Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế Việt Nam năm 2009: Chịu tác động khủng hoảng tài chính toàn cầu

05:01, 21/01/2009

Đón Xuân Kỷ Sửu - 2009, cả thế giới lo âu về một bức tranh kinh tế ảm đạm trong năm mới. Còn Việt Nam chúng ta đang dồn mọi nỗ lực để vừa kiềm chế lạm phát vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ông cha ta thường nói “trong họa có phúc”. Trong kinh tế: thách thức và cơ hội luôn đi liền nhau. Liệu chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong quá trình toàn cầu hóa?

Đón Xuân Kỷ Sửu - 2009, cả thế giới lo âu về một bức tranh kinh tế ảm đạm trong năm mới. Còn Việt Nam chúng ta đang dồn mọi nỗ lực để vừa kiềm chế lạm phát vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ông cha ta thường nói “trong họa có phúc”. Trong kinh tế: thách thức và cơ hội luôn đi liền nhau. Liệu chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong quá trình toàn cầu hóa?

 

* Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu từ khủng hoảng tài chính

 

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta có thể rút ra một số nhận định sau đây:

 

+ Về nguyên nhân: Trong quá trình trước khủng hoảng, bất động sản ở Mỹ được chứng khoán hóa bằng các công cụ tài chính, kể cả các chứng khoán phái sinh, gắn chứng khoán với bất động sản. Sự liên thông của hai thị trường này đã tạo nên một sự cộng hưởng to lớn. Vòng xoay diễn biến theo chiều hướng: giá bất động sản tăng vọt dẫn đến ngân hàng cho vay mua bất động sản một cách dễ dãi, dẫn đến tăng giá bất động sản, dẫn đến lôi kéo giới đầu tư khắp thế giới tham gia. Từ đó tạo nên một vòng xoáy thu hút các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư tham gia đẩy giá chứng khoán bất động sản tạo nên một “bong bóng” về chứng khoán bất động sản cực lớn. Vòng xoay này như một bánh xe quay liên tục với tốc độ nhanh thu hút sự tham gia của nền tài chính toàn cầu. Hiện tượng đầu cơ thái quá, cùng với sự tham lam vô độ của các định chế tài chính, tín dụng đã dẫn dắt thị trường đạt điểm đỉnh của nó, nên việc gì đến đã đến.

 

Cần áp dụng các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm ổn định sản xuất.

+ Từ đầu năm 2008, vòng xoay của bánh xe chậm lại, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu đóng băng: người mua nhà, nhà đầu tư, người đầu cơ mất dần khả năng trả nợ. Diễn biến này dẫn đến sự mất dần thanh khoản của cả hai thị trường chứng khoán và bất động sản.

 

 + Hệ quả tất yếu: Bánh xe của thị trường đột nhiên dừng lại dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các định chế tài chính - tín dụng. Chính phủ bắt đầu giải cứu thị trường theo nguyên tắc: Chỉ cứu những định chế tài chính - tín dụng, mà sự sụp đổ của nó dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền; chấp nhận để phá sản những định chế tài chính - tín dụng, mà nếu “chết” không ảnh hưởng nhiều đến các định chế tài chính - tín dụng khác. Với cách giải cứu của Chính phủ Mỹ như trên đã tạo ra tư tưởng hoảng loạn đối với tất cả các định chế tài chính - tín dụng (do thị trường không biết được định chế tài chính - tín dụng nào được cứu, cái nào không được cứu). Sự hoảng loạn của thị trường đã đe dọa sự suy sụp của hệ thống tài chính toàn cầu. Trước tình hình đó, giải pháp cứu thị trường trọn gói với số tiền 700 tỷ USD nhằm tạo ra thanh khoản cho các định chế tài chính - tín dụng (đây chỉ là số vốn mồi giúp cho thị trường tự cứu mình) nhằm mục đích củng cố được niềm tin của các nhà đầu tư, nhưng đến nay chưa có kết quả đáng kể.

 

+ Những nỗ lực của Chính phủ Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác gần đây nhằm cứu nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi nguy cơ một cuộc đại khủng hoảng, chưa có nhiều hy vọng để đạt kết quả, nên nền kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi sự suy thoái trong năm 2009. Hiện tượng giảm phát của nền kinh tế toàn cầu do suy thoái có thể sẽ xảy ra; sức mua chung của thị trường sẽ giảm; tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ở cả ba mặt: (1) Thị trường xuất khẩu sẽ giảm, do quy mô thị trường thế giới bị thu hẹp, nhất là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu khó có thể tăng, trong khi giá cả giảm; (2) Giải ngân FDI sẽ chậm lại do các nhà đầu tư không huy động được vốn trên thị trường tài chính thế giới; (3) Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) cũng sẽ giảm, kể cả các quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng dựa vào việc huy động vốn của thị trường tài chính quốc tế.

 

Khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ảnh hưởng trực tiếp làm suy sụp thị trường tài chính Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam sẽ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực nặng nề, mà 3 lĩnh vực nêu trên đang là thách thức trước mắt và do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân tổng thể về ngoại hối của nước ta trong năm 2009. Đây là thách thức cần phải vượt qua, nhằm duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

 

* Chủ động và nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế

 

Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã chủ động kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế và nhất là áp dụng các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm ổn định sản xuất. Thông qua các biện pháp, mà Chính phủ công bố gần đây cho thấy, trước hết là ổn định thị trường tài chính. Điểm đáng lo ngại nhất đối với thị trường tài chính Việt Nam là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại. Phải bảo đảm chắc rằng không có bất cứ một ngân hàng thương mại nào mất thanh khoản. Trong tình hình hiện nay, chỉ cần một ngân hàng thương mại nào, dù nhỏ, mất thanh khoản đều để lại hậu quả khó lường (Hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại giống như một đoàn xe đạp đang đi, dù chạy nhanh hay chạy chậm cũng được cả, nhưng không được để chiếc nào dừng lại dẫn đến sự đổ ngã cả đoàn). Do đó, trong thời gian gần đây Chính phủ đã củng cố niềm tin của dân chúng về hệ thống tín dụng của Việt Nam sẽ an toàn, vì sau lưng có Chính phủ.

 

Công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chịu ảnh hưởng không nhỏ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 

Mặc dù hiện nay chúng ta đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhưng năm 2009 tình hình đang có xu hướng xoay chiều  diễn ra giảm phát. Do đó, giải pháp kích cầu thị trường trong nước, đặc biệt thị trường nông thôn, đang được thực thi nhằm duy trì tốc độ sản xuất, khi xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó cũng đang triển khai lộ trình nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất, để kích cầu đầu tư và tiêu dùng; siết chặt hơn nữa nhập khẩu, giảm mức thấp nhất về nhập siêu; giảm đầu tư khu vực công; giảm thuế. Nếu năm 2008 trọng tâm trong chính sách vĩ mô tập trung vào chính sách tiền tệ, thì năm 2009 trọng tâm  là chính sách tài khóa (đầu tư công, thuế...).

 

Ảnh hưởng của tài chính và kinh tế toàn cầu khá nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta cơ cấu lại đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nội bộ nền kinh tế, do quá trình phát triển nặng về lượng, nhưng kém về chất trong những năm qua để lại. Cơn bão tài chính, kinh tế toàn cầu buộc chúng ta phải xem xét lại độ bền vững “ngôi nhà” của mình, mà những thách thức trong quá trình toàn cầu hóa đang còn ở phía trước.

 

TS. Trần Du Lịch

 

 

 

 

Tin xem nhiều