Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện kể về dòng Đồng Nai giữa rừng già

06:01, 17/01/2009

Dưới mặt nước sâu thẳm này đang ẩn giấu những truyền thuyết cổ xưa nào? Những lần ngồi bên quán nước ven sông, ngẩn ngơ nhìn dòng Đồng Nai đoạn qua Biên Hòa mênh mang trước mặt, tôi đã tự hỏi mình như thế. Câu hỏi thôi thúc tôi làm chuyến đi ngược về phía thượng nguồn để được nghe những câu chuyện chưa bao giờ được kể ở hạ nguồn.

Lan đuôi chồn hóa thân của nắm tóc thề.

Dưới mặt nước sâu thẳm này đang ẩn giấu những truyền thuyết cổ xưa nào? Những lần ngồi bên quán nước ven sông, ngẩn ngơ nhìn dòng Đồng Nai đoạn qua Biên Hòa mênh mang trước mặt, tôi đã tự hỏi mình như thế. Câu hỏi thôi thúc tôi làm chuyến đi ngược về phía thượng nguồn để được nghe những câu chuyện chưa bao giờ được kể ở hạ nguồn.

* Đứa con tìm mẹ

Tôi quyết định chọn Tà Lài (huyện Tân Phú) làm điểm dừng chân trên hành trình dài hơn 100km ngược lên thượng nguồn con sông, đoạn qua Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên vào một ngày cuối năm. Có một điều làm tôi không ngờ khi nhìn con sông trên bản đồ, nó chỉ quanh co vài nhịp dưới những tán rừng già mà đã dài tới 100km. Người Mạ gọi Tà Lài là Liêng Ràng, gọi sông Đồng Nai là Đạ Đrờn - nghĩa là con sông lớn. Tà Lài, nơi người Mạ sinh sống, vài mươi năm trước còn chìm trong rừng già nhưng hiện giờ đã là khu định cư mới được Nhà nước đầu tư khá chu đáo về điện, đường, nhà ở.

Tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách đi tìm những người cao tuổi nhất trong cộng đồng ở đây. Vài lần hỏi thăm, tôi gặp nhiều bậc cao niên nhất nhưng đều không hỏi được gì vì họ không biết nói tiếng Việt, còn tôi thì không biết tiếng Mạ. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được ông K’Yếu, người có thể giao tiếp bằng tiếng Việt và đang trông coi nhà văn hóa của cộng đồng. Rất cởi mở, ông sẵn lòng lục tìm lại trong ký ức tuổi thơ về những đêm ngồi bên bếp lửa giữa rừng già sâu thẳm để nghe mẹ kể những câu chuyện truyền đời của người Mạ. Người Mạ thường sống ở ven sông Đồng Nai, nên cũng dễ hiểu khi ông bắt đầu bên hiên nhà sàn bằng câu chuyện về chính dòng sông này. Gương mặt như chìm vào suy tư, ông kể: "Vì mải chơi mà một cậu bé - con của mẹ Biển Đông đi lạc tới cao nguyên Lang Biang. Sau nhiều ngày, cậu bé vẫn cứ quanh quẩn mà không tìm được lối về. May gặp được một người đàn ông bản địa, thấy hoàn cảnh thương cảm, ông băng rừng tìm đường đưa cậu bé trở về. Khi cậu bé đi tới đâu thì từ phía sau, lòng đất chảy ra những dòng nước đến đó. Cậu bé đi nhanh thì dòng nước chảy ít, đi chậm thì nước chảy nhiều. Những ngày đầu, cậu bé còn khỏe, đi được nhanh nên dòng nước trên phía thượng nguồn chỉ chảy róc rách như khe suối. Dòng nước quanh co theo bước chân cậu bé và người đàn ông bản địa. Họ đi hết núi cao, vô rừng sâu để tìm đường về mẹ Biển Đông. Càng về gần với mẹ Biển Đông, cậu bé càng mệt và bước đi chậm lại, nên dòng nước lớn dần lên thành ra mênh mông ở phía hạ nguồn. Cả vùng rừng núi bạt ngàn này xưa kia không có sông mà chỉ có những bàu nước. Bước chân của cậu bé con mẹ Biển Đông đã làm thành dòng chảy được gọi tên là Đạ Đrờn như bây giờ. Vì vậy, Đạ Đrờn chính là đường đi tìm mẹ của một đứa con biển Đông bị lạc”.

Thác Bến Cự, nơi thề hẹn của mối tình tiên giới.

Dứt câu chuyện, ông K’Yếu chỉ tay về phía thượng nguồn sông và nói: "Trên đường đi, những nơi cậu bé nghỉ chân chính là những đoạn sông bỗng nhiên phình ra. Ngay khu vực dưới chân núi Tượng ngoài bìa rừng Cát Tiên bây giờ là một điểm nghỉ chân của cậu bé. Ngày trước, người Mạ hay tổ chức lễ đâm trâu tại đây cũng vì vậy. Nhiều cây nêu vốn được trồng để làm lễ giờ đã mọc thành chòm cây cổ thụ, có thể nhìn thấy trên đường đi vào cửa VQG Cát Tiên".

