Báo Đồng Nai điện tử
En

Cú "sốc" hội nhập

09:01, 18/01/2009

Một chiều cuối năm 2008, hai giám đốc công ty thuộc hàng khá tên tuổi ở Đồng Nai là Nguyễn Thái Học, Donafoods và Lê Quốc Tuyên, Sovi, đều chung tâm trạng là "năm hết, tết đến” nhưng khó khăn vẫn còn treo lơ lửng đó, chưa thể dự đoán điều gì sáng sủa hơn trong năm 2009...

Một chiều cuối năm 2008, hai giám đốc công ty thuộc hàng khá tên tuổi ở Đồng Nai là Nguyễn Thái Học, Donafoods và Lê Quốc Tuyên, Sovi, đều chung tâm trạng là "năm hết, tết đến” nhưng khó khăn vẫn còn treo lơ lửng đó, chưa thể dự đoán điều gì sáng sủa hơn trong năm 2009. Ông Tuyên than: "Thường mọi năm phải dốc sức người, sức máy chạy cả 3 ca mới đáp ứng sản phẩm theo hợp đồng. Còn năm nay chỉ làm một ca thôi cũng không đủ hàng. Cứ đà này, qua Tết Kỷ Sửu phải cho công nhân nghỉ phép năm thôi !”. Ông Học rầu rĩ không kém, mọi năm đến giờ này trong tay tôi phải có ít nhất vài hợp đồng dài hạn gối đầu cho năm mới với tổng giá trị lên đến 12 - 15 triệu USD. Thế nhưng cuối năm nay, công ty chỉ có được vài hợp đồng nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/5 hàng năm. Chưa biết sang năm Kỷ Sửu sẽ ra sao, vì thị trường tiêu thụ trầm lắng quá do khủng hoảng tài chính!

Xuất khẩu hạt điều Việt Nam đứng nhất thế giới nhưng chủ yếu là xuất thô. Trong ảnh: Phân loại hạt điều xuất khẩu.

* Cú "sốc" hội nhập

Không chỉ có hai ông giám đốc Donafoods và Sovi ca cẩm khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp ở trên địa bàn Đồng Nai cũng đang “vò đầu bứt tóc” vì tình hình sản xuất và tiêu thụ trong nước bị ế ẩm, còn xuất khẩu thì hạ giá và không có đơn hàng. Các làng nghề truyền thống ở Đồng Nai như gốm mỹ nghệ xuất khẩu ở Tân Vạn - Bửu Hòa, làng mộc Tân Hòa với hàng ngàn lao động thủ công cũng trong tâm trạng "khủng hoảng" thiếu việc làm. Rất nhiều nhà hàng kinh doanh ăn uống than như trời vì cứ tưởng những tháng cao điểm cuối năm sẽ “hốt bạc” nhưng ai dè lại tụt giảm lượng khách thê thảm. Đến lúc này, sau 1 năm "hí hửng" với việc gia nhập WTO, ai cũng thấm thía thế nào là hội nhập kinh tế khi cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới "ập" vào cộng với cú "đánh bồi" từ lạm phát trong nước khiến cho nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm, sản xuất và xuất khẩu bị đình đốn. Hàng ngàn công nhân tại các khu công nghiệp Đồng Nai bị thất nghiệp đúng vào những tháng cuối năm. Hàng ngàn nông dân trồng cây công nghiệp xuất khẩu được coi là chủ lực của tỉnh với hơn 40.000 hécta điều, trên 16.000 hécta cà phê, 7.000 hécta tiêu cũng điêu đứng do nông sản thế giới liên tục giảm giá. Đến như những người mua ve chai nhỏ lẻ cũng phải treo "gánh". Vì giá nguyên liệu, vật tư thế giới giảm mạnh đã làm cho các đại lý phế liệu thua lỗ nặng dẫn đến bặt hẳn tiếng rao mua ve chai ở trong các con hẻm, ngõ xóm...

Các làng nghề truyền thống ở Đồng Nai như gốm mỹ nghệ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thị trường xuất khẩu
Ai cũng thấm thía khi khủng hoảng tài chính ở thế giới lại tác động mạnh đến từng doanh nghiệp, từng xóm thợ và người lao động chân tay. Cú “sốc” cho nền kinh tế Việt Nam qua 2 năm gia nhập WTO đã rõ.

* Đứng nhất chưa phải đã... ngon!

