Báo Đồng Nai điện tử
En

Điện ảnh Việt Nam: Lối đi dưới chân mình

05:01, 13/01/2009

Năm 2008 vừa qua, điện ảnh Việt Nam không nhiều tin vui. Chộn rộn nhất vẫn là mùa phim Tết Kỷ Sửu 2009 được các nhà sản xuất đầu tư rất quy mô và chu đáo.

Năm 2008 vừa qua, điện ảnh Việt Nam không nhiều tin vui. Chộn rộn nhất vẫn là mùa phim Tết Kỷ Sửu 2009 được các nhà sản xuất đầu tư rất quy mô và chu đáo.

 

* Nghịch lý phát triển

 

Một nghịch lý trên đường phát triển là trong khi các hệ thống cụm rạp chiếu bóng hiện đại liên tục khai trương tại nhiều thành phố lớn trong cả nước, khán giả đi xem phim ngày càng đông, nhưng ít ai lạc quan tương tự đối với làng phim Việt. Hay nói chính xác hơn, sự phát triển của điện ảnh Việt Nam không nhanh bằng cơ sở hạ tầng và sự gia tăng nhu cầu giải trí phim ảnh của công chúng.

 

Đạo diễn Phan Đăng Di (giữa) đang trao đổi với các nhà làm phim quốc tế tại Liên hoan phim Cannes.

Hãy nhìn vào lịch chiếu phim của các hệ thống chiếu bóng lớn trên cả nước như Megastar, Galaxy… sẽ thấy rõ: các cụm rạp đa số là chiếu phim ngoại nhập, phim “bom tấn” Hollywood. Ngoại trừ mùa tết, các phim Việt Nam rất khó chen chân vào lịch chiếu thường niên này. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, lượng phim nội địa sản xuất hàng năm quá ít (khoảng 10 bộ phim/năm). Chưa kể chất lượng và “khẩu vị” có hợp gu xem của khán giả hay không cũng là điều đáng nói. Bộ phim Rừng đen (đạo diễn Vương Đức) là phim Việt Nam duy nhất chiếu rạp ở mùa Giáng sinh năm 2008 có rất ít người xem. Trước đó, bộ phim Trái tim bé bỏng (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) từng đoạt năm giải thưởng từ Cánh diều vàng 2007 cũng rất ít có cơ hội được người xem cả nước thưởng thức. Rõ ràng phim Việt đang thua nặng trên sân nhà.

 

Các hãng phim nhà nước trong năm 2008 hầu như án binh bất động. Một số dự án làm phim bằng tiền đầu tư của Nhà nước thì quá lùm xùm và điều tiếng (ví dụ phim Lý Công Uẩn), để lại dư luận không tốt. Các hãng phim tư nhân trong năm qua có năng động hơn. Bằng chứng là nhiều bộ phim đã được khởi quay như: 14 ngày của Hãng Chánh Phương; Chuyện tình xa xứ của đạo diễn Victor Vũ và Hãng phim Thần Đồng; Chết lúc nửa đêm và Bốn thí nghiệm đêm tân hôn của Hãng phim Chánh Tín đã chiếu ở mùa phim hè 2008… Kế đến là cuộc chạy đua không khoan nhượng giữa các bộ phim chiếu tết, như: Giải cứu thần chết của Hãng phim Thiên Ngân và HK Film; Đẹp từng centimet do Hãng phim Giải Phóng, Phương Nam Film, Hãng phim Việt phối hợp sản xuất; Huyền thoại bất tử (Hãng phim Phước Sang).

 

Thế nhưng không lẽ các nhà làm phim vẫn chỉ trông chờ vào dịp duy nhất là Tết Nguyên đán để phát hành phim mới? Không lẽ chỉ chấp nhận chạy theo guồng máy sản xuất các bộ phim truyền hình nhiều tập một cách dễ dãi đang phát sóng thường xuyên hàng đêm trên các kênh truyền hình nở rộ?

 

Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể đòi hỏi điện ảnh Việt Nam một sớm một chiều là sẽ hùng mạnh và chiếm thị phần trình chiếu đáng kể. Ngay một nền sản xuất điện ảnh lớn như Hàn Quốc mà chính phủ còn phải bảo hộ quy định hạn ngạch chiếu phim nội địa so với phim nước ngoài mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các rạp chiếu phim hiện đại trên cả nước cũng như thói quen đến rạp xem phim của giới trẻ và người dân đang tăng cao thì điện ảnh Việt Nam không thể cứ ì ạch mãi. Nó phải cho thấy một nền tảng căn cơ và định hướng phát triển rõ ràng với các nguồn lực được nâng cao đồng bộ.

 

* Phải làm gì?

 

Điện ảnh Việt Nam đang cần gì để phát triển? Có thể tham khảo lời nhận xét và góp ý rất thẳng thắn của tiến sĩ Dean Wilson (Mỹ), một người rất am hiểu về điện ảnh Việt Nam khi là giảng viên của Dự án điện ảnh của Quỹ Ford tại Hà Nội. Ông Dean Wilson nói: “Từ sự kiện phim Gái nhảy và nhiều sự kiện khác liên quan đến phim ảnh, nền điện ảnh Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự gắn kết của điện ảnh với công chúng vẫn còn yếu”.

 

Tăng Thanh Hà - diễn viên phim “Đẹp từng centimet”.

Ông Dean Wilson cho rằng để gắn kết chặt hơn, điện ảnh Việt Nam nên thay đổi ba khía cạnh: một là, gia tăng tính giải trí của phim ảnh bên cạnh những bộ phim nghệ thuật; hai là, đến với khán giả nhiều hơn thông qua nhiều dịp phát hành công chiếu (chứ không chỉ là dịp Tết Nguyên đán). Và điều cuối cùng là, “cần mở rộng và nâng cao việc hợp tác quốc tế”.

 

Vài năm qua, sự xuất hiện của một số gương mặt đạo diễn trẻ, như: Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng... đã làm sôi động giới làm phim. Những đạo diễn này đã thực hiện các bộ phim giải trí nhưng tử tế, không “rẻ tiền” và thật sự thu hút được một lượng khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Nếu các đạo diễn Việt Nam khẳng định được tài năng, đến một ngày không xa họ cũng là những “tên tuổi có thể bán vé” (ví dụ như ở nước ngoài chỉ cần biết phim đó do Steven Spielberg làm là khán giả kéo đi xem).

 

Một bộ phim thắng về doanh thu phòng vé cần phải có những diễn viên ngôi sao được hâm mộ. Diễn viên là yếu tố quan trọng số một để thu hút khán giả xem phim. Rất tiếc ở Việt Nam, nhiều năm qua “ngôi sao điện ảnh” hầu như không có. Các diễn viên thậm chí xuất thân từ những lĩnh vực khác như ca sĩ, người mẫu là chủ yếu. Việc tìm một ngôi sao màn bạc ở Việt Nam hiện tại quá khó! Diễn viên tài năng như Hồng Ánh - vừa đoạt giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế Dubai 2008 với vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng thì thích hợp tham gia các bộ phim nghệ thuật nhiều hơn là mang tính giải trí đơn thuần. Sau thành công của bộ phim Dòng máu anh hùng, người ta nhắc nhiều đến hai nam diễn viên Việt kiều Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên, họ vẫn cần chờ thời gian và nhiều vai diễn trong phim nữa để thể hiện sức hút của mình mới có thể trở thành một “ngôi sao” thật sự. Các ca sĩ chuyển sang đóng phim, như: Lam Trường, Đan Trường, Nguyên Vũ… thì không chọn (hoặc không đủ khả năng) theo nghiệp diễn xuất mà vẫn phải quay lại nghề chính là đi hát. Hơn nữa điện ảnh Việt Nam cũng không thể quá kỳ vọng và đặt áp lực lên vai các ca sĩ này bởi họ là những người chưa hề qua trường lớp đào tạo diễn xuất một cách căn cơ, bài bản.

 

Rõ ràng nếu điện ảnh Việt Nam muốn có những bộ phim nghệ thuật cao hay giải trí thành công về doanh thu thì cũng phải có được một lớp đạo diễn và diễn viên tên tuổi. Từ đó, các hãng phim, nhà sản xuất đầu tư phim ảnh sẽ mạnh dạn bỏ tiền ra để sản xuất phim. Lượng phim gia tăng thì suất ra rạp chiếu bóng sẽ tăng. Phim Việt sẽ phủ khắp các đợt chiếu phim mùa hè, mùa Valentine, mùa tết… Tháng 10-2008, nhằm giới thiệu rộng rãi những tác phẩm điện ảnh nổi bật của Việt Nam trong 15 năm qua đến công chúng, hệ thống cụm rạp Megastar đã tổ chức Tuần lễ phim Việt Nam tại hai cụm rạp Megastar TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những “Tuần lễ phim Việt” bổ ích và mang giá trị tích cực như thế cần được tổ chức thường xuyên hơn trong năm 2009.

 

* Tìm cách gây tiếng vang ở quốc tế

 

Sẽ đến lúc điện ảnh Việt Nam tiến đến giai đoạn “nâng cao việc hợp tác, trao đổi, giao dịch phim với quốc tế” như ý của tiến sĩ Dean Wilson. Trên thực tế những năm qua, Vietnam Media Corp. là đơn vị thường xuyên mang phim Việt đi tham gia các hội chợ phim lớn trên thế giới như tại Liên hoan phim Bangkok (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc) và Liên hoan phim Cannes (Pháp). Ở những nơi này, gian hàng của Vietnam Media Corp. khá đẹp và tươm tất với những bộ phim Việt được giới thiệu như Trái tim bé bỏng, Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Ký ức Điện Biên, Sài Gòn nhật thực… Bộ phim Áo lụa Hà Đông đã bán được bản quyền phát hành phim cho hơn mười quốc gia trên thế giới, trị giá thu được khoảng 200.000 USD.

 

Minh Hằng - diễn viên phim “Giải cứu thần chết”.

Có thể nói, việc làm của Vietnam Media Corp. rất quan trọng vì nó là những viên gạch đầu tiên cho bước tiến tới việc phát hành, xuất khẩu phim ảnh Việt Nam ra thị trường thế giới, tạo ra ngành công nghiệp xuất khẩu phim ảnh để không chỉ thu lợi nhuận mà còn để xuất khẩu văn hóa, lịch sử Việt Nam ra thế giới (như Hàn Quốc đã làm cực kỳ thành công).

 

Và cũng đã đến lúc, việc đầu tư cho công nghệ điện ảnh cũng cần được chú ý. Hiện nay hầu hết các bộ phim Việt Nam quay xong phải mang sang Thái Lan, Hong Kong, Mỹ để làm hậu kỳ. Đến một lúc nào đó, chúng ta không thể cứ phải trông nhờ vào nước bạn mãi mà phải có những studio làm phim hiện đại nhất ở các trung tâm như TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội.

 

Sự phát triển và khẳng định của một nền điện ảnh như Việt Nam còn bao hàm yếu tố gây tiếng vang trên trường quốc tế. Chúng ta phải có những bộ phim tranh giải và đoạt giải tại các kỳ liên hoan phim lớn như Busan hay Cannes.

 

Năm 2006, bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu của đạo diễn Đoàn Minh Phượng đã đoạt giải tại Liên hoan phim quốc tế Bangkok (Thái Lan). Cũng trong năm 2006, bộ phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh (diễn viên Trương Ngọc Ánh) đoạt giải công chúng bình chọn tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc). Với kịch bản Bi, đừng sợ, đạo diễn trẻ sinh năm 1976 Phan Đăng Di đã giành giải thưởng Dự án nổi bật châu Á (Asia Outstanding Project) tại Liên hoan phim Busan năm 2007.

 
Poster phim “Đẹp từng centimet”. 

Năm 2008, đạo diễn Phan Đăng Di là người được mời chính thức tham gia hoạt động LAtelier tại Liên hoan phim quốc tế uy tín nhất thế giới Cannes. Đây là hoạt động nằm trong Quỹ điện ảnh (Cinefondation) của Cannes tổ chức nhằm giúp đỡ các đạo diễn trẻ, nhà làm phim độc lập có được cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư, tổ chức tài trợ, quỹ điện ảnh, công ty sản xuất phim quốc tế để trình làng dự án phim của mình và được giúp đỡ tài chính trong quá trình sản xuất. Kịch bản Bi, đừng sợ đã được nhiều quỹ và nhà đầu tư quốc tế tài trợ cho Phan Đăng Di khởi quay.

 

Để phim Việt Nam gây chú ý và có cơ may đoạt giải tại các nơi hội tụ điển ảnh thế giới tầm cỡ như Cannes, có lẽ điện ảnh Việt Nam cần chiến lược hỗ trợ thiết thực từ cấp quốc gia. Ít nhất cũng là sự kiểm duyệt thoáng cho những đề tài đương đại mà các nhà làm phim độc lập sáng tạo và nghĩ đến. Những đạo diễn trẻ ở Việt Nam có tài cần được đầu tư hỗ trợ kinh phí sản xuất hoặc hỗ trợ tìm kiếm những nhà đầu tư mạo hiểm.

***

2009 là năm mà công chúng có thể kỳ vọng hơn vào điện ảnh Việt. Đợt phim chiếu Tết Kỷ Sửu chắc chắn sẽ thu hút khán giả bởi sự đa dạng về nội dung, diễn viên chính và cách quảng bá phát hành phim chuyên nghiệp. Ba bộ phim chiếu tết Giải cứu thần chết, Đẹp từng centimet và Huyền thoại bất tử đều có những mảng miếng gây chú ý trên màn ảnh rộng. Nhất là Giải cứu thần chết, Đẹp từng centimet mang không khí hấp dẫn, diễn viên đẹp đôi, câu chuyện tình tứ, khuôn hình lãng mạn… với đích nhắm rất rõ vào đối tượng người xem phim trẻ tuổi.

 

Hy vọng sự thành công về doanh thu và tiếng vang từ đợt phim Tết 2009 sẽ là một cú hích cho các làng phim Việt “thừa thắng xông lên” để dần dần chiếm lại thị phần điện ảnh nơi sân nhà. Lối đi đang mở ra ngay dưới chân các nhà làm phim Việt Nam từ mùa xuân mới này.

Long Khánh

 

 

 

Tin xem nhiều