Báo Đồng Nai điện tử
En

HLV Ngô Lê Bằng - trợ lý ngôn ngữ đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008:
“Calisto và đội tuyển Việt Nam - chuyện bây giờ mới kể”

03:01, 13/01/2009

“Công lao đầu tiên và lớn nhất của chức vô địch AFF Cup 2008 thuộc về HLV trưởng Calisto. Tại sao cũng với tập thể này thôi mà chúng ta lại có một đội bóng đoàn kết hơn bao giờ hết. Tại sao cũng với những con người ấy mà đội bóng lại tìm được lối chơi và chơi đúng như thế...”. HLV Ngô Lê Bằng - trợ lý ngôn ngữ và là người có điều kiện gần gũi HLV Calisto đã khẳng định như thế với chúng tôi trong cuộc trò chuyện mừng anh và đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) chỉ 5 ngày sau chiến tích lịch sử, vào một đêm đầu năm mới ngay tại Biên Hòa.

“Công lao đầu tiên và lớn nhất của chức vô địch AFF Cup 2008 thuộc về HLV trưởng Calisto. Tại sao cũng với tập thể này thôi mà chúng ta lại có một đội bóng đoàn kết hơn bao giờ hết. Tại sao cũng với những con người ấy mà đội bóng lại tìm được lối chơi và chơi đúng như thế...”. HLV Ngô Lê Bằng - trợ lý ngôn ngữ và là người có điều kiện gần gũi HLV Calisto đã khẳng định như thế với chúng tôi trong cuộc trò chuyện mừng anh và đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) chỉ 5 ngày sau chiến tích lịch sử, vào một đêm đầu năm mới ngay tại Biên Hòa.

 

* Niềm tin: “HLV Calisto đã sớm tạo dựng niềm tin ĐTVN sẽ vào chung kết”

 

* Đội tuyển đã có một quá trình khởi đầu hết sức khó khăn với 10 trận không thắng, trận thứ 11 mở đầu AFF Cup lại thất bại dễ dàng trước Thái Lan, có lúc nào toàn đội cảm thấy dao động, nhất là ở HLV Calisto?

 

- Trước khi lên đường sang Phuket, HLV Calisto gọi chúng tôi lại và nói: hãy nhớ lại trận giao hữu lượt về với Singapore, rất nhiều cầu thủ của họ bị vọp bẻ nằm sân. Đây chính là mục tiêu chúng ta sẽ đạt tới. Singapore có khả năng đứng đầu bảng A, chúng ta có khả năng đứng thứ nhì ở bảng B, cho nên chúng ta phải nhắm tới 2 trận bán kết. Ông Tô đã nói trước toàn quân như vậy và tạo dựng niềm tin ĐT sẽ xử lý được 2 trận bán kết với Singapore. Ông thừa nhận vào chung kết gặp Thái Lan chúng ta có thể khó khăn nhưng hãy thanh thản giải quyết 2 trận bán kết này đi. Do đó, sau trận đầu thua Thái Lan ở vòng bảng ĐT rất buồn nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng sẽ vào bán kết và sau đó hoàn toàn có niềm tin sẽ vượt qua người Sing.

 

Đội tuyển Việt Nam vô địch Cúp AFF 2008.

* Chuẩn bị tâm lý: “Các anh đã không xứng đáng với tổ tiên, với cha ông các anh trong những cuộc chiến chống ngoại xâm !”

 

* Tôi nghĩ ông Calisto là một bậc thầy tâm lý với rất nhiều thủ thuật kích thích tinh thần tướng sĩ?

