Năm 2020, sân khấu TP.HCM hứng liên tiếp các trận tấn công của dịch bệnh Covid-19 nên khá "te tua". Tuy nhiên, vẫn có vài điểm sáng đáng ghi nhận…
Năm 2020, sân khấu TP.HCM hứng liên tiếp các trận tấn công của dịch bệnh Covid-19 nên khá “te tua”. Tuy nhiên, vẫn có vài điểm sáng đáng ghi nhận…
Vở kịch Bàn tay của trời của Sân khấu Hoàng Thái Thanh |
* Khi “Cô Vy” hoành hành…
Trong cả một năm, mùa Tết là mùa tưng bừng nhất của làng sân khấu. Có lẽ không nơi nào như TP.HCM. Tết đến, người người nhà nhà tìm đến với sân khấu. Các sân khấu phát huy tối đa công suất, mỗi ngày từ 2-3 suất phục vụ khán giả, suất nào khán giả cũng từ 2/3 đến đầy rạp. Nhưng năm 2020 quả là năm thất bát. Sân khấu chưa kịp “cày” hết mùa vàng thì dịch bệnh Covid-19 tấn công khiến không ít sàn diễn phải ngưng hoạt động sớm. Rất nhiều vở kịch mới toanh được các đơn vị ra sức đầu tư đành phải chịu cảnh xếp kho dù mới diễn được vài suất.
Đợt “nghỉ tết” bất đắc dĩ kéo dài đến tháng 5 các sàn diễn mới lục tục sáng đèn. Được khán giả thương nên các suất diễn trở lại trong… hồi hộp cũng phấn khởi hơn với hầu hết các đêm diễn khá đông vui.
Chưa được bao lâu thì sân khấu phải đối diện với mùa mưa, mùa “nghiệt” nhất trong năm của sàn diễn. Vì mưa gió bão bùng, khán giả rất ngại ra đường. Ráng cố thêm một thời gian thì “đụng” phải đợt tấn công mới khi dịch bùng lên tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 7-2020. Sân khấu TP.HCM bước vào lần đóng cửa thứ hai trong năm.
Khi tình hình tạm lắng thì bắt đầu bước vào những tháng cuối năm. Tháng chạy đua với thời gian để tập dợt những vở kịch mới chuẩn bị cho những ngày lễ, tết đặc biệt: Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... Chưa đâu vào đâu, đầu tháng 12-2020 TP.HCM lại có thêm những ca bệnh mới lây lan trong cộng đồng. Không cần chỉ đạo từ thành phố, các sàn diễn tự động ngưng diễn để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Rất nhanh, nhờ sự quyết liệt của các cấp, tình hình nhanh chóng ổn định. Sân khấu tiếp tục trở lại. Nhưng cũng… rất nhanh, cuối tháng 12-2020, nhóm người nhập cảnh “chui” tiếp tục đem đến mối bất an vì mang trong mình mầm bệnh khiến các cơ quan chức năng hết sức vất vả để truy tìm dấu vết. Sân khấu lại thêm một phen thở… hơi ra.
Vậy đó, một năm đầy bất ổn từ đầu năm kéo dài đến tận cuối năm và thật sự không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Trong tình hình chung, sân khấu năm qua bị ảnh hưởng quá nặng nề. Và hiện tại, các sân khấu trên tinh thần vẫn cứ việc mình mình làm như mọi năm. Nhưng tâm lý chung vẫn rất… phập phồng vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp!
