Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu cải lương 2008: Chờ làn gió mới

08:01, 16/01/2009

Năm 2008, sân khấu cải lương đánh dấu hoạt động hết sức rầm rộ của một bộ phận các nghệ sĩ thế hệ vàng, nổi bật là Sân khấu vàng do hai nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy khởi xướng và điều hành hoạt động. Hàng loạt vở diễn thuộc hàng kinh điển đã được dựng lại và tạo được hiệu ứng tốt, thổi một làn sinh khí mới cho sàn diễn cải lương vốn khá im ắng trong những năm gần đây…

Năm 2008, sân khấu cải lương đánh dấu hoạt động hết sức rầm rộ của một bộ phận các nghệ sĩ thế hệ vàng, nổi bật là Sân khấu vàng do hai nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy khởi xướng và điều hành hoạt động. Hàng loạt vở diễn thuộc hàng kinh điển đã được dựng lại và tạo được hiệu ứng tốt, thổi một làn sinh khí mới cho sàn diễn cải lương vốn khá im ắng trong những năm gần đây…

 

* Trào lưu dựng lại vở cũ!

 

Năm 2007 là năm khá rộn ràng với nhiều liveshow của các nghệ sĩ tài danh như: Bạch Tuyết, Thanh Sang, Lệ Thủy, Diệu Hiền… Các show này thường sử dụng các trích đoạn, ca cảnh xen kẽ nhau như một chương trình tổng hợp. Đây là xu hướng khá phổ biến và cũng được các ông bầu cải lương khai thác triệt để trong nhiều chương trình của mình. Tuy nhiên, bước sang năm 2008, khán giả có vẻ bội thực với những đêm diễn chỉ toàn các trích đoạn, cảm xúc cứ bị chơi vơi, đứt đoạn, nhu cầu thưởng thức trọn vở cải lương bắt đầu nhen nhúm. Khởi đầu là sự kiện nghệ sĩ hải ngoại Phượng Liên về nước hồi đầu năm và hợp tác với nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng lại vở Nửa đời hương phấn, quy tụ nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội như: Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tòng, Tú Trinh… Ngay lập tức vở đã tạo nên cơn sốt vé. Nhà hát Trần Hữu Trang sau đó phải tái diễn thêm vài suất nữa để phục vụ cho nhu cầu khán giả. Sự thành công này phần nhiều do Nửa đời hương phấn đã có sức sống quá bền bỉ trong lòng người mộ điệu cải lương và đến với vở diễn lần này khán giả lại có dịp gặp lại những gương mặt đã từng tạo nên dấu ấn của Nửa đời hương phấn thuở trước.

 

Nghệ sĩ Lệ Thủy và Phượng Liên trong vở “Tiếng trống Mê Linh”.

Bắt nhịp được nhu cầu của khán giả, tháng 4-2008, Sân khấu vàng do đôi bạn diễn ăn ý Lệ Thủy - Minh Vương đã chính thức ra mắt với một kịch bản cũ Sông dài được dàn dựng lại với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu… Sông dài được đánh giá cao đã tạo cú hích cho Sân khấu vàng tiếp tục hành trình dàn dựng lại các vở diễn kinh điển khác như: Lá sầu riêng, Tô Ánh Nguyệt, Rạng ngọc Côn Sơn… Vở diễn nào cũng được xem là thành công bởi dàn nghệ sĩ chắc tay và rất có trách nhiệm với nghề. Phải ghi nhận Sân khấu vàng đã có nhiều nỗ lực để kéo khán giả đến rạp ngày càng đông trong những suất hát của mình.

Theo chân những bậc tiền bối, các nghệ sĩ thế hệ sau như: Vũ Linh, Vũ Luân… cũng bắt tay đầu tư dựng lại các kịch bản cũ, như: Tấm Cám, Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Về đất Kinh Châu, Giang sơn mỹ nhân… và cũng thu được những kết quả khá khả quan.

 

Đánh giá về trào lưu này, một đạo diễn cho rằng đây là giải pháp an toàn trong tình hình sân khấu cải lương quá khan hiếm kịch bản cải lương hay như hiện nay. Kịch bản cũ đã có sẵn “cảm tình” với khán giả, mỗi tình tiết, cao trào đã như in như khắc vào tâm trí của người xem bởi thế khi dàn dựng lại cũng không quá nhọc công. Tuy nhiên, không hẳn cứ dựng lại vở kinh điển là “ăn” mà cần phải có sự góp mặt của những nghệ sĩ gạo cội, những người đã làm nên dấu ấn cho vở diễn ấy thuở trước. Rõ ràng, khán giả hào hứng với trào lưu này cũng có nghĩa là họ cũng đang sống trong hoài niệm, họ chỉ muốn chứng kiến lại một thời hoàng kim xa xưa của cải lương với những kịch bản bất hủ và những nghệ sĩ tài hoa ngày ấy. Nhưng những tài danh đào - kép sáng giá thuở trước đã dần bước vào tuổi xế chiều, liệu họ có thể gánh vác hình ảnh hoàng kim của cải lương đến bao giờ khi một lớp nghệ sĩ mới đủ năng lực vẫn chưa thật sự xuất hiện?

 

* Mong mỏi những làn gió mới!

 

Không thể phủ nhận trào lưu dựng lại những vở diễn kinh điển đã góp phần làm cho sân khấu cải lương thêm rộn ràng trong năm qua. Thế nhưng cứ chăm chăm vắt kiệt những cái có sẵn mãi sẽ đến lúc chúng ta lâm vào bế tắc. Nhiều nghệ sĩ tâm huyết với cải lương cũng tự thân vận động bằng cách chạy đôn chạy đáo đặt hàng các tác giả mong tìm được một kịch bản cải lương ưng ý. Nhưng để tìm được một tác giả viết cải lương chuyên nghiệp ngày nay nhiều lúc khó như… hái sao trên trời! Hoạt động sân khấu cải lương ngày càng khó khăn, viết một vở chẳng diễn được bao nhiêu suất, cát-sê bọt bèo, vậy là các cây bút cứ bung ra viết kịch hay viết kịch bản phim khỏe hơn mà lại nhiều tiền.

 

Đôi khi có kịch bản tốt nhưng diễn viên cứ mải chạy sô, tập dợt lơ là, những mảng miếng đắc địa của kịch bản không được khai thác, đào sâu khi công diễn vở rơi vào tình trạng mờ nhạt nên cũng nhanh chóng chết yểu trong một sớm một chiều.

 

Nghệ sĩ Thanh Tòng và Phượng Liên trong vở “Nửa đời hương phấn”.

Một điều cũng rất quan trọng mà tác giả Hoàng Song Việt lưu ý rằng cải lương cần có chiến lược mở rộng đối tượng khán giả của mình. Một vở mới cho dù hay đến mấy, diễn chừng 3, 4 đêm là bắt đầu vắng khách vì khán giả trung thành với cải lương mấy năm gần đây dường như chỉ bấy nhiêu, chưa phát triển lên thêm. Đối tượng mở rộng ở đây phải là khán giả trẻ, những fan tiềm năng đang bị cuốn theo những loại hình giải trí rất sôi động khác như: ca nhạc, phim ảnh… Nhưng chiến dịch “lôi kéo” nhiều lúc cũng rất đau đầu. Ví như những thể nghiệm từ hai vở cải lương hoành tráng Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga có kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào cải lương như: hát opera, múa ba lê, nhạc nhẹ… để thu hút các bạn trẻ cũng vấp phải nhiều phản ứng rất gay gắt. Những người thực hiện cho biết họ chấp nhận những ý kiến trái chiều khác nhau về sự thể nghiệm mới mẻ này nhưng nản lòng nhất là kiểu suy nghĩ chụp mũ, muốn đập tan, bóp chết cái mới… Với cách hành xử “thô bạo” như vậy thì nhiệt huyết muốn đem đến sự mới mẻ, làn gió mới cho cải lương rất dễ bị thui chột!

 

Những ai yêu cải lương có lẽ sẽ không muốn chứng kiến bộ môn nghệ thuật dân tộc cứ mãi trong tình trạng “lờ đờ nước hến…” như hiện nay. Cải lương đang khắc khoải chờ đợi những làn gió mới để tạo nên một sinh khí, một thần thái thật mạnh mẽ. Ai có thể “quạt” nên những làn gió đó? Câu trả lời có thể được giải đáp từ sự quyết liệt sống chết với nghề của từng nghệ sĩ, sự quan tâm nâng đỡ của các cấp lãnh đạo và sự yêu mến hết lòng của khán giả chúng ta!

Đ.V

 

 

Tin xem nhiều