Báo Đồng Nai điện tử
En

Thú chơi xe cổ

09:01, 13/01/2009

Nếu một chiếc xe đời mới đòi hỏi sự chăm chút của người sử dụng một phần, thì một chiếc xe cổ đòi hỏi đến 10 phần. Một chiếc xe hiện đại chỉ đòi hỏi người xài biết cách vận hành, nhưng đi một chiếc xe cổ, người xài còn phải biết... sửa. Rắc rối, hao tâm tốn sức, tốn kém và nhiều điều “phiền phức” khác, nhưng tất cả những người chơi xe cổ đều nói rằng: “Không có gì “đã” cho bằng được chăm sóc, sử dụng và nhìn ngắm những chiếc xe cổ độc đáo của riêng mình”!

Nếu một chiếc xe đời mới đòi hỏi sự chăm chút của người sử dụng một phần, thì một chiếc xe cổ đòi hỏi đến 10 phần. Một chiếc xe hiện đại chỉ đòi hỏi người xài biết cách vận hành, nhưng đi một chiếc xe cổ, người xài còn phải biết... sửa. Rắc rối, hao tâm tốn sức, tốn kém và nhiều điều “phiền phức” khác, nhưng tất cả những người chơi xe cổ đều nói rằng: “Không có gì “đã” cho bằng được chăm sóc, sử dụng và nhìn ngắm những chiếc xe cổ độc đáo của riêng mình”!

 

* Vẻ đẹp “vượt thời gian”

 

Vài năm gần đây, chơi xe cổ bỗng trở thành một trào lưu nho nhỏ nhen nhóm trong cộng đồng những người mê xe. Theo nhận xét của nhiều “tay chơi” trong giới xe cổ thì “đội ngũ” những người say mê vẻ thanh lịch của những chiếc xe xưa này ngày càng được trẻ hóa. Hầu hết những người chơi xe cổ khi được hỏi đều nói rằng, họ đam mê vẻ thanh lịch mang đậm dấu ấn thời gian của những chiếc Vespa, Mobylette, Lambretta, motor cổ... mà các dòng xe đời mới không thể nào có được. Dạo gần đây, loại xe 67 và cub 50  (2 loại xe khá phổ biến vào thập niên 60 và 80) cũng được nhiều người lùng mua, lên đời lại. Nhiều xe khá đẹp, song một số người chơi xe cổ chuyên nghiệp lại cho rằng, 2 loại xe này dường như cần thêm thời gian để có thể liệt vào hàng xe cổ.

 

Chiếc xe Vespa dài 3 mét của anh Minh - trưởng CLB xe cổ Long Khánh.

Chơi xe cổ “hạng sang” còn có những người chơi xe hơi cổ, song giới chơi xe cổ ở Đồng Nai hiện nay, mà nhiều nhất là ở Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành... đa phần sưu tập các loại xe 2 bánh. Có người sở hữu một vài chiếc, có người sở hữu đến cả chục chiếc đủ loại; tất cả đều để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Mỗi người chơi xe có một sở thích riêng. Ai thích vẻ thanh lịch, sang trọng thì chọn Vespa với những đường nét uốn lượn đẹp mắt; thích giản dị và thô mộc thì chọn Mobylette; ưa “hầm hố” thì đến với các loại motor. Đoàn Quang Trưởng, trong giới gọi là Trưởng Army (army: phong cách quân đội) - trưởng câu lạc bộ motor cổ Đồng Nai (gọi là CD Club với CD là tên một loại xe motor mà giới chơi xe cổ rất ưa chuộng) - cho biết, anh đam mê vẻ mạnh mẽ, chịu chơi của chiếc motor cổ mình đang sử dụng, và cũng như nhiều chiếc xe cổ khác, nó có một vẻ đẹp dường như “vượt thời gian” mà các loại xe đời mới không có được.

 

Xe cổ được các người chơi từ ba miền đất nước trưng bày lại Lễ hội xe cổ 2008.

