Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nhân - doanh nghiệp:
Giải pháp cho thời "hậu lạm phát"

10:01, 19/01/2009

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, doanh nghiệp Việt Nam đang lo lắng cho thời kỳ "hậu lạm phát, hậu khủng hoảng". Trước thềm năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số doanh nhân, doanh nghiệp...

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, doanh nghiệp Việt Nam đang lo lắng cho thời kỳ "hậu lạm phát, hậu khủng hoảng". Trước thềm năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số doanh nhân, doanh nghiệp...

* Tổng giám đốc Quách Văn Đức: “Lách bão” để duy trì tăng trưởng

Ông Quách Văn Đức

Qua một năm đối phó với tác động khủng hoảng tài chính, Công ty Tín Nghĩa cho rằng vai trò đánh giá, phân tích và đưa ra những dự báo (ngắn hạn, trung và dài hạn) rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Do vậy thời gian tới, Tín Nghĩa tập trung hơn nữa vào vấn đề này. Trong công tác quản lý đã cơ cấu lại mô hình công ty mẹ - công ty con, sắp xếp theo định hướng phát triển đa ngành nhưng từng ngành sẽ được chuyên môn hóa gắn liền với một công ty con chuyên ngành, đó là Công ty xăng dầu, Công ty Logistic, Công ty vật liệu xây dựng, Công ty chế biến nông sản, Công ty phát triển KCN, Công ty đầu tư bất động sản... Bước sắp xếp này đã làm cho bộ máy tinh gọn, năng động hơn và nguồn lực được tập trung hơn. Bên cạnh đó, tiến hành từng bước cơ cấu lại vốn kinh doanh, đầu tư.

Năm 2009, khó khăn vẫn còn nhiều đối với các doanh nghiệp. Thị trường tài chính vẫn chưa ổn định bên cạnh thị trường xuất khẩu chưa sáng sủa (khi thị trường chủ yếu của Tín Nghĩa là Mỹ và châu Âu). Đó là thách thức lớn đối với Tín Nghĩa khi đang tập trung đầu tư mới và xuất khẩu hàng hóa, thực hiện dịch vụ xuất nhập khẩu. Tuy vậy, mục tiêu trọng tâm của công ty là đảm bảo duy trì mức tăng trưởng không được thấp hơn năm 2008, đảm bảo đời sống người lao động, tiếp tục đầu tư vào những dự án đã có trong chiến lược phát triển. Để làm được điều đó cần phải có nguồn vốn lớn nên ngoài vốn vay ngân hàng, công ty tiếp tục thực hiện phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thâm nhập và làm thí điểm phát hành cổ phiếu ra nước ngoài cho một số công ty con.

* Phó Tổng giám đốc Phạm Quang Vũ: Kỷ lục là tạm thời, phát triển là vĩnh viễn

Ông Phạm Quang Vũ

Có thể nói, việc tạo ra kỷ lục thế giới bằng ly cà phê lớn nhất thế giới của Công ty CP Vinacafé Biên Hòa là một cách quảng bá sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung và thương hiệu Vinacafé Biên Hòa nói riêng khá ấn tượng. Cuối năm 2008, Vinacafé Biên Hòa lại thêm một lần ghi đậm dấu ấn của mình trong tâm trí người tiêu dùng bằng màn trình diễn Ly cà phê lớn nhất thế giới bay trên không trung tại Lễ hội cà phê Ban Mê Thuột. Thế nhưng Vinacafé Biên Hòa không say sưa với thành tích mà chúng tôi nghĩ rằng kỷ lục là tạm thời, phát triển mới là vĩnh viễn. Sự phát triển ở đây là làm sao phải thu hút được người tiêu dùng mới đối với cà phê Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài; phải làm sao tăng lượng cà phê chế biến của Việt Nam lên để tăng giá trị chứ không chỉ có 5% cà phê chế biến trong tổng lượng cà phê như hiện nay. Và muốn vậy thì phải làm cho người trồng cà phê thay đổi tập quán canh tác, chăm sóc, thu hoạch để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê thô; phải giữ được hương vị tự nhiên của cà phê trong chế biến thay vì sử dụng hương liệu. Muốn làm được điều này thì cần có sự liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp chế biến và các nhà khoa học, kinh tế, văn hóa...

Có thể nói, cà phê Việt Nam không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp đơn thuần với giá trị hàng hóa (xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD) mà còn mang sắc thái, âm hưởng vùng Tây Nguyên. Có nhiều người cho rằng cà phê mang nét văn hóa rất riêng mà không phải xứ sở trồng cà phê nào trên thế giới cũng có được. Giữ cho được hồn quê trong phát triển, dường như đó đang là sứ mệnh của những nông dân, doanh nhân và các nhà văn hóa... đối với cây cà phê.

* Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Lệ Hồng: Càng khó khăn càng phải liên kết chặt

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng

Ba năm hoạt động theo mô hình "mẹ và con" của Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Donataba) đã ngẫu nhiên có hơn 1/2 hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nên tôi thấy con đường đi của Donataba là đúng. Năm 2008, Tổng công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm (D&F) mà sản phẩm thịt gà, thịt heo từ đây đang cung cấp cho các siêu thị Big C, Co-op Mart. Donataba lại vừa được tỉnh quyết định giao cho hơn 1.000 hécta đất ở Xuân Lộc, Cẩm Mỹ để xây dựng Khu liên hợp công - nông nghiệp và đã ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh với Prudential, Proconco và tập đoàn Glon (Pháp) triển khai thực hiện dự án này với vốn ban đầu khoảng 500 tỷ đồng. Rồi một dự án về Khu đô thị - Trung tâm hành chính tỉnh quy mô khoảng 300 hécta tại Long Thành cũng đang là hy vọng cho Donataba trong đầu tư kinh doanh bất động sản! Tổng công ty cũng đang đi tìm một mô hình phù hợp và đối tác để phát triển Khu du lịch Bửu Long. Với những dự án được giao đất quy mô lớn đó, Donataba muốn thể hiện vai trò chủ đạo của một tổng công ty Nhà nước.

Năm 2009, Donataba cố giữ mức an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng công ty sẽ rà soát lại các dự án, tạm ngưng đầu tư những dự án lớn; những dự án chưa có hiệu quả. Và, trong lúc khó khăn này thì các DN hiểu rằng sự hợp tác liên kết với nhau trong mô hình tổng công ty là cần thiết hơn là đứng một mình.

* Chủ tịch Hội đồng thành viên Thanh Bình Phạm Đức Bình: Sắp tới là thời năng nhặt chặt bị

Ông Phạm Đức Bình

Thanh Bình là thương hiệu của doanh nghiệp do ông chủ Phạm Đức Bình gầy dựng với nhãn hiệu "Con heo đỏ" may mắn mà khách hàng dễ nhận biết trên mỗi bao cám do Thanh Bình sản xuất. Trại heo Thanh Bình ở Hố Nai 3 có lúc lên tới 12.000 đầu heo, vừa bán heo thịt, heo giống; vừa bán thức ăn cho heo do mình chế biến, Thanh Bình có chỗ đứng và thị phần nhất định với người chăn nuôi, cho dù các “đại gia” nước ngoài cũng đã ồ ạt đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Vừa nuôi heo, Thanh Bình còn chăn nuôi gà công nghiệp, gà màu (Tam Hoàng) với hình thức tổ chức chăn nuôi gia công ở Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông. Thanh Bình có một số nhà xưởng ở Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai để thu mua và chế biến nguyên liệu thức ăn gia súc...

Thế nhưng, ông chủ đã từng đạt danh hiệu Sao Đỏ, Sao Vàng Đất Việt này đã không giấu giếm: "Công việc kinh doanh ngày càng khó và sống qua cơn bão này tôi mới thấy doanh nhân không nên chạy theo "ảo vọng nóng của thị trường" như chứng khoán hay bất động sản, vì tưởng sẽ giàu lên nhanh chóng nhưng thực ra nếu dính sâu vào đó khi sa lầy thì khó mà thoát ra, có khi trắng tay. Thanh Bình cũng đã mất một số vốn lớn trong năm qua do kinh doanh không đúng ngành nghề, thấy người ta chế biến gỗ có ăn mình tưởng dễ nên đầu tư vào ngành này nhưng đã phải trả học phí! Tôi thấy sắp tới phải quay về thời kỳ năng nhặt chặt bị, đầu tư vào thế mạnh của mình để tồn tại và phát triển. Một chương trình hỗ trợ chăn nuôi hướng đến cộng đồng nhằm đem lại lợi ích cho Thanh Bình và cho người nghèo ở nông thôn sẽ được Thanh Bình triển khai trong năm 2009".

Kim Loan

 

 

Tin xem nhiều