Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðón thời cơ với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược

07:02, 04/02/2021

Các tuyến đường giao thông chiến lược đã được quy hoạch mở mới, nâng cấp, mở rộng hứa hẹn sẽ tạo ra sự kết nối để đón thời cơ từ các "điểm nóng" về thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Các tuyến đường giao thông chiến lược đã được quy hoạch mở mới, nâng cấp, mở rộng hứa hẹn sẽ tạo ra sự kết nối để đón thời cơ từ các “điểm nóng” về thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

* Giao thông đi trước

Ngày 5-1-2021, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công. Ngoài vai trò kết nối giao thông, sân bay Long Thành khi hoàn thành, đưa vào sử dụng còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với các lĩnh vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ…

Nhiều tuyến đường tỉnh sẽ được cải tạo, mở rộng trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong ảnh: đường tỉnh 769. Ảnh: Lê Văn
Nhiều tuyến đường tỉnh sẽ được cải tạo, mở rộng trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong ảnh: đường tỉnh 769. Ảnh: Lê Văn

Ngoài sân bay Long Thành, hiện nay Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung 6,5 ngàn ha đất phát triển công nghiệp. Những khu công nghiệp (KCN) mới hiện cũng đã được Đồng Nai lên kế hoạch thành lập.

Với tiềm năng to lớn như trên, thời gian qua, Đồng Nai đã tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông kết nối với sân bay Long Thành cũng như các KCN sẽ được mở mới nhằm khai thác tối đa lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, Sở GT-VT đã có đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh vào quy hoạch GT-VT đường bộ tỉnh. Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GT-VT cho biết, việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch GT-VT đường bộ trên địa bàn tỉnh xuất phát từ mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông đường bộ đi trước, đón đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

“Tỉnh sẽ lấy sân bay Long Thành làm trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay. Nghiên cứu, phát triển, hình thành các trục giao thông tạo động lực phát triển cho các địa phương, đặc biệt là các huyện còn khó khăn như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất… Xây dựng hệ thống giao thông kết nối, giao thông đối ngoại phục vụ cho các KCN dự kiến sẽ được bổ sung vào quy hoạch và mở mới các tuyến đường kết nối với các KCN” - ông Nguyễn Bôn cho biết.

Xuất phát từ tầm nhìn trên, có 4 tuyến đường tỉnh đã được Sở GT-VT đề xuất mở mới trong giai đoạn từ năm 2021-2030 gồm: đường tỉnh 770B (từ đoạn giao với đường tỉnh 763, H.Định Quán đến quốc lộ 51, H.Long Thành); đường tỉnh 773B (từ đường song hành phía Đông quốc lộ 20, H.Thống Nhất đến đường tỉnh 764, H.Cẩm Mỹ); đường tỉnh 780B từ quốc lộ 1, H.Trảng Bom đến đường Sông Nhạn - Dầu Giây, H.Cẩm Mỹ) và đường tỉnh 763B (từ quốc lộ 56, H.Cẩm Mỹ đến nút giao giữa đường Suối Quýt và đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường, H.Long Thành).

Trong số các tuyến đường được đề xuất mở mới, các tuyến đường tỉnh 770B, 773B, 780B là những tuyến đường mang tính chiến lược hình thành trục giao thông quan trọng kết nối địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Trảng Bom và TP.Long Khánh đến khu vực sân bay Long Thành. Đồng thời, tạo trục kết nối các KCN sẽ được mở mới trong thời gian tới trên địa bàn các địa phương này. Riêng đường tỉnh 763B là tuyến đường để kết nối các huyện phía Đông của tỉnh, đồng thời chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 20 và nút giao thông Dầu Giây hiện đang quá tải.

Bên cạnh đề xuất mở mới các tuyến đường, Sở GT-VT cũng đề xuất mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường khác với mục tiêu “giao thông đi trước” để đón cơ hội phát triển như: đường tỉnh 769 (đoạn từ giao với quốc lộ 1, H.Thống Nhất đến đường giao với quốc lộ 51B); đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); đường tỉnh 773; đường 769E (đoạn từ ranh sân bay Long Thành đến đường Vành đai 4); tuyến đường Vành đai 4 (từ quốc lộ 1, H.Trảng Bom đến đường tỉnh 769, H.Long Thành); đường chuyên dùng Phước Bình (kết nối từ quốc lộ 51 đến KCN Phước Bình, H.Long Thành) và đường ra cảng Phước An (đoạn từ giao với đường 319 đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành).

* Đón thời cơ từ các “điểm nóng” tăng trưởng

Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng cho rằng, Đồng Nai xác định động lực phát triển lớn nhất của địa phương trong những năm tới chính là sân bay Long Thành và các KCN sẽ được mở mới. Do đó, việc quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối để khai thác tốt nhất những cơ hội phát triển luôn được Đồng Nai đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, đối với dự án sân bay Long Thành, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. “Tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy, sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ đóng góp gần 1% vào GDP chung của cả nước” - Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đường tỉnh 769 là tuyến đường kết nối đặc biệt quan trọng với cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2021-2025
Đường tỉnh 769 là tuyến đường kết nối đặc biệt quan trọng với cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2021-2025

Đối với Đồng Nai, tỉnh luôn xác định sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy phát triển trên quy mô rộng, tác động đến nhiều vùng huyện của tỉnh. Do đó, để nắm bắt tốt thời cơ, Đồng Nai đã chủ động quy hoạch trước mạng lưới giao thông để đón đầu cơ hội phát triển. “Phát triển hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Đồng Nai vì nếu không làm việc này sớm thì sau này khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, không những tỉnh không tận dụng được thời cơ mà còn có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, việc mở mới các KCN trên địa bàn các huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh trong thời gian tới cũng đòi hỏi phải dành nguồn lực lớn ưu tiên đầu tư cho mạng lưới giao thông kết nối. Bởi thực tế, hạ tầng giao thông tại các địa phương này hiện vẫn còn hạn chế. Do đó, việc quy hoạch mở mới, mở rộng và nâng cấp các tuyến giao thông chiến lược trong thời gian tới cũng hướng đến mục tiêu kép vừa kết nối các KCN vừa tạo động lực cho các địa phương vùng khó khăn tăng tốc phát triển.

Dẫn chứng cho mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, một trong những tuyến đường được quy hoạch mở mới là đường tỉnh 770B sẽ kết nối các huyện Định Quán, Thống Nhất đến khu vực sân bay Long Thành và hình thành trục kết nối giữa KCN Xuân Quế - Sông Nhạn với KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong tương lai. “Như vậy hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phục vụ phát triển theo chiến lược phát triển thời gian tới của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Vào tháng 12-2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ KH-ĐT về việc bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020. 3 KCN được bổ sung vào quy hoạch gồm: KCN Long Đức 3 (diện tích 253ha tại xã Long Đức, H.Long Thành); KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (diện tích hơn 2,6 ngàn ha tại 2 xã Bàu Cạn và Tân Hiệp, H.Long Thành) và KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (diện tích hơn 3,5 ngàn ha tại 2 xã Xuân Quế và Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ). Như vậy, đến thời điểm này, Đồng Nai đã có 38 KCN được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020.

LÊ VĂN

Tin xem nhiều