* Những điểm sáng
Dù bức tranh 2020 quá u ám, nhưng các sân khấu cố gắng “chòi đạp” để có được vài điểm nhấn gây chú ý. Sân khấu Hoàng Thái Thanh tiếp tục giữ vững được sự tin yêu của người làm nghề và công chúng khi giới thiệu đến khán giả vở kịch Bàn tay của trời phiên bản năm 2020. Mặc dù là kịch bản cũ nhưng cách dàn dựng mới, phả luồng gió mới vào khiến Bàn tay của trời không bị cũ kỹ và vẫn hừng hực tính thời sự. Trên nền câu chuyện mang màu sắc dân gian, là một vụ tráo con rúng động trời xanh suốt 17 năm trời. Vở phô bày những xấu xa của xã hội, quan lại trơ trẽn mặc cả mua quan bán chức, thiên hạ bợ đỡ tung hô người có tiền, rẻ rúng trí thức nghèo. Khi cầm đồng tiền trong tay, họ tự cho mình cái quyền làm loạn, tung tiền mua phú quý, tung tiền mua giá trị ảo. Kẻ sĩ sống trong thời đảo điên đó cũng thấy lòng hoang mang… Phơi bày những vấn nạn đau đớn trong xã hội khi đồng tiền làm chủ nhưng Bàn tay của trời vẫn không khiến người ta mất niềm tin vào cuộc sống. Ở đó, còn có những lời gan ruột của thầy Đồ: “Không có công danh chân chất bằng sự ngu dốt/ Quyền cao chức trọng mà ngu dốt càng làm khổ cho đời/ Quan ngu sao dân sướng nổi…”. Một gia đình, xã hội xem nhẹ việc giáo dục ắt sẽ loạn vì vậy sự đề cao giáo dục trong vở một lần nữa lại thức tỉnh con người, đánh động đến xã hội…
Nhà hát kịch 5B vài năm qua vẫn chưa thoát cảnh phải bù lỗ mỗi đêm diễn. Và dĩ nhiên trong năm Covid-19 hoành hành vừa qua, tình hình của nhà hát càng thêm khó khăn. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi nhà hát chính là đơn vị ra nhiều vở nhất làng sân khấu trong năm 2020. Có đến 7 vở mới được dựng, trong đó có những vở gây chú ý như: Bồ công anh, Công lý như Mặt Trời… Chưa hết, tháng 10-2020 nhà hát ra mắt chương trình mới Chùm hài kịch ngắn tối thứ năm hằng tuần. Đến tháng 11-2020, nhà hát lại tiếp tục ra mắt chương trình kịch thiếu nhi mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Vở kịch Cậu Đồng của Sân khấu Idecaf. Ảnh: Trí Trọng |
Trong các vở diễn của Nhà hát Kịch 5B năm qua, đáng chú ý là vở Công lý như Mặt Trời (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực). Vở mang màu sắc dân gian ở một đất nước nọ, diễn ra buổi đón tân quan tri huyện. Lưu tri huyện tự nhận mình là Thiên tài phá án, bất cứ vụ việc nào ông chỉ cần 3 ngày là có thể phá án. Ngay ngày đầu nhậm chức, trong huyện đã xảy ra vụ án giết người mà mọi nghi ngờ đổ dồn vào A Ngưu. Từ hành trình phá án của Lưu tri huyện, vở “lột” từ từ những thối nát của quan chức. Ép cung, sắp bày chiêu trò để vụ án đi theo ý mình, mặc kệ oan sai. Quan bất tài, háo sắc nghe theo lời xúi giục để rồi tự mình đẩy mình vào cái bẫy tình - tiền. Xã hội đảo điên, đồng tiền làm chủ… Có lẽ khá lâu rồi sân khấu thành phố mới có một vở diễn về tham quan ra mắt công chúng. Cùng với đề tài chiến tranh, lịch sử, đề tài tham quan, tham nhũng được xem là khô khan, khó nhằn. Bà bầu Mỹ Uyên cho biết nhà hát quyết định dàn dựng vở này vì bản thân chị và ê-kíp có sự yêu thích đề tài: “Dù là làm lại từ kịch bản cũ nhưng vở không khó để làm mới vì đề cập đến vấn đề thời sự nên khi dàn dựng chúng tôi có thể xoay chuyển và cập nhật liên tục. Khi xem, khán giả sẽ có cảm giác là nghe vụ án này ở đâu rồi, vụ việc kia báo chí có nói… Chúng tôi xác định làm loại kịch này như sự mạo hiểm và cùng chờ phản ứng của khán giả” - Mỹ Uyên tâm sự. Và quả thật sau đó hành trình bán vé của Công lý như Mặt Trời cũng hết sức vất vả. Thế nhưng, sự “liều mình” của nhà hát để sân khấu thành phố có thêm màu sắc mới cũng là điều đáng ghi nhận.
Các sân khấu khác cũng cố gắng có vài sản phẩm gây chú ý như Thế giới trẻ với vở Ngược gió, lấy bối cảnh sông nước miền Tây để phác họa một câu chuyện tình đẹp khiến người xem cảm thấy thổn thức. Sân khấu Idecaf làm lại vở Cậu Đồng gây tiếng vang 20 năm trước, tiếp đó là vở Người lạ người thương rồi người dưng với cách dàn dựng khá mới khi đưa một ban nhạc sống vào vở diễn có nhiều suy ngẫm.
Sân khấu cải lương năm qua khá im ắng, vở mới rất hiếm, còn các suất diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong tình hình căng thẳng đó, đạo diễn Lê Nguyên Đạt vẫn “bạo gan” ra mắt sân khấu cải lương Sen Việt mô hình sân khấu nhỏ nằm ở tầng 1 (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, 5B Võ Văn Tần) vào tháng 10-2020 với vở Truyền tích Cổ Loa xưa. Một vở diễn mà ngay khi ra mắt đã tạo cảm tình với cách thiết kế sân khấu vừa vặn với không gian chỉ chừng 100 chỗ ngồi. Sân khấu nhỏ không có điều kiện để “tung hoành” về cảnh trí, đạo cụ nên đạo diễn rất chú trọng khâu chọn diễn viên. Vở chỉ 6, 7 nhân vật nhưng được đầu tư, diễn viên diễn tốt tạo nên một câu chuyện vừa kết hợp hiện đại và cổ xưa, vừa lạ vừa quen khiến người xem thích thú và phấn khích với nhiều cung bậc cảm xúc.
Tuy nhiên, sân khấu 100 chỗ ngồi cũng là một thách thức với nhà đầu tư để giải quyết bài toán thu chi. Sau vở đầu tiên, sân khấu tiếp tục giới thiệu các vở: Án tình, Ai là thủ phạm?, Lý Chiêu Hoàng…
Ở phía Bắc, Nhà hát cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp công diễn vở Cây gậy thần kết hợp cải lương và xiếc đã gây được sự chú ý. Đây là vở đầu tiên trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt được xây dựng theo từng năm, phản ánh các hình tượng nhân vật trong tứ bất tử, gồm: Tản Viên sơn thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Là thử nghiệm đầu tiên nên cũng cần thời gian để hoàn thiện hơn. Nhưng bước đầu vở đã tạo được dấu ấn lạ, không ít khán giả đã trầm trồ khi diễn viên cải lương tự thực hiện các cảnh đu bay trên không, vừa… bay vừa hát một cách ngon lành!
* Hé lộ những tài năng trẻ
Năm qua là năm định kỳ diễn ra các cuộc thi tài năng trẻ ở nhiều lĩnh vực. Từ những cuộc thi, vài gương mặt cũng kịp tỏa sáng.
Có thể kể đến cái tên Trần Ngọc Nhã Thi. Ngày 1-1-2021, Nhã Thi được vinh danh là một trong những công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM. Càng quý hơn khi trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, chỉ có tên cô được xướng lên. Để có thành quả hôm nay, với Nhã Thi là cả một quá trình dài nỗ lực không mệt mỏi, không nản chí. Không có may mắn được tỏa sáng ngay những ngày đầu mới vào nghề, cô vẫn lặng lẽ chắt chiu từng cơ hội được diễn, được mài giũa nghề với những vai diễn khó. Thi rất siêng năng và xông pha ở mọi lĩnh vực. Cô tích cực tham gia các chương trình truyền hình, gameshow để khán giả biết đến và liên tiếp giành giải thưởng Á quân Đường đến Danh ca vọng cổ 2018, Quán quân Tinh hoa hội tụ 2019… Về nghề, những năm gần đây cô liên tục đoạt huy chương ở các cuộc thi lớn: HCV Tài năng trẻ toàn quốc năm 2017, HCB hội diễn Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018, HCB liên hoan Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân năm 2020… Mới đây nhất, cô xuất sắc đoạt HCV cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 với vai diễn gần như vắt kiệt sức của cô trên sân khấu, Nguyễn Thị Anh trong Nước mắt thần phi.
