Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại

09:02, 06/02/2021

Năm 2020, Đồng Nai tiếp tục xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2020, Đồng Nai tiếp tục xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: H.Thảo
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: H.Thảo

Việc ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã được thực hiện đồng bộ. Trong đó, tỉnh chú trọng hoàn thiện các hệ thống CNTT, quản lý hồ sơ TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (DN). Tăng cường công tác theo dõi, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và đo lường mức độ hài lòng của người dân… Bằng nỗ lực và nhiều giải pháp, 37/37 nhiệm vụ trong kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh năm 2020 đều được thực hiện đạt tiến độ đề ra.

* Ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC

Theo UBND tỉnh, một trong những điểm nổi bật trong nỗ lực cải cách hành chính năm 2020 phải kể đến là việc tiếp tục kiện toàn Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, phần mềm một cửa eGov tại Trung tâm Hành chính công tỉnh được tập trung hoàn chỉnh đảm bảo tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ được thông suốt, hiệu quả. Tỉnh nỗ lực nâng cấp Cổng dịch vụ trực tuyến đảm bảo các yêu cầu quy định. Thống nhất triển khai cổng dịch vụ công đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; tích hợp, đồng bộ Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cán bộ TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của thị trấn
Cán bộ TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của thị trấn

Cùng với đó là hoàn thiện chức năng của Cổng dịch vụ công của tỉnh đáp ứng các chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định và tích hợp cổng thanh toán trực tuyến, cài đặt đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục được phê duyệt. Đến nay, đã cung cấp 217 dịch vụ công mức độ 3 và 311 dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, tích hợp 23 dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, trong năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tỤc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh, qua đó tạo động lực mới mạnh mẽ cho phỤc hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cải tiến quy trình, thủ tỤc; cải cách TTHC, giảm tối đa chi phí thực hiện cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tiếp tỤc đổi mới và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại các cấp chính quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú, nhằm tăng cường hiệu quả giải quyết TTHC, trong năm 2020, tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường ứng dụng CNTT trong truyền thông, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là đội ngũ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa. Điển hình như hoàn thiện tích hợp hệ thống camera tại 170/170 xã lên cấp UBND huyện, Trung tâm Hành chính công tỉnh để theo dõi, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ của người dân, DN. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến; kết hợp phát trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm cước phí dịch vụ chuyển phát hồ sơ…

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2020, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho các công dân và tổ chức, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã chủ động đổi mới, cải tiến phương pháp công khai TTHC, tạo các kênh để người dân, DN có thể dễ dàng tra cứu thông tin về TTHC, kiểm tra thông tin về trạng thái xử lý của hồ sơ và phản ảnh kiến nghị về chất lượng dịch vụ công. Trung tâm còn tiếp tục thực hiện cung cấp thêm nhiều dịch vụ tiện ích, phục vụ cho người dân, DN trong quá trình giải quyết TTHC như: ngân hàng, bưu điện, công chứng, photocopy tài liệu… Đến Trung tâm Hành chính công tỉnh, người dân, DN có thể làm cùng một lúc nhiều dịch vụ trên mà không cần phải đi lại nhiều nơi để làm như trước.

Cùng với giải pháp từ tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị còn chủ động đề ra các giải pháp nhằm ứng dụng CNTT và phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.

Tình nguyện viên hỗ trợ người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Tình nguyện viên hỗ trợ người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh

Điển hình như tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường mạng và tăng tính tương tác, trao đổi thông tin giữa cơ quan BHXH và người dân, đơn vị sử dụng lao động, BHXH tỉnh đã đăng ký và đưa vào hoạt động trang thông tin chính thức của BHXH tỉnh trên ứng dụng Zalo. “Việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội đã giúp BHXH tỉnh đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp” - Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhấn mạnh.

Bà Phùng Thị Bích Hường, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho hay, năm 2020, Cục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT vào quy trình quản lý nghiệp vụ. Đó là việc thông quan điện tử; thu/nộp thuế điện tử 24/7; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; giải quyết các TTHC trên hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; giám sát hải quan tự động; tư vấn trả lời vướng mắc cho DN qua trang web của Hải quan Đồng Nai… Nhờ vậy, đã rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu chi phí cho DN; đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, giúp đỡ DN nâng cao khả năng ứng phó, chống đỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

* Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

Cũng trong năm 2020, để tạo cơ sở, động lực thực hiện có hiệu quả nhất phương châm ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3529/QĐ-UBND về việc Ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai, phiên bản 2.0. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT, các ứng dụng phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch

Theo UBND tỉnh, về hạ tầng CNTT, đến nay 100% các cơ quan cấp tỉnh kết nối mạng nội bộ giữa các phòng, ban trực thuộc và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, 100% UBND các xã, phường, thị trấn được kết nối internet và kênh thuê riêng Megawan và Metrowan để phục vụ ứng dụng CNTT.

Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 1. Đồng thời, đang triển khai hạ tầng mở rộng cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2 để kịp thời bổ sung nhu cầu tài nguyên hệ thống cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đến năm 2025.

Cùng với đó, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tiếp tục được hoàn thiện và triển khai tại 100% cơ quan hành chính, các đơn vị, địa phương thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông của tỉnh. Đến nay, 100% văn bản điện tử sử dụng chữ ký số tổ chức để xác định theo đúng quy định; 100% công chức các đơn vị, địa phương (gồm lãnh đạo, quản lý) sử dụng phần mềm quản lý văn bản để xử lý hồ sơ công việc, theo dõi tiến độ, xác định cụ thể trách nhiệm từng công chức, viên chức xử lý công việc.

Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Lê Xuân Quý cho biết, trước đây, một ngày Sở phải sử dụng khoảng 2-3g giấy, bì thư, tem thư, sau đó dùng dịch vụ bưu chính để chuyển phát văn bản đi; thời gian lưu chuyển 1 văn bản có thể mất 1-2 ngày trong tỉnh, 3-5 ngày ngoài tỉnh, chưa kể trường hợp không may bị thất lạc. Đến khi áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý văn bản điện tử mới, tất cả các văn bản đi đều trình bằng văn bản điện tử, lãnh đạo Sở sẽ sử dụng chữ ký số, chứng thư số, sau đó chuyển qua bộ phận văn thư đóng dấu cơ quan bằng điện tử và phát hành văn bản điện tử. Các văn bản đều được Ban cơ yếu Chính phủ đảm bảo về tính bảo mật, tính toàn vẹn của dữ liệu. Văn bản có thể gửi đi một lúc nhiều địa chỉ. Từ đó, đã giúp giảm chi phí giấy tờ, dịch vụ bưu chính, nhanh chóng, chính xác trong chỉ đạo điều hành…

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin Sở TN-MT thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử
Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin Sở TN-MT thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử

Trong năm 2020, UBND tỉnh cũng đã tích cực triển khai đề án Số hóa hồ sơ, TTHC. Theo đó, tỉnh chỉ đạo xây dựng các chức năng và cấu hình TTHC trên phần mềm Quản lý lưu trữ tài liệu số hóa và tích hợp với phần mềm một cửa điện tử tỉnh; hướng dẫn khai thác sử dụng, vận hành thử nghiệm phần mềm số hóa hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử tỉnh cho 3 đơn vị tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (bao gồm các sở: LĐ-TBXH, Y tế, GD-ĐT) và 5 đơn vị do Bưu điện tỉnh thực hiện tiếp nhận thay.

Nhờ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện đại hóa nền hành chính nên dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020 vẫn ghi nhận những kết quả tích cực… Điển hình là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 4,44%, đứng thứ 17 cả nước (mức tăng trưởng của cả nước đạt 2-3%).

Hồ Thảo

Tin xem nhiều