Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng đá Việt Nam 2009: Xuân rồi…lại xuân!

10:01, 13/01/2009

Chỉ từ SEA-Games 21 năm 2001 mới có quy định môn bóng đá dành cho các đội tuyển U.23, 20 kỳ Đông Nam Á (ĐNA) vận hội trước đó đều là cuộc tranh tài của các đội tuyển quốc gia trong khu vực; còn giải vô địch bóng đá ĐNA (AFF Cup) mãi đến năm 1996 mới được tổ chức lần đầu tiên (xen kẽ với SEA-Games).

Chỉ từ SEA-Games 21 năm 2001 mới có quy định môn bóng đá dành cho các đội tuyển U.23, 20 kỳ Đông Nam Á (ĐNA) vận hội trước đó đều là cuộc tranh tài của các đội tuyển quốc gia trong khu vực; còn giải vô địch bóng đá ĐNA (AFF Cup) mãi đến năm 1996 mới được tổ chức lần đầu tiên (xen kẽ với SEA-Games). Do vậy, trong suốt thế kỷ 20, một đội bóng đoạt HCV SEA-Games cũng gần như đồng nghĩa với vô địch ĐNA, Việt Nam đã vinh dự là nhà vô địch tại kỳ SEAP-Games đầu tiên cách đây... tròn 50 năm (1959). Do đó, sẽ là thật trọn vẹn một chu kỳ “xuân lại xuân” tuyệt vời nếu tiếp nối chức vô địch ĐNA thứ hai sau 49 năm sẽ là chiếc huy chương vàng SEA-Games thứ hai sau đúng nửa thế kỷ.

 

* Sự trùng hợp lịch sử

 

Mậu Tý 2008 là một năm “đại cát” với bóng đá Việt Nam (BĐVN). Chỉ trong 1 năm - hay chính xác hơn là trong vòng 5 tháng cuối năm - liên tiếp có đến 3 sự kiện mang tính lịch sử. Ngày 31-7, lần đầu tiên người hâm mộ VN được đón những sứ giả đến từ đất nước 5 lần vô địch thế giới, được xem một “Quả bóng vàng”, “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” Ronaldinho, cùng các ngôi sao Barzil bằng xương bằng thịt. Ngày 25-10, đội tuyển U.22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung đã xuất sắc đoạt chiếc cúp vô địch Merdeka sau khi đánh bại chính đội tuyển chủ nhà Malaysia ở trận chung kết trong cuộc đấu cân não trên chấm 11m luân lưu. Đây cũng là một chiến tích lịch sử, bởi lần đầu tiên và cũng là duy nhất BĐVN giành được chiếc cúp này cách đây đã... 42 năm. Và rồi chỉ hơn 1 tháng sau, đêm 28-12, đến lượt các bậc đàn anh đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto đã bước lên đỉnh vinh quang khi bước lên ngôi vị cao nhất ĐNÁ - một chức vô địch sau 49 năm tìm kiếm, chờ đợi.

 

Các cầu thủ VN vui mừng sau khi ghi bàn thắng vào lưới đội tuyển Thái Lan.

Những sự kiện này hội vào năm 2008 còn mang một ý nghĩa trùng hợp lịch sử. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, 110 năm trước (khoảng 1898) trái bóng đầu tiên đã lăn trên sân cỏ VN, và trận đấu chính thức đầu tiên tại VN còn được lưu lại trên báo chí với ngày tháng chính xác cho đến ngày nay là trận đấu giữa 2 đội Phú Mỹ và Chợ Đũi vào ngày 20-7-1908 được đăng trên báo Lục tỉnh Tân Văn (tức cách dấu son 2008 đúng tròn 100 năm). Đây là dấu mốc sớm nhất của BĐVN mà những người làm sử biết đến. Rồi cách đây 80 năm, năm 1928 Tổng cuộc thể thao An Nam đã cử đội bóng đầu tiên đi thi đấu ở nước ngoài và nơi xuất ngoại đầu tiên của BĐVN là Tân Gia Ba (Singapore). Rồi lại cách đây chẵn 75 năm, vào ngày 2-7-1953, báo chí ghi nhận một trận đấu đầu tiên giữa 2 đội bóng đá nữ là đội Cái Vồn và đội Xóm Chay ở Cần Thơ. Tức cách đây 75 năm chúng ta đã có BĐ nữ.