Vở cải lương Cây gậy thần. Ảnh: BILLIESTUDIO |
Cũng ở cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, thí sinh nữ gây ấn tượng ở hạng mục đào thương chính là nghệ sĩ Lê Thanh Thảo với tiết mục Bão táp nguyên phong. Vai diễn quận chúa Huyền Nga trong trích đoạn này đã đem về cho cô HCV.
Lê Thanh Thảo là hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ có đến 100 năm ăn cơm tổ nghiệp, đại gia tộc hát bội - cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng. Không như các chị Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… nhanh chóng trở thành những cô đào chánh sáng giá của làng cải lương, cô út Thanh Thảo (con gái nghệ sĩ Trường Sơn - Thanh Loan) có những bước đi khá chậm. Cô có rất ít vai đào chánh mà thường xuyên được giao vai tính cách, đào nhì, đào ba. Không may mắn trở thành cái tên ngôi sao như các chị nhưng Thanh Thảo không nản chí. Cô cần mẫn từ những vai nhỏ, chăm chút trân trọng từng vai diễn được giao nên có thể diễn đa dạng từ đào bi, đào hài đến đào mụ. Chịu thương chịu khó vậy nên cô tiến bộ dần. Năm 2018, trong liên hoan Cải lương toàn quốc cô giành HCV với nhân vật điên, dì Lan, trong vở Hiu hiu gió bấc. Với nhân vật Huyền Nga trong cuộc thi năm nay, Thanh Thảo lại tiếp tục làm khán giả và người trong nghề bất ngờ khi thể hiện được khả năng chín muồi trong ca diễn cải lương và vũ đạo xuất sắc khiến cả khán phòng rùng rùng cảm xúc trước tinh thần bất khuất, yêu nước của Huyền Nga. Không hổ danh là hậu duệ của dòng tộc nổi tiếng về cải lương tuồng cổ của mảnh đất miền Nam.
Nguyễn Thanh Toàn, diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng là gương mặt nổi bật khi chinh phục ban giám khảo và khán giả với những vai lão đầy gai góc. Trong cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020, anh đoạt HCV hạng mục kép lão với vai Tám Khỏe trong tiết mục Người ven đô. Trước đó, Nguyễn Thanh Toàn từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ, HCV cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc… Với vóc dáng nhỏ con, có lẽ biết mình không có lợi thế ở những vai kép chánh nên Thanh Toàn đã sớm “lão hóa” trong vai diễn. Trước đây, anh từng thể hiện rất thành công nhân vật Trần Thủ Độ trong Đời luận anh hùng. Và đến cuộc thi gần đây, Thanh Toàn chứng tỏ nội lực ngày càng tốt của mình. Với làn hơi khỏe khoắn, giàu chất tự sự, anh biết cách gieo vào đó cảm xúc có chiều sâu của từng nhân vật. Nhân vật Tám Khỏe bị địch ép buộc mà nói những lời không nên nói khiến ông đau đớn, giằng xé tan nát ruột gan. Từng ánh mắt, từng tiếng thét bất lực của Tám Khỏe - Thanh Toàn khiến khán phòng như lặng đi, một bi kịch của lão nông cả đời trung nghĩa khiến không ít khán giả lòng như nhói buốt. Và như thế, Thanh Toàn, cùng với Nhã Thi, Thanh Thảo… đã cho người ta thêm niềm tin về một lớp trẻ vẫn còn đó sự đam mê với nghệ thuật truyền thống, vẫn rèn luyện, vẫn cố gắng bám trụ với nghề dù sàn diễn cải lương vẫn đối diện với muôn vàn khó khăn…
Trí Trọng