 

- Sau trận thua Thái Lan ở vòng bảng, chúng tôi đã có một buổi kiểm điểm sâu sắc và ông Calisto đã tâm sự rất lâu với các cầu thủ. Ông phê phán, chê trách tâm lý thi đấu của toàn đội và giận dữ mắng xối xả: “Các anh đã không xứng đáng với tổ tiên, với cha ông các anh trong những cuộc chiến chống ngoại xâm”, khi bị gây áp lực, chúng ta lại tự làm hại mình bằng cách cãi cọ với trọng tài. Tôi thực sự phục tài hùng biện của ông ta (HLV Calisto từng là nghị viên của thành phố Boavista, Bồ Đào Nha - NV). Tuy nhiên, trong cuộc kiểm điểm ấy ông không trách móc thủ môn Hồng Sơn lấy một câu. Ông nói rằng sai sót của Sơn dẫn đến bàn thua thứ 2 là đã giết đội vì ở thời điểm cuối cùng của hiệp I như thế hiệp II sẽ rất khó khăn. Nhưng ông không trách lấy một lời về chuyên môn mà coi đây là một “tai nạn” cũng giống như một cầu thủ sút hỏng một quả phạt đền, là cầu thủ anh có thể mắc lỗi bất cứ lúc nào, thực tế là Hồng Sơn đã bắt rất tốt trận ấy. Có thể nói buổi kiểm điểm ấy đã khiến chúng tôi tự dằn vặt mình rất nhiều và làm cho các cầu thủ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, họ trở nên tập trung hơn cho trận đấu.

 

Một câu chuyện khác. Khác với các HLV nước ngoài mà tôi từng có dịp cộng tác, ông Calisto chỉ thông báo đội hình chính thức và căn dặn cầu thủ trong phòng thay đồ trước giờ ra sân. Giờ tôi mới hiểu cái mà người ta hay nói là không khí trong phòng thay đồ ở các CLB lớn trên thế giới là như thế nào. Trước khi bước vào trận đấu, ông đuổi hết BHL và các cầu thủ dự bị, chỉ để 11 cầu thủ chính thức sắp sửa vào trận chiến đấu tụm lại với nhau, họ nói gì cũng được, chỉ có họ biết với nhau. Cũng phải nói thêm, trong tập luyện ông Calisto quát mắng rất ghê, các cầu thủ cỡ như Minh Phương, Tài Em, Công Vinh cũng sợ ông một phép.

 

* Thế còn câu chuyện về mỗi tuyển thủ ra sân với một lá cờ nhỏ trong người?

 

- À, trước giải ông Calisto yêu cầu chúng tôi chuẩn bị mang theo rất nhiều những lá cờ tổ quốc nhỏ. Khi các cầu thủ ra sân khởi động xong mỗi người được phát cho một lá cờ, ông Calisto cũng lấy 1 lá và bảo các anh hãy cất vào trong người. Người thì giấu vào bụng, Công Vinh thì quấn vào tay, còn Thành Lương thì luồn vào ống chân. Rồi ông Calisto nói tiếp: “Các anh hãy chiến đấu vì màu cờ sắc áo, khi nào cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi, thì hãy sờ vào, đặt tay mình lên lá cờ Tổ quốc”. Có thể nói, một trong những yếu tố thành công của ĐT là cách chuẩn bị tâm lý. Ông Calisto đặt rất nhiều vấn đề để hướng động cơ thi đấu các cầu thủ VN mình, đó là hãy vì Tổ quốc, vì danh dự của mỗi tuyển thủ khi khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia. Bản thân tôi cũng rất xúc động.

 

* Phương pháp huấn luyện: “Ngày mai đội tuyển tập gì?”

 

* Một phóng viên đã đặt câu hỏi châm biếm như thế khi thấy trong suốt quá trình tập luyện cả trước và trong giải, ông Calisto hầu như không có gì mới, ngày này qua tháng khác chỉ có độc một bài chia đôi vờn nhau với bóng?

 

