Báo Đồng Nai điện tử
En

Thoáng ký ức Biên Hòa xưa

05:01, 17/01/2009

Biên Hòa ngày nay nhộn nhịp sầm uất với tầm đô thị loại 2, nhưng lớp cư dân Biên Hòa bây giờ mấy ai biết, hoặc hình dung ra vùng đất mình sinh sống cách đây gần 70 năm trước? Xin được trích một đoạn hồi ức của ông Đinh Quang Dữa về một giai đoạn của Biên Hòa. Quê gốc ở Nam Định, vì cái nghèo phải tha phương cầu thực khắp nơi, sau đó ông nhận Biên Hòa là quê hương thứ hai. Từ vị trí làm bồi cho ông bà Balick, Hiệu trưởng Trường mỹ nghệ, năm 1945 ông Ba Dữa tham gia cách mạng, sau đó bị giam cầm ở Côn Đảo cho đến ngày được trao trả theo Hiệp định Paris 1973, và là một trong những người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Biên Hòa.

Ông Đinh Quang Dữa.

Biên Hòa ngày nay nhộn nhịp sầm uất với tầm đô thị loại 2, nhưng lớp cư dân Biên Hòa bây giờ mấy ai biết, hoặc hình dung ra vùng đất mình sinh sống cách đây gần 70 năm trước? Xin được trích một đoạn hồi ức của ông Đinh Quang Dữa về một giai đoạn của Biên Hòa. Quê gốc ở Nam Định, vì cái nghèo phải tha phương cầu thực khắp nơi, sau đó ông nhận Biên Hòa là quê hương thứ hai. Từ vị trí làm bồi cho ông bà Balick, Hiệu trưởng Trường mỹ nghệ, năm 1945 ông Ba Dữa tham gia cách mạng, sau đó bị giam cầm ở Côn Đảo cho đến ngày được trao trả theo Hiệp định Paris 1973, và là một trong những người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Biên Hòa.

“... Sớm hôm sau, đi tàu chợ Sài Gòn Biên Hòa, xuống ga xép Chợ Đồn, chúng tôi đi bộ về nhà anh ruột thầy Sáu ở cù lao Phố. Nhà ở lưng dốc cầu Gành, nhìn thẳng đường vào cầu cống ở xóm Thành Hưng.

Qua Tết, tôi thưa chuyện để đi làm cho Trường mỹ nghệ. Ngày ngày qua cầu Rạch Cát, tôi đi làm cu li (bây giờ gọi là tạp vụ) cho phòng trưng bày Trường mỹ nghệ. Công việc nhẹ nhàng: hàng ngày quét dọn, lau chùi tủ kính và kính cửa; nếu khách mua hàng thì lấy rơm bao món đồ, nhất là đồ gốm cho khỏi trầy vỡ rồi đóng thùng. Ở xưởng có chiếc máy nghiền đá, khi thiếu người chạy máy và nạp đá để nghiền thì tôi thế chân. Lương tháng 13 đồng, tính ra công nhật năm hào, trừ bốn chủ nhật không làm việc. Sức trai như tôi, làm vậy là nhàn nhã. Lương một tháng ở đây bằng tôi làm cho chủ cũ sáu năm rưỡi! Lương tôi chỉ thua thư ký đơn giản (secrétaire simple) 2 đồng.

Sáu tháng sau, tôi chuyển công việc sang làm bồi cho ông bà Balick. Công việc của bồi đại để như sau: sáu giờ nấu nước chuẩn bị pha cà phê, bảy giờ chủ dậy mở cửa thì tôi dọn ra bàn các thứ điểm tâm, chủ ăn uống xong qua trường ở bên kia đường thì mình dọn rửa... Ông bà Balick sống ở đây như cặp vợ chồng son, hai con đưa về bên Pháp học. Bà Balick nói năng nhỏ nhẹ, chưa bao giờ to tiếng. Có lúc tôi ra vào vội vã lỡ đụng, bà vẫn mỉm cười, vẻ rộng lượng tha thứ. Ông Balick đôi khi nóng tính gắt gỏng người khác, nhưng đối xử tốt với bồi bếp trong nhà.

Ông bà Balick và bạn bè.

Mùa hè, ông bà Balick hay đi nghỉ ở bãi biển Long Hải. Cuộc sống của ông bà khá vương giả, có xe hơi riêng, có radio (Hồi đó tỉnh lỵ Biên Hòa chỉ có dăm chiếc, một của chánh tham biện, một của phó tham biện, một của viên chỉ huy sân bay và một của ông bà Balick. Ông cha xứ nhà thờ Biên Hòa hàng ngày phải qua nghe nhờ tin tức).

Khoảng năm 1940, khi tôi đặt chân đến Biên Hòa thì tỉnh lị này xinh xắn, rợp bóng cổ thụ sao, dầu cao hàng chục mét, bình lặng và yên ả. Phố phường rất nhỏ, nhà cửa phần đông là nhà trệt lợp ngói mũi hoặc ngói âm dương xúm xít quanh chợ Dinh (tên cũ của chợ Biên Hòa từ hồi đặt Dinh Trấn Biên).

Đường 30-4 bấy giờ đã được người Pháp đặt tên là đường Trịnh Hoài Đức. Nhà cửa san sát khoảng nửa dãy phố tính từ bùng binh (nay là công trường Sông Phố) lên câu lạc bộ Sông Phố bây giờ một chút. Mặt tiền là phố, phía sau còn toàn là ao đìa. Công viên Biên Hùng còn là bãi cỏ rộng ăn lan xuống mép hồ nước hàng chục mẫu tây, ở đây có thể thấy xe lửa từ ga chạy vào dốc Sỏi tới sân bay (ngang qua khu phố 3 và khu phố 5 phường Trung Dũng bây giờ).