Hội nhập ai cũng biết có thách thức xen lẫn cơ hội. Nhưng nếu không biết tranh thủ nắm bắt cơ hội tạo ra sự phát triển nhanh về chất thì chẳng khác gì mang những "gánh chợ quê" ngồi bán cạnh siêu thị hiện đại của nước ngoài. Vậy đấy, trong khi chúng ta vẫn còn đang hoan hỉ với thành tích “đứng nhất” thế giới về xuất khẩu tiêu, điều, cà phê, xuất khẩu may mặc cũng trong "top" các quốc gia hàng đầu thế giới... Nhưng thực chất những cái “đứng nhất” ấy có phải đã "ngon" lành chưa? Khi mà hầu hết các nông sản đều thuộc loại xuất thô và hàng "no name", còn hàng may mặc chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng thêm thấp. Từ chục năm trở lại đây, cà phê Việt Nam có vị trí quan trọng với trên 90% trong tổng số hơn 1 triệu tấn sản xuất được xuất khẩu ra 75 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước đã đạt hơn 2 tỷ USD. Tuy vậy, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã phải thốt lên rằng: "Tuy đã được thế giới thừa nhận là "cường quốc cà phê" nhưng cần phải dũng cảm nhìn nhận, Việt Nam mới chỉ là "cường quốc sản xuất và bán hạt cà phê", thậm chí là một "cường quốc cà phê nông dân", chỉ được chia phần giá trị gia tăng ít ỏi và bị động”. Nói cách nào đó thì các nhà kinh doanh Việt Nam phải chủ động tham gia vào lĩnh vực phân phối và tiêu thụ cà phê thế giới, chứ không chỉ tiếp tục chỉ là người cung cấp hàng thô.

phê Việt Nam xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng mới chỉ là "cường quốc về sản xuất và bán hạt cà phê thô". 

Cuối tháng 11-2008, tại hội thảo "Hợp tác phát triển nông nghiệp, hướng đến cộng đồng kinh tế ASEAN" lần thứ 33 do Hội Khoa học kinh tế Việt Nam tổ chức đã đưa ra nhận định, trên thị trường thế giới thì các nước ASEAN chiếm ưu thế trong sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với những sản phẩm: gạo, cà phê, tiêu, cao su, dầu cọ, trái cây, tôm, cá... Tuy nhiên, nền nông nghiệp trong khu vực ASEAN cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi, lại chưa huy động được nhiều nguồn lực cho nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển sản xuất. Việt Nam nằm trong số phận này và Đồng Nai cũng vậy.

* Thay đổi để tăng trưởng chất lượng

 

Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu cũng đang đứng đầu thế giới nhưng chưa xây được thương hiệu để gia tăng giá trị

Sau hơn 2 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhiều mặt hàng của tỉnh đã thâm nhập vào thị trường lớn như châu Âu (chiếm 75%), châu Mỹ (khoảng 20%), còn lại châu Á và châu Phi. Riêng năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn gần 6 tỷ 850 triệu USD, đạt xấp xỉ 98% kế hoạch năm, tăng 25% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 6 tỷ 290 triệu USD, doanh nghiệp địa phương hơn 390 triệu USD và doanh nghiệp trung ương là 88,5 triệu USD.

Năm 2009, Đồng Nai dự kiến kế hoạch xuất khẩu trên địa bàn hơn 8,4 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2008.

Muốn hội nhập kinh tế phải chấp nhận sự thay đổi. Vấn đề là
phải hành động một cách quyết liệt, nếu không, cho dù Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước” nhưng khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước trong khu vực ngày càng giãn xa thêm. Thời buổi hội nhập mà cứ "còng lưng" ra làm là không đi đến đâu.

Đồng Nai đang bước vào thời kỳ quyết tâm thay đổi về tăng trưởng chất lượng. Việc từ chối các dự án gây bất lợi về môi trường hay đình chỉ hoạt động các nhà máy gây ô nhiễm hoặc tạm dừng thu hút dự án mới ở các KCN do chưa có hệ thống xử lý nước thải là sự bày tỏ quan điểm và thái độ của tỉnh về thu hút đầu tư. Không chạy theo số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Năm 2008, con số thu hút 3 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai đã tạo ra ấn tượng mạnh về chất lượng với hơn 80% vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghệ cao. Ở mặt trận "tam nông", tỉnh đang quyết liệt với 2 dự án trọng điểm là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 1.400 hécta tại huyện Xuân Lộc và Khu liên hiệp công - nông nghiệp ở 2 huyện Xuân Lộc và Thống Nhất trên diện tích hơn 1.400 hécta. Đây được xem là “2 điểm nhấn” quan trọng để tạo nền tảng và sức bật cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai bước sang giai đoạn chuyển biên nhanh về chất lượng.

Đã qua rồi thời kỳ lấy số lượng làm chỉ tiêu tăng trưởng. Quyết định sống còn cho năng lực cạnh tranh thời hội nhập kinh tế thế giới chính là chất lượng. Không những thế, chất lượng tăng trưởng còn đảm bảo cho nền kinh tế ổn định bền vững.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều