Mùa Xuân Kỷ Sửu năm 2009 đang đến với chúng ta!
Toàn Đảng, toàn dân ta đang phấn khởi kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng. Đây cũng là năm chúng ta kỷ niệm 40 năm Bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mùa Xuân Kỷ Sửu năm 2009 đang đến với chúng ta!
Toàn Đảng, toàn dân ta đang phấn khởi kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng. Đây cũng là năm chúng ta kỷ niệm 40 năm Bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước khi đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một Bản Di chúc lịch sử, đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta và thế hệ mai sau.
Trong những ngày mùa Xuân này, đọc lại Di chúc của Bác, lòng chúng ta càng nhớ tới Người! Người anh hùng giải phóng dân tộc, một con người vĩ đại, đã hy sinh tất cả cuộc đời mình cho nhân dân, cho đất nước. Một cuộc đời cách mạng, một tấm gương liêm khiết, như bạn bè thế giới đã nói về Người.
Mặc dù khi viết Bản Di chúc lịch sử này, Bác đã nói: "... Tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi", hoặc "... Khi xem lại thư này, tôi thấy cần viết thêm mấy điểm, không đi sâu vào chi tiết...”(*). Trước lúc đi xa, những điều Bác muốn nói với chúng ta, muốn căn dặn tới chúng ta, chắc là nhiều lắm, nhưng vốn có một phong cách nói và viết ngắn gọn, Người chỉ dặn dò chúng ta những điều cốt yếu. Và những điều cốt yếu ấy, chính là những bài học lớn sáng chói trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những điều mà Bác đã đêm ngày suy ngẫm rất sâu sắc.
Mở đầu Bản Di chúc, Bác đã khẳng định một niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta:
"Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn”.
Niềm tin ấy của Bác đã thành sự thật. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch lịch sử mang tên Người đã đem lại toàn thắng. Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập..., một trong những mong muốn cuối cùng của Bác đã được thực hiện.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là điều Bác tin nhất định sẽ đến. Song, điều Bác Hồ quan tâm nhiều nhất, suy nghĩ nhiều nhất, chính là vấn đề xây dựng Đảng ta. Người viết: “Trước hết nói về Đảng”, 5 chữ này Bác gạch dưới. Ngày 11 tháng 5 năm 1968, tức là 3 năm sau, Bác lại viết:
"Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Những dòng này Bác viết bằng mực đỏ. Nhìn chữ viết trong bút tích của Bác, mà lòng chúng ta dâng lên một niềm cảm xúc lớn lao. Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, một người cả đời chăm lo cho sự lớn mạnh của Đảng về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì Bác biết sự lớn mạnh của Đảng cũng chính là sự lớn mạnh của Cách mạng, của dân tộc.
Nói đến Đảng, là Bác nói đến hai vấn đề quan trọng nhất: Đoàn kết và Đạo đức cách mạng. Bác viết:
“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình...".
Điều đáng chú ý là trong Di chúc, không chỉ nói đoàn kết, Bác còn nói đến ba cụm từ: “Đoàn kết chặt chẽ”, “Đoàn kết nhất trí”, “Đoàn kết và thống nhất". Ở một văn bản quan trọng, đã nhiều năm suy ngẫm, ở một con người mà văn phong đã được cân nhắc từng câu, từng chữ, thì ba cụm từ này thật có ý nghĩa sâu sắc đối với chúng ta!
Sau đoàn kết, là Bác nói đến vấn đề đạo đức cách mạng:
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Chúng ta còn nhớ bài báo cuối cùng của Bác, viết trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2 năm 1969. Bài báo mà Bác đã gửi bản thảo cho tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị để góp ý kiến và sau đó đã in trên báo Đảng. Đó là bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác đã viết:
“Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang...", "Song, bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém".
Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "Mình vì mọi người" mà chỉ muốn "Mọi người vì mình".
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm!".
Không phải chỉ trong bài báo này, mà đã rất nhiều lần Bác Hồ dạy chúng ta phải ra sức xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân. Người từng nói: "Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt". "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô..., nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”.
Trước khi đi xa, Người đã nhìn thấy điều đó, và có lẽ vì thế mà Người đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân, nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, và Người đã dặn dò chúng ta phải làm tốt công tác chỉnh đốn Đảng. Một điều chúng ta nhận thấy là thái độ của Bác rất kiên quyết, Bác nói phải "xóa bỏ", phải "tiêu diệt" chủ nghĩa cá nhân.
Một việc "Rất quan trọng và rất cần thiết" nữa mà trước khi đi xa, Bác Hồ quan tâm là "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên. Bác Hồ không chỉ dặn chúng ta phải nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên mà Người còn dặn dò phải quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cả thanh niên nữa.
Đối với nhân dân, điều Bác quan tâm trước tiên là đời sống của nhân dân. Người dặn dò: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong phần viết thêm năm 1968, Bác dặn dò tỉ mỉ, đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu, đối với các liệt sĩ, đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ, đối với thanh niên xung phong... Nhưng điều làm chúng ta vô cùng cảm động là Bác còn dặn dò cả việc: “Đối với những nạn nhân của những chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu v.v... thì Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện".
Trong muôn vàn tình thương yêu Người để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Người không bỏ sót một ai!
* * *
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Bác Hồ kính yêu, Người vẫn đang sống cùng với nhân dân và đất nước!
B.C.B
(*) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 12, trang 497 và 503 - Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.