Từ bùng binh sau lưng Tòa bố (UBND tỉnh bây giờ) tới Hãng Dầu, phía mé sông mới lưa thưa ít nhà. Đi trên phố có thể nhìn thấy toàn cảnh làng xóm Chợ Đồn bên kia sông và cù lao Phố. Hai cây cầu Gành và Rạch Cát nổi bật trên nền các chòm cây xanh biếc vào buổi chiều.

Con đường từ chợ Biên Hòa đi Bửu Long chỉ có nhà cửa tới quá Tòa án tỉnh hiện nay một khúc. Hồ Long Ẩn lúc đó chưa có vì người ta chưa đào đất, khai thác đá.

Từ Vườn Mít xuống tới Tam Hiệp, hai bên đường có những cây sao, dầu cổ thụ tán lá um tùm giao nhau che rợp con đường rộng khoảng 5 mét, trải đá xanh (đường Phạm Văn Thuận bây giờ). Bên trái đường có sở cao su Espinasse từ quãng dưới ngã ba Máy Cưa một tí chạy dài tới cầu Mương Sao. Làng Tân Mai ở bên phải, nhà cửa thưa thớt chừng hơn chục nóc, toàn là nhà lá, không có hàng quán nào. Tiếp đó là rừng chồi với những bụi tre mọc sát đường. Đi khoảng vài cây số nữa mới tới vài chòm nhà thuộc ấp Vĩnh Cửu (Tam Hiệp bây giờ).

Giờ học thực hành của thầy trò Trường mỹ nghệ khoảng thập niên 40 thế kỷ XX.

Nhà ông bà Balick ở góc đường 30-4 và Cách mạng tháng Tám hiện nay. Nhà Thiếu nhi tỉnh là tư dinh viên Chánh tham biện (tỉnh trưởng) Larivière. Phó tham biện Noroeskamart ở căn lầu mé sông (Nhà in Đồng Nai hiện nay). Phòng công chứng cạnh Sở Tư pháp là nhà viên Chánh kiểm lâm Goutier. Phó kiểm lâm Bochon ở căn nhà cạnh bưu diện Quyết Thắng (sát Sở Giáo dục - đào tạo). Nhà giám đốc Công chánh Tuilier là Sở Xây dựng hiện giờ, còn Tòa án tỉnh là nơi cư ngụ của Chánh án Tạ Trung Nhàn. Trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh hồi đó là câu lạc bộ của Thanh niên miền Đông Nam kỳ.

8 giờ tối thứ sáu ngày 9-3-1945, xảy ra biến cố Nhật đảo chánh Pháp. Tối đó, vợ chồng tôi đi chơi chợ Biên Hòa, không khí vẫn bình lặng như bao tối khác. Đến khoảng 8 giờ 30, đang ngủ say thì nghe tiếng dộng cửa thình thình. Bật đèn lên, tôi thấy lính Nhật dùng báng súng dộng cửa bung ra. Bà Balick cuống lên, bọn lính Nhật gạt bà ra, xông vào lôi ông Balick đi. Bà kêu tôi:

- Mày qua kêu ông Cò xem sao?

Tôi chui qua hàng rào, sang nhà viên Cò Lafont và Martin kế sát vách.Trong nhà tối thui, im ru, chắc mấy cha này bị Nhật tóm cổ hết rồi. Tôi trở về, ánh đèn phin chợt lóe sáng: tôi đụng đầu một tên Nhật. Nó dòm tôi một hồi rồi lẳng lặng bỏ đi. Hú vía! Tôi về báo cho bà Balick, bà than thở:

- Thôi, có lẽ họ bị bắt trước rồi.

Súng lác đác nổ vài tiếng lẻ loi. Bọn lính Nhật vào tư dinh Tỉnh trưởng ngay trước cửa nhà ông bà Balick, yêu cầu người lính gác nộp súng. Anh này bỏ chạy vào trong, lính Nhật đuổi theo, dùng lưỡi lê đâm chết rồi kéo xác ra đặt ngay bót gác để thị uy.

Sáng ngày 10-3, phố xá vắng vẻ hơn ngày thường, ai nấy rút vào trong nhà dò xem động tĩnh. Các quan chức dân sự Pháp bị nhốt tạm ở Tòa án Biên Hòa, số nhà binh như viên quan năm chỉ huy sân bay, Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng, Cò cảnh sát, Giám đốc Sở Công chánh... bị gom hết về Nhà máy cưa Biên Hòa. Tất cả các nhà Tây đều có lính Nhật gác. Bà Balick mời tên lính Nhật gác cửa ăn uống, có vẻ lấy lòng, nhưng hắn gạt đi, xì xồ một hồi, ra vẻ không đồng ý.

Ngày 11-3, ông Balick được tha về, gặp ai cũng bắt tay mừng rỡ. Ông kể sơ:

- Hai ngày qua, sợ và đói. Lính Nhật chỉ cho ăn vài củ khoai lang và uống vài tách trà...

Đến tháng 4-1945, tất cả những người Pháp ở Biên Hòa đều bị Nhật đưa về tập trung ở Sài Gòn. Ông bà Balick trước khi đi đã trả công cho bồi bếp trong nhà, còn tặng một số vật dụng. Đồ đạc trong nhà lớp bán, lớp chở đi sạch trơn. Cuốn Từ điển Bách khoa tiếng Pháp có người ở Biên Hòa mua với giá tới 100 đồng..."

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều