Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðồng Nai - Những dấu ấn trong dòng chảy lịch sử

09:02, 06/02/2021

Vùng đất Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay mang trong lòng những dấu tích văn hóa độc đáo, thành tựu của nhiều thế hệ tạo dựng. Hơn 320 năm thành lập và phát triển, các thế hệ cư dân tiếp tục gây dựng và để lại những dấu ấn quan trọng trong từng giai đoạn. Những dấu ấn mà các thế hệ tiền nhân tạo dựng như một mạch nguồn trong dòng chảy tiếp nối của cuộc sống.

Vùng đất Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay mang trong lòng những dấu tích văn hóa độc đáo, thành tựu của nhiều thế hệ tạo dựng. Hơn 320 năm thành lập và phát triển, các thế hệ cư dân tiếp tục gây dựng và để lại những dấu ấn quan trọng trong từng giai đoạn. Những dấu ấn mà các thế hệ tiền nhân tạo dựng như một mạch nguồn trong dòng chảy tiếp nối của cuộc sống.

Một góc TP.Biên Hòa. Ảnh: Nguyễn An
Một góc TP.Biên Hòa. Ảnh: Nguyễn An

* Từ vùng “đất rộng người thưa” đến nông thôn mới

Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay là điểm khởi đầu cho một quá trình Nam tiến mạnh mẽ của người Việt khi mở mang bờ cõi. Vùng đất Đồng Nai - Gia Định cực Nam được xem là hoang sơ, vốn “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”, “trâu rừng tụ tập theo bầy hàng ngàn con”, “muỗi kêu như sáo thổi”… là nơi đất rộng, ít người sinh sống. Chính vì lẽ đó, nơi đây trở thành sự chọn lựa lý tưởng của nhiều người tìm đất sống dù nhiều trở lực. Đường thủy từ biển đến rạch sông tiến sâu vào đất liền là cách thức an toàn bởi đất nước Chămpa án ngữ ở đất liền. Trước thời điểm mang tính bước ngoặt, cả xứ Nam bộ đặt dưới sự quản trị hành chính của chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698 với vai trò quan trọng của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh là cả quá trình của những bước chân di dân. Người Việt, người Hoa đã tìm đến Đồng Nai - Gia Định bởi “cái liềm, cái rựa, cái cuốc, cái phảng…” để lập thôn, khai xóm của người dân làm cơ sở cho “Nhà nước theo sau”. Đồng Nai xưa đón nhiều di dân và được khai khẩn qua các thời kỳ để trở thành vựa lúa lớn mà dân gian truyền tụng “Hết gạo thì có Đồng Nai” hay “Cơm Nai - Rịa, cá Rí Rang” với cách nhìn như một trung tâm.

Môi trường và đặc điểm tự nhiên của Đồng Nai đã phát triển nhanh chóng khi cư dân đông đảo và các chính sách phát triển của các thể chế quản lý qua các thời kỳ. Đồng Nai giờ đã có nhiều thay đổi trong xu hướng phát triển chung của cả Nam bộ, khi mảng xanh của nông thôn được thay thế bởi đô thị hiện đại đã, đang và được quy hoạch. Dễ dàng nhận thấy nhất là sự thay đổi của tình trạng “đất rộng người thưa” trước đây không còn nữa mà là “đất chật người đông” nhưng vẫn là “đất lành” để nhiều người chọn đến sinh sống, làm việc. Nông thôn mới - từ chủ trương phát triển nay đã trở thành hiện thực với những thay đổi tích cực, làm biến chuyển đời sống của người dân và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng Nai ghi dấu ấn vào năm 2014, là địa phương đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện “về đích” trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là một trong 2 tỉnh dẫn đầu của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và “về đích” trước 2 năm, tiếp tục nêu gương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ảnh: Lâm Cón
Ảnh: Lâm Cón

* Dấu tích công xưởng xưa đến công nghiệp hóa hiện nay

Những phát hiện khảo cổ về cư dân cổ Đồng Nai khá lý thú khi một số địa điểm cho thấy quá trình “chuyên môn hóa sản xuất”; đó là di chỉ đồi Phòng Không (Vĩnh Cửu), Cái Vạn (Nhơn Trạch), Long Giao (Long Khánh)… Từ vùng đồi núi đến khu vực ven sông gần biển, theo dòng chảy của các con sông, người tiền sử Đồng Nai đã thành lập những xưởng chuyên chế tác công cụ, vật dụng, vũ khí… Đây là những cách thức chuyên nghiệp sản xuất hàng hóa không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tại chỗ mà còn để trao đổi trong môi trường sinh tồn cách đây hàng ngàn năm của cư dân thời cổ.

Một trong những dấu ấn khá đặc biệt của Đồng Nai vào thập niên 80, thế kỷ XX là công trình thủy điện Trị An. Rừng núi bạt ngàn và dòng chảy của sông Đồng Nai được bàn tay, khối óc con người xây dựng thành công trình thủy điện lớn nhất miền Nam, gắn với tình hữu nghị Việt - Xô sâu đậm. Sau gần thập niên xây dựng, hàng triệu triệu lượt người tham gia và cả sự hy sinh, công trình thủy điện Trị An đã hòa vào điện lưới quốc gia, đem nguồn sáng cho miền Nam, đi vào trong thơ ca vang dậy một thời “Trị An âm vang mùa xuân”: Dòng điện mênh mang, từ ngàn khối óc… Dòng điện mê say gọi ngày tương lai… Dòng điện bao la, gọi đời bay xa… mạnh mẽ cho thời kỳ điện khí hóa. Ngày nay, thủy điện Trị An vẫn còn nguyên giá trị về sức mạnh chinh phục của con người, nguồn lợi và khai thác tài nguyên trong phát triển kinh tế.

Sự hình thành Khu kỹ nghệ Biên Hòa vào thập niên 60 thế kỷ trước - được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam cho đến hàng chục khu công nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để lại một dấu ấn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau Đổi mới (năm 1986), Biên Hòa - Đồng Nai có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 35 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 12 ngàn ha, thu hút hơn 1.800 dự án vốn đầu tư nước ngoài; nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả với nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hoạt động các khu công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thu hút hàng chục ngàn lao động từ mọi miền đất nước; đóng góp hơn 50% tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai.

* Thương cảng một thời đến sân bay hiện đại

Cù lao Phố giữa sông Đồng Nai đi vào lịch sử của Nam bộ với tính chất một cảng thị sầm uất của phương Nam. Vào thế kỷ XVII đến XVIII, “xứ đô hội” này thu hút nhiều tàu buôn nước ngoài, nơi trao đổi hàng hóa phong phú của cả vùng Đồng Nai - Gia Định. Do những yếu tố của lịch sử, thương cảng này bị lụi tàn dần nhưng dấu tích một thời cũng như truyền thống phát triển thương mại, giao lưu quốc tế này như một mạch trong dòng chảy kinh tế của phương Nam.

Sân bay quân sự Biên Hòa, Tổng kho Long Bình được hình thành trong giai đoạn lịch sử trước năm 1975 với mục đích khác nhưng là những cơ sở nền tảng về yếu tố thuận lợi nhằm khai thác một cách hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, sân bay Biên Hòa được thành lập từ thời Pháp đến nay vẫn giữ giá trị và đặt nền móng cho sự phát triển của vùng đất cận trung tâm đô thị lớn phía Nam. Ngoài chính sách về quân sự, trong chính sách phát triển, ít ai có thể nghĩ rằng, Đồng Nai sẽ có một sân bay thứ hai khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã, đang hoạt động hiệu quả. Sau một thời gian dài nghiên cứu, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên địa bàn Đồng Nai được phê duyệt và khởi công vào năm 2021. Sân bay Long Thành hướng đến mục tiêu là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Hiện nay, những công việc liên quan đến dự án này được Đồng Nai và các bên tích cực thực hiện. Nhiều thay đổi mang tính chất lớn của một khu vực rộng, gắn với dân cư của Đồng Nai trong quy hoạch phát triển chắc chắn sẽ làm biến chuyển khi hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả. Đó là một trung tâm đô thị quy mô trong tứ giác động lực kinh tế phía Nam, gắn khu vực và quốc tế rộng mở trong chiều kích phát triển mạnh mẽ thời kỳ hội nhập sâu rộng.

* Truyền thống hào hùng và sức mạnh trong xây dựng quê hương

Trải qua nhiều giai đoạn và biến động, người Đồng Nai qua nhiều thế hệ đã thể hiện lòng yêu nước của mình với tinh thần bất khuất, kiên cường. Đầu thế kỷ XX, những tổ chức yêu nước đấu tranh chống ngoại xâm bằng hình thức hội kín lưu danh sử sách: Trại Lâm Trung, Đoàn Văn Cự… Dưới ngọn cờ của cách mạng, nhiều cuộc đấu tranh kiên cường của quần chúng, công nhân tạo nên khí thế mạnh mẽ: Phú Riềng đỏ, phong trào công nhân đồn điền cao su, nhà máy BIF… Những chiến khu Bình Đa, Long Thành, Đất Cuốc… hình thành khá sớm để tập hợp lực lượng, thành lập lực lượng vũ trang cách mạng. Chiến khu Đ đã trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của quân dân Đồng Nai, Nam bộ “Đồng Nai là mảnh đất kiên cường mà biết bao khu rừng, ngọn núi, khúc sông đã trở thành những chiến công hiển hách” (Lê Duẩn) trong lòng “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Tinh thần bất khuất trong đấu tranh cách mạng được hun đúc, nhen lên trong sức mạnh đoàn kết dân tộc khi thực hiện những chính sách xây dựng, phát triển quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Quân dân Đồng Nai một lòng, phát huy tinh thần kiên cường trong chống ngoại xâm bảo vệ biên giới Tây Nam, trong chính sách kinh tế mới, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phan Đình Dũng

 

Tin xem nhiều