạm bẫy, không thách thức? Dù sao, giờ đây, anh còn may mắn hơn nhiều người khác: anh đã trở lại với cuộc sống thường, với một công việc bình thường, nhưng hình như anh vẫn còn “tâm sự” gì đó chăng? Nhưng tôi mong anh đừng trách Sài Gòn, đừng trách những giấc mơ đẹp thời trai trẻ của anh. Sài Gòn vô tội. Những giấc mơ cũng vô tội. Tương lai anh cũng vô tội. Vì vậy anh hãy cứ tiến lên, đối mặt với tương lai và nếu không hài lòng với nó, hãy nói một lời xin lỗi!

 

* Đắk Nông: sống trong đời phải có một tấm lòng

 

Tối hôm trước vừa tiệc rượu ở quận 8 và nghe anh hát tình cờ, sáng hôm sau lo dậy sớm lên đường đi Đắk Nông - nơi tôi từng đóng quân khi còn là một thanh niên xung phong cách đây gần 27 năm trời. Nhưng lần này, tôi lại cùng đi với nhạc sĩ Miên Đức Thắng, một người bạn vong niên, luôn nhiệt tình đến những nơi xa xôi hẻo lánh, để hát tặng những bài ca không năm tháng.

 

Chúng tôi đến xã Dtit, cách biên giới Campuchia 8 cây số, mà 99% dân Hmong thu nhập dưới đường ranh nghèo khổ theo chuẩn Liên hợp quốc là 2 USD/ngày (trước đây là 1 USD/ngày). Chúng tôi đến đây để dự lễ khánh thành một trường tiểu học mà chúng tôi vận động được từ những tấm lòng từ thiện.

 

Các cô giáo người Kinh hôm nay ăn mặc thật đẹp, với những tà áo dài xanh, đỏ, tím, vàng, với những đường nhăn do xếp cất lâu trong tủ áo. Lẽ ra hôm nay, các em học sinh mặc đồng phục, quần xanh, áo trắng chỉnh tề, nhưng có em không có nổi đồng phục, phải mặc nhiều màu sắc, có em không có áo phải ở trần.

 

Buổi lễ diễn ra thật đơn giản và không khỏi cảm động khi cô hiệu trưởng chưa đọc hết bài diễn văn viết sẵn, đã nghẹn ngào trong nước mắt... Nhạc sĩ Miên Đức Thắng - người hùng của những đêm văn nghệ sinh viên trước năm 1975, trong những sân trường đại học chống Mỹ - cũng nghẹn ngào theo, nhưng vẫn kịp nhảy lên sân khấu “chữa lửa” bèn cách hát một bài do anh sáng tác đã lâu: “Đất hoang ta cấy, đất khô ta cày, đất cho ta sống, quê hương ta về...”. Nhưng, thật bất ngờ, mọi người ở đó - các thầy cô giáo, các anh em đội viên thanh niên xung phong, và cả các em học sinh - cùng vỗ tay hát theo anh. (Sau này tôi được biết thanh niên xung phong thường đến trường dạy các bài ca phong trào sinh viên, học sinh trước đây).

 

Chưa hết, sau buổi lễ khánh thành, chúng tôi được mời lại, dự một tiệc nhậu ra trò, với rượu cần, cá và thịt rừng. Thanh niên xung phong bao giờ cũng tháo vát mà! “Không say không về”. Nhưng ngày mai đã là 30 tết. Không sao, đường Đắk Nông - TP.Hồ Chí Minh có bao xa? Thế là đêm rừng lại nổi lửa. Anh Thắng vẫn say sưa cầm đàn ghi-ta hát những bài mà anh vừa sáng tác - những tình ca không năm tháng và những bài ca phong trào có-năm-tháng. Tất cả là tấm lòng anh, lạc quan yêu đời, hào phóng.

 

Bây giờ, anh đã là Việt kiều ở Đức. Cuộc sống phương Tây chỉ làm giàu thêm ở anh tình yêu quê nhà. Anh cũng có thất vọng, nhưng anh có thể vượt qua, để tìm ra hy vọng và niềm vui. Anh hát lên niềm vui trong tiệc rượu cuối năm này, trong lửa rừng Đắk Nông vừa đủ ấm cho mùa xuân đang đến: “Sống trong đời sống phải có một tấm lòng...”.  

Trần Ngọc Châu

 

Tin xem nhiều