 

* Bây giờ là chiếc huy chương vàng SEA-Games

 

Nếu vận vào sự trùng hợp tình cờ và quy luật có tính lập lại của lịch sử ở trên thì năm Kỷ Sửu 2009 này sẽ là chiếc huy chương vàng SEA-Games sau đúng nửa thế kỷ. Chỉ có như vậy, BĐVN mới có thể xóa đi kỷ niệm buồn thất bại nhục nhã ở SEA-Games 24. Năm 2007, với tư cách “top 8” châu Á và vào đến vòng loại cuối cùng của Olympic Bắc Kinh, đồng thời là đương kim á quân SEA-Games, tuyển U.23 VN đến Thái Lan với tư thế của một ứng cử viên vô địch. Sự lạc quan đến mức, người ta đã tuyên bố “linh cảm có vàng”, “cơ hội vàng là lúc này chứ lúc nào!”. Thế nhưng, đây lại là kỳ SEA-Games tệ hại nhất. Sau khi vật vờ, ì ạch vào bán kết, VN đã bị Myanmar loại sau loạt sút 11m luân lưu bạc nhược dẫn đến “vết nhơ” lần đầu tiên trong lịch sử một giải đấu trong khu vực HLV trưởng Riedle phải “từ chức”. Gặp lại Singapore ở trận tranh HCĐ, đoàn quân rã rời không còn sức chiến đấu đã thảm bại bằng một tỉ số kỷ lục 5 bàn trắng.

 

Nhưng có thể tin giờ đây lịch sử đã sang trang. Chưa bao giờ chúng ta có một lứa cầu thủ Olympic tự tin, bản lĩnh, trưởng thành đến vậy, và cũng chưa bao giờ BĐVN có một lực lượng tài năng trẻ dồi dào, rộng đường lựa chọn như hiện nay. Mặc dù những người hùng tại AFF Cup 2008: Công Vinh, Minh Châu, Vũ Phong, Quang Hải, Việt Cường và thủ môn Đức Cường không còn có cơ hội lập “cú đúp” lịch sử, do năm 2009 vừa bước qua tuổi 24, nhưng tại Lào sẽ còn 2 nhà vô địch ĐNA là “sóc nhỏ” Thành Lương (21 tuổi) và Phan Thanh Bình (vừa đủ 23). Bộ khung ĐT U.23 sẽ là đội hình đăng quang tại Merdeka Cup: thủ môn Tấn Trường. Hậu vệ: Ngọc Anh, Minh Đức, Xuân Hợp, Long Giang, Văn Duyệt. Tiền vệ: Nhật Nam, Quý Sửu, Mai Tiến Thành, Công Huy, Thanh Hưng, Văn Khải, Đình Tùng, Đức Tài. Tiền đạo: Đức Thiện, Tăng Tuấn, Quang Vinh, Phúc Hiệp. Ngoài ra còn có tiền vệ Ngọc Duy (Thể Công) vừa được HLV Calisto gọi vào ĐTQG tham dự vòng loại ASIAN Cup 2011. Đặc biệt, trong làn sóng một loạt các cầu thủ trẻ gốc Việt ở Đông Âu về quê hương để kiểm tra, hy vọng sẽ có những “hạt ngọc” cho ĐT U.23. Trên cái nền ấy, cùng với tài cầm quân của HLV Calisto và hành trang là 2 chiếc cúp vô địch ĐNA và Merdeka, hoàn toàn có cơ sở để tin vào chiếc huy chương vàng SEA-Games đầu tiên cho BĐVN sau đúng nửa thế kỷ.

D.C

 

Tin xem nhiều