- Đúng vậy, phương pháp huấn luyện của HLV Calisto buổi tập nào cũng là “games” tức chia 2 đội hình ra thi đấu, hôm nào cũng như hôm nào. Không buổi nào là không với bóng, tập thể lực cũng với bóng, không bao giờ tập trên đường chạy, tập với tạ hay sử dụng bể bơi... Có lẽ ông theo trường phái của HLV Mourinho, tất cả đều là với bóng. Chúng tôi cũng tranh luận, băn khoăn về lượng vận động thì ông mới giải thích. Đúng là nếu ai không hiểu sẽ thấy rất buồn chán, không có gì mới. Tuy nhiên, hình thức có thể là một nhưng nội dung, những vấn đề giải quyết đặt ra trong mỗi buổi tập là khác nhau hoàn toàn. 7 năm trước, khi lần đầu tiên quen ông Calisto, ông có nói với tôi: một số HLV Việt Nam cứ thích sử dụng các bài tập mới nhiều quá thay vì nên nhắc đi nhắc lại một miếng đánh cho đến thuần thục. Đến ngày hôm nay, là trợ lý của ông, tôi rất là phục ông ấy; và rất mãn nguyện khi được chứng kiến 7/11 bàn thắng trong giải của ĐTVN gần như là những bài tập đã được nhắc đi nhắc lại, các cầu thủ buộc phải hết sức kiên nhẫn thực hiện cho đến thành nếp. Một trong những đặc điểm trong phương pháp huấn luyện của HLV Calisto là chuyên môn hóa các vị trí một cách triệt để. Thi đấu như thế nào thì tập như thế ấy. Thứ hai là đưa nội dung vào buổi tập gần nhất trước trận đấu. Ví dụ như Vũ Phong trận sắp tới phải di chuyển tấn công như thế nào, xuống biên ra sao, thì Phong chỉ tập như thế, không tập gì khác. Bàn thắng của Vũ Phong khi vào sân thay người trong trận gặp Malaysia từ pha di chuyển vào trung lộ và sút là bài tập vừa được nhắc lại trước đó trong giờ giải lao. Chứng kiến những bàn thắng xuất phát chính từ thành quả tập luyện của ĐT mới thấy giá trị của nó. Tôi nhấn mạnh, cái nổi bật ở ông Calisto là tính thực tế. Rất thực tế!

 

* Thế còn việc sử dụng các cầu thủ chạy cánh nghịch với sở trường và chân thuận của họ?

 

Tiền đạo Công Vinh xúc động trong vòng tay HLV Calisto khi ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết lượt về.

- Ông Calisto cho rằng nếu các tiền vệ cánh như Tấn Tài, Thành Lương, Vũ Phong cứ chơi như cánh truyền thống là xuống biên rồi dùng chân thuận tạo vào sẽ không hiệu quả, lợi hại bằng đảo cánh rồi ngoặt vào trung lộ, tung cú sút trực diện bằng chân thuận (thực tế Thành Lương, Vũ Phong đã có những bàn thắng như vậy). Trường hợp Quang Thanh lại khác. Do sở trường tấn công bên phải của chúng ta rất mạnh với Tấn Tài, Vũ Phong; khi Việt Cường cũng lên tham gia tấn công thì Quang Thanh phải dồn sang bên phải để cùng với Phước Tứ, Như Thành tạo thành 3 trung vệ. Nhiệm vụ Quang Thanh chủ yếu là như thế chứ không phải tham gia tấn công. Khi Thanh vững chắc ở phía sau còn tạo điều kiện yên tâm cho Thành Lương độc lập tác chiến.

 

* Quan điểm chiến thuật: “Triết lý Judo trong bóng đá”

 

- Một lần tại khách sạn La Thành, Hà Nội, ông Calisto giảng giải về triết lý bóng đá của mình. Ông gọi tôi ra nhưng tôi nhẹ cân nhiều quá so với ông nên ông gọi Phan Thanh Giang. Hai bên đẩy nhau, ông ôm Giang hất văng ra đằng sau bốn, năm mét, đổ cả bàn  (may mà ông chê tôi). Calisto giải thích, đấy chính là lấy sức, dùng lực của đối phương để đánh chính đối phương. Có thể nhắc đến trường hợp Văn Nhiên, đây là cầu thủ rất có năng lực, ông Calisto rất tiếc và nói rằng phải loại anh là rất đau lòng nhưng không thể vì đôi khi các cầu thủ Việt Nam không hiểu hết ý đồ của ông. Khi chia tay, Nhiên nói mãi sau này mới hiểu HLV muốn gì ở tôi về mặt chiến thuật. Sau đó ông đã có một buổi nói chuyện với chúng tôi về quan điểm chiến thuật chúng tôi mới hiểu.

 

Ở vòng bảng, chúng ta thua Thái Lan vì quá căng cứng, không phải sợ nhưng các cầu thủ vẫn quá đề cao Thái Lan mà không nghĩ rằng chúng ta có cách chơi của chúng ta để người Thái phải tôn trọng. 2 trận chung kết thì hoàn toàn khác, chúng ta áp đặt lối chơi mà chúng ta đã chủ định từ rất lâu. Đó là cầm bóng, đá nhỏ. Ông Calisto luôn chỉ đạo chơi nhanh, ít chạm, nhưng phải giữ bóng càng lâu càng tốt, buộc đối phương phải đuổi theo quả bóng. Khi đó họ sẽ mất sức nhiều hơn và đội hình buộc phải xáo trộn. Tất nhiên lối chơi này đòi hỏi phải chuẩn bị tốt về thể lực, phải chuyền nhiều, chạy chỗ chiếm các khoảng trống nhiều.

“Nghe một số tuyển thủ thuật lại nội dung một số bài báo gây bất lợi cho ĐT (có nhiều cầu thủ như Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, Công Vinh... có thể nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh với HLV), ông Calisto yêu cầu tôi cứ sáng ra mua tất cả các tờ báo có viết về ĐT rồi dịch hết cho ông. Sau đó ông quyết định từ nay tất cả BHL và cầu thủ không được phát biểu với báo chí mà thông qua một đầu mới chính thức là người phát ngôn của ĐT, ông Nguyễn Lân Trung. Ông nói đành phải làm như vậy vì đã đến lúc phải để các cầu thủ không bị phân tâm, hoàn toàn tập trung cho giải đấu. Và rõ ràng đã có tác dụng. Tôi cho rằng đây không phải là “tẩy chay”, “bất hợp tác” với báo chí mà là bảo vệ cầu thủ của bất kỳ HLV nào trong hoàn cảnh đặc biệt, cần thiết. Cần nói thêm, ông Calisto có rất nhiều bạn bè thân thiết trong giới báo chí”.

 

* Ngay từ CLB Đồng Tâm LA, ông Calisto đã nổi tiếng về tài “đọc” trận đấu và điều chỉnh chiến thuật, còn ở AFF Cup?

 

- Tôi cho rằng bước ngoặt của trận thắng Thái Lan ở chung kết lượt đi chính là từ việc điều chỉnh chiến thuật. Lần đầu tiên, Công Vinh chơi dạt hẳn sang trái khi tấn công là tiền đạo, khi phòng thủ là tiền vệ biên. Tôi còn nhớ Vinh hỏi đi hỏi lại: “Có phải tôi được ra biên trái?”, bởi đây là vị trí ưa thích của anh (ở Cúp TP.Hồ Chí Minh, Công Vinh từng bị ông “Tô” phê bình vì thói quen cứ dạt ra biên trái không tuân thủ ý đồ chiến thuật - NV). Từ trận thắng Singapore, ông Calisto đã nhận ra, Công Vinh đặc biệt lợi hại khi có khoảng trống trước mặt, nếu hậu vệ biên của đối phương lên kèm anh để lại khoảng trống sau lưng là sẽ rơi vào bẫy của Vinh. Mọi người đã thấy Công Vinh chơi tốt và đã ghi 2 bàn thắng như thế nào ở 2 trận chung kết.

 

* Trực giác thay người: “Tôi “ngửi” được cơ hội (!?)”

 

* Tại AFF Cup rất nhiều quyết định thay người của chúng ta đã tạo ra bước ngoặt quyết định trận đấu?

 

- Đó là điều mà đến nay tôi vẫn phải suy nghĩ và vẫn không trả lời được. Tại sao những cầu thủ dự bị được ông Calisto tung vào sân đều đóng những vai trò vô cùng quyết định? Ông Calisto nói rằng ông “ngửi” được, nhưng đó là cái gì? Rõ ràng có một sự tinh tế, linh cảm trực giác nào đó giúp cho ông ta biết được đưa cầu thủ này vào sẽ giải quyết được điều này...

 

Minh Chung (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều