Báo Đồng Nai điện tử
En

Trên con đường phát triển kinh tế số

07:02, 04/02/2021

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số…, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Ngoài ra, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng các dịch vụ của người tiêu dùng trong nước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng đa đạng và phát triển…

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số…, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Ngoài ra, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng các dịch vụ của người tiêu dùng trong nước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng đa đạng và phát triển…

Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng quan tâm tới hình thức mua hàng trực tuyến, nhất là việc chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử
Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng quan tâm tới hình thức mua hàng trực tuyến, nhất là việc chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử

Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, tỉnh đã có những bước đi trên con đường chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh hướng tới một nền kinh tế mạnh, phát triển nhanh, nền hành chính công đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, ưu tiên đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thích ứng với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0…

* Đa dạng hệ sinh thái không dùng tiền mặt

Hiện nay, trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, các ngân hàng thương mại đã phối hợp với nhiều đơn vị, công ty trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động, các kênh thanh toán trực tuyến như: thu tiền điện, tiền nước, thu phí nhiều dịch vụ về y tế, giao thông, hóa đơn điện tử… thông qua các hình thức như: internet banking, mobile banking, trích nợ tự động.

Ngoài ra, các công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trên địa bàn tỉnh đã mở rộng nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại di động thông minh...

(Nguồn: Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố - Đồ họa: Hải Quân)
(Nguồn: Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đang tích cực đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, nhất là phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhiều dịch vụ công, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội...

Theo ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, trong thời gian qua, công ty đã mở rộng thêm các kênh thanh toán tiền điện, ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian như: MoMo, ZaloPay, VNPay, Payoo, Airpay, ViettelPay… để khách hàng có thể thuận tiện trả tiền điện thông qua các điểm thu của ngân hàng, thẻ ATM, các cửa hàng tiện ích, siêu thị hoặc hình thức thanh toán điện tử...

Trong những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số.

Nhân viên một cửa hàng tiện ích trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) quẹt thẻ để thanh toán tiền mua sắm cho khách hàng. Ảnh: H.Quân
Nhân viên một cửa hàng tiện ích trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) quẹt thẻ để thanh toán tiền mua sắm cho khách hàng. Ảnh: H.Quân

Để chuẩn bị đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số, chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020. Theo đó, mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, hiện đại, phát triển kinh tế năng động dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và cả nước. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; phấn đấu xây dựng và chuyển đổi liên kết ngành công nghiệp, DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế và sản phẩm công nghiệp khác biệt, nổi trội.

* Nâng cao chỉ số thương mại điện tử

Trong những năm gần đây, Đồng Nai liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số thương mại điện tử cao. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử mới đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai trong năm 2019 xếp hạng thứ 6 toàn quốc với 54,9 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2018. Chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Vecom chia sẻ, thương mại điện tử ngày càng chiếm vị thế quan trọng, nhất là từ sau những tác động của dịch Covid-19. Đồng Nai là một trong những địa phương năng động trong phát triển thương mại điện tử, tỉnh đã cùng với Vecom triển khai nhiều hoạt động kết nối, tập huấn cho DN về lĩnh vực này.

Đại diện nhiều sàn thương mại điện tử, công ty tư vấn về phát triển thương mại điện tử cũng chia sẻ, Đồng Nai có nhiều thế mạnh để phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh về nông sản, thực phẩm chế biến...

Một lớp tập huấn xây dựng thương hiệu và xu hướng bán hàng của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 dành cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh do Sở Công thương tổ chức vào tháng 9-2020
Một lớp tập huấn xây dựng thương hiệu và xu hướng bán hàng của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 dành cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh do Sở Công thương tổ chức vào tháng 9-2020

Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 cũng như chương trình hằng năm. Trong đó, Sở Công thương hỗ trợ DN tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch; đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ DN đến người tiêu dùng…

Theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành khảo sát ứng dụng thương mại điện tử, tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử của các đơn vị, DN và cá nhân trong tỉnh. Dự kiến trong năm 2021 sẽ ra mắt Sàn thương mại điện tử Đồng Nai.

Sở đã hỗ trợ, tổ chức tập huấn công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website cho các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh như: Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân ở TP.Long Khánh (website: vinakhoqua.com), Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương ở H.Định Quán (traicaysaythuanhuong.com), Cơ sở Vang Thanh Long Anna ở H.Thống Nhất (vangthanhlong.com), Cơ sở sản xuất bánh phở, hủ tiếu Hoàng Hằng ở H.Thống Nhất (hoanghang.com) và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp ấp 7, xã Thanh Sơn, H.Định Quán (thanhsonxanh.com)…

Bà Nguyễn Thị Tú Vy, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) cho hay, công ty đang triển khai nhiều kênh bán hàng trực tuyến, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm, đồng thời đăng ký, kết nối với sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee... để mở rộng kênh phân phối. Công ty mong muốn tiếp cận với nhiều sàn thương mại điện tử lớn trong nước và thế giới, cũng như chủ động triển khai kế hoạch chuẩn hóa nhãn hiệu, xây dựng nội dung phát triển thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử...

Chú trọng xu hướng đô thị thông minh

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã và đang tìm tòi, khảo nghiệm và đầu tư mạnh cho các mô hình đô thị thông minh. Nhiều tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước đã đặt chân đến Đồng Nai tìm hiểu, hợp tác xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC (có trụ sở tại Hà Nội) đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng demo cho thành phố thông minh, chính quyền thông minh. Tập đoàn Viettel cũng đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành đặt vấn đề hợp tác về vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, địa phương đang từng bước thử nghiệm, xây dựng mô hình thành phố thông minh. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị, đối tác đến Đồng Nai giới thiệu, đặt đề nghị hợp tác xây dựng thành phố thông minh. Một số đơn vị còn xây dựng demo để các ngành, địa phương tham khảo. Quan điểm của tỉnh là đơn vị nào có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh sẽ được đánh giá, lựa chọn.

VĂN GIA

HẢI QUÂN

Tin xem nhiều