* Lời hứa của nàng tiên

Qua vài lời giới thiệu, tôi gặp được bà K’Bào trong những ngày ở lại Tà Lài tìm nghe những chuyện kể truyền đời. Trong cái rủi có cái may, dù bà không nói được tiếng Việt nhưng kho chuyện kể của bà đã có người thừa kế là chị K’Rỉn, con gái bà. K’Rỉn còn khá trẻ, nói rành tiếng Việt, làm nghề dệt và bán thổ cẩm của người Mạ, đang giới thiệu cho du khách đến tham quan VQG Cát Tiên. Tôi tìm gặp chị trong văn phòng VQG ngay khi vừa trở về từ thác Mỏ Vẹt và thác Bến Cự. Kho chuyện kể mà K’Rỉn "sở hữu" hóa ra lại là chuyện dân gian về nhân nghĩa và tình yêu lãng mạn của người Mạ. Giữa không gian hùng vĩ của rừng, theo lời của chị khiến tôi có thể hình dung ra một cách sống động về cuộc sống người Mạ xưa kia. Chị kể, người Mạ gọi thác Bến Cự là Liêng Tụ, thác Mỏ Vẹt là Mủ Tùn. Hai con thác này là nơi chứng kiến câu chuyện tình của anh K’Đu ở trần gian và nàng tiên nữ K’Mài. Một lần dạo chơi nơi trần thế, K’Mài đã đem lòng yêu anh KĐu. Thượng đế phát hiện, ông buộc K’Mài phải bỏ K’Đu để bay về trời. Cặp vợ chồng vốn đã thề non hẹn biển nên lần chia tay thật khó khăn, đau đớn giằng xé. Đêm trước ngày về trời, ở thác Bến Cự chàng đưa vợ qua bờ bên kia sông; nàng không nỡ xa chồng nên lại đưa anh quay trở lại. Hai người đưa nhau qua lại cho đến sáng mà vẫn không nỡ đành xa nhau. Người Mạ đến giờ hay có câu cửa miệng “Đu un Mài, Mài un Đu", có nghĩa là đưa nhau qua lại như K’Đu và K’Mài bao giờ mới dứt. Nàng K’Mài về trời được ít ngày, dưới trần thế, chàng vì nhớ vợ nên đã lâm bệnh và chết tại bên thác mà hai người đã chia tay. Nắm tóc thề của vợ chồng K’Đu ngày mới gặp nhau cài trên một cành cây ven sông đã biến thành nhành lan đuôi chồn nở bông thật đẹp. Nhành lan đó được người Mạ gọi là Só Đu Mài, có nghĩa là tóc của K’Đu và K’Mài. Trước khi trở về trời, nàng tiên nữ đã hứa với người dân quê chồng mình sẽ cố gắng bảo vệ mọi người khi gặp hoạn nạn. Sau một thời gian K’Đu mất, người Mạ đã bị tộc người khác tấn công. Cuộc chiến đấu không cân sức, người Mạ thua cuộc phải bỏ chạy vào rừng sâu. Trên đường tháo chạy khi đến thác Bến Cự, mọi người nhớ tới lời hứa của tiên nữ liền cầu khẩn giúp đỡ. Lời cầu khẩn đến tai K’Mài. Nàng đã làm phép khiến cho đoàn quân truy đuổi người Mạ khi đến thác Mỏ Vẹt, cách Bến Cự một đảo nhỏ nổi giữa sông mà nay gọi là đảo Tiên, bỗng chân tay bủn rủn, người nào vượt thác cũng đều chết. Quá sợ hãi, đoàn quân đành rút lui và người Mạ được an toàn.

Chị K’Rỉn, người con "chở" những truyền thuyết của người Mạ.

Trầm ngâm ít phút sau câu chuyện, chị K’Rỉn tâm sự: “Những người Mạ lớn tuổi đến nay vẫn coi Bến Cự là nơi linh thiêng kỳ bí. Tôi cũng cố gắng nhớ câu chuyện này để kể lại cho con, em sau này".

Một con cá lăng nha nặng 50kg được một nhân viên Vườn quốc gia Cát Tiên câu được tại sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam với chiều dài 635km, khởi nguồn từ cao nguyên Lang Biang của tỉnh Lâm Đồng. Sông chảy qua Đắk Nông, Bình Phước trước khi về tới hạ nguồn ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh, rồi đổ ra biển Đông ở hai cửa Xoài Rạp và Lòng Tàu. Hai nhánh khác của sông Đồng Nai là sông Bé, sông La Ngà. Sông Đồng Nai chứa trong mình lượng thủy sinh phong phú, người ta thống kê được sông có tới 159 loài cá, trong đó có nhiều loài đặc thù như cá lăng nha, cá chèng, cá chình, cá rồng, cá dù bay, cá mai...

Những ngày ở lại trong Cát Tiên, tôi còn được nghe rất nhiều những câu chuyện khác của người Mạ về dòng Đồng Nai như sự tích thác Thượng (Liêng K’rasắc) nói về thần K’rasắc; thác Trị An - câu chuyện bi kịch của mối tình nhưng kết thúc có hậu; chuyện Cá Lìn vốn là con trâu của thần nước sống dưới dòng Đồng Nai... Mỗi câu chuyện gắn với văn hóa tâm linh của người Mạ xưa, nghe để hiểu hơn đất và người Đồng Nai, và tôi cảm thấy quyến luyến hơn với vùng đất này.

Khắc Giới

 

 

Tin xem nhiều