Trưởng nói, thông thường, chơi xe cổ có 2 “trường phái”, một là để nguyên sơ vẻ đẹp cũ kỹ của những chiếc xe, càng nguyên bản càng tốt, càng quý. Thứ 2 là xe cổ được “độ” theo sở thích của người chơi, càng “độc” càng tốt, thậm chí nhiều xe “đi” rất xa với thiết kế ban đầu với đủ loại phụ tùng, vật liệu tự “chế” của chủ nhân. Tại Lễ hội xe cổ Việt Nam tổ chức mới đây ở Khu du lịch Vườn Xoài, huyện Long Thành, rất nhiều chiếc xe cổ được “độ” rất lạ mắt đã được trưng bày, trở thành niềm tự hào của người chơi xe.

 

* Chăm hơn “con mọn”

 

Chơi xe cổ thì phải chăm chút, đầu tư từng tí một, dẫu có theo “trường phái” nào chăng nữa. Trưởng Army nói, muốn chơi xe phải chấp nhận sự công phu, tốn kém, chịu bỏ công khắc phục từng “tính xấu” nhỏ nhất của chiếc xe, nếu không thì người và xe dễ “chia tay” nhau lắm. Nhất là nên biết một chút về sửa xe, vì xe cổ thường là những chiếc xe đỏng đảnh, hay hư lặt vặt, nên nếu người đi không biết sửa sơ sơ, khi di chuyển trên đường khá bất tiện. Chơi xe cổ cũng rất tốn kém, nhất là với những người mê thực sự thì chi phí đầu tư vào xe... khó có điểm dừng vì ý tưởng là phải tìm cách hoàn thiện chúng; chưa kể có chiếc này rồi lại muốn có thêm chiếc khác. Điển hình là chiếc CD theo phong cách quân đội của Trưởng Army. Đó là một chiếc motor của hãng Suzuki, ra đời khoảng thập niên 1960 - 1970, Trưởng mua vào năm 2005 với giá chỉ tròm trèm 1 triệu đồng. Khi mới mua về, chiếc xe cũng “te tua” lắm, Trưởng phải lên mạng tìm hiểu, hỏi bạn bè, tìm cách phục chế và lên đời nó. Mê phong cách bụi bặm, “hầm hố” của quân đội nên Trưởng lần mò tìm phụ tùng, màu sơn, xem kiểu, tìm thợ... để phục chế chiếc xe theo phong cách mình muốn. Khó có thể đếm hết thời gian Trưởng mày mò với chiếc xe của mình, chỉ biết để có chiếc xe motor CD “chiến” như hiện giờ, anh phải bỏ vào khoảng 50 triệu đồng.

 

Một chiếc xe được “decor” rất lạ.

Anh Nguyễn Hữu Minh, chủ tịch câu lạc bộ xe cổ ở Long Khánh nói, anh mất 5 tháng để “độ” chiếc Vespa thông thường của mình thành chiếc Vespa bề ngang 1m, dài 3m độc nhất vô nhị của mình. Đầu tiên là lên mạng tìm mẫu, ưng ý rồi thì bắt tay vào làm. Vì là xe “độ” lạ mắt nên anh phải tự chế thêm phụ tùng, chế thêm các chi tiết xe rồi tỉ mẩn ráp tới ráp lui, sơn, sửa... với tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng. Anh Minh đang nuôi ý định sẽ cho chiếc xe Vespa của mình dự thi Kỷ lục Việt Nam trong năm tới. Anh Toàn, cũng là một thành viên trong câu lạc bộ xe cổ Long Khánh, sở hữu đến 6 chiếc xe cổ các loại cho biết, tính sơ sơ từ lúc chơi xe đến nay, anh đã bỏ vào đó khoảng... 200 triệu đồng. Chính vì vậy, nên rất khó để định giá xe cổ, chỉ là những người mê xe trao đổi với nhau, ước lượng rồi “thuận mua, vừa bán”. Có khi thấp hoặc cao hơn giá trị thực của chiếc xe, nhưng điều này không thành vấn đề vì dân chơi xe quan niệm đó là chia sẻ một đam mê, chứ không mấy ai đầu tư mua bán xe cổ để kiếm lời.

 

* Rong ruổi cùng xe cổ

 

Số lượng nhóm, câu lạc bộ, hội... chơi xe cổ ở Đồng Nai cũng khó để thống kê một cách chính xác vì thường các nhóm được hình thành tự phát, các thành viên chơi xe tự nguyện tìm đến nhau, cùng chia sẻ đam mê. Ai có nhiều kinh nghiệm thì được anh em “bầu” làm hội trưởng. Hiện tại, Biên Hòa có khá nhiều nhóm chơi xe cổ, nhưng theo Trưởng Army thì các nhóm thường chỉ gặp nhau vào lễ, tết cho một hoạt động chung nào đó, còn bình thường, nhiều người chơi xe cổ hay trao đổi với nhau qua các diễn đàn trên mạng. Ngoài ra, cũng có những người chơi xe cổ cho riêng mình, không tham gia một nhóm hay diễn đàn nào cả. Câu lạc bộ của Trưởng Army khi có điều kiện cũng thường gặp nhau, uống cà phê, trao đổi, còn không thì gặp nhau trên diễn đàn của những người mê CD, cập nhật thông tin về nhau khá thường xuyên và đầy đủ. Câu lạc bộ xe cổ ở Long Khánh thì chọn cách gặp nhau cuối tuần ở công viên gần nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh để vừa trao đổi kinh nghiệm chơi xe vừa đàm đạo chuyện đời. Xe của thành viên nào vừa được lên đời, có gì mới, mua bán qua lại... đều được các thành viên “khoe” với nhau vào những dịp gặp gỡ trên.

 

Trưởng Army với chiếc Motor CD của mình.

Các nhóm mê xe cổ cũng rất chịu đi xa. Các chuyến đi có nhiều mục đích: làm từ thiện, kết nối thành viên, tham quan... bằng những chiếc xe cổ tâm huyết của mình. Câu lạc bộ CD của Trưởng đi khá nhiều: Đà Lạt, miền Tây, Nha Trang, Phan Thiết..., thậm chí đi xuyên Việt. Dịp lễ trung thu 2008, nhóm của Trưởng kéo nhau vào tận Mã Đà (Vĩnh Cửu) để tặng quà trung thu cho trẻ em nghèo, năm ngoái còn kéo nhau xuống tận miền Tây tặng nhà tình thương. Trưởng nói: “Những chuyến đi khiến anh  em mê xe cổ có dịp trao đổi, gần gũi nhau hơn, đi còn là để thưởng thức cảnh đẹp, thưởng thức cảm giác vi vu trên xe cổ, và nếu gắn với việc làm từ thiện thì thành viên nào cũng hào hứng tham gia vì chuyến đi của mình có thêm ý nghĩa”. Dong Nai CD Club của Trưởng có khoảng 15 thành viên, hầu hết ở Biên Hòa, đang dự định đi xuyên Việt sau Tết Nguyên đán.

 

Câu lạc bộ xe cổ Long Khánh “show” vào mỗi ngày chủ nhật tại khu vực Tượng đài chiến thắng Long Khánh.

Câu lạc bộ xe cổ Long Khánh của anh Minh có khoảng 30 thành viên, chơi với nhau hơn chục năm nay nhưng mới chỉ thành lập câu lạc bộ gần một năm. Câu lạc bộ cũng đã đi xa nhiều chuyến: lên Đà Lạt, ra các tỉnh miền Trung..., và anh Minh khẳng định chắc nịch, trong thời gian gần nhất sẽ lên kế hoạch đi xa làm từ thiện.

Vi